Tiến sĩ Vũ Văn Trường, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết: Với phương châm "Xây dựng Trường Đại học Hoa Lư trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao", để thực hiện mục tiêu đó, nhà trường đã tập trung triển khai các giải pháp đảm bảo chất lượng đào tạo như: Xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình, tập bài giảng; tích cực áp dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến, lấy người học là trung tâm, tăng cường tự học, tự nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, học tập và quản lý. Tăng cường phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp tổ chức cho học sinh, sinh viên đi tham quan, kiến tập và thực tập nhằm gắn nhà trường với xã hội, đào tạo với thực tiễn, yêu cầu xã hội, đồng thời rèn kỹ năng, ý thức nghề nghiệp và tác phong công nghiệp cho sinh viên. Đánh giá kiểm định chất lượng đào tạo và thực hiện công khai về cam kết mục tiêu và chất lượng đào tạo như: công khai lực lượng giảng viên và các nguồn lực của trường, công khai tài chính. Tổ chức lấy ý kiến phản hồi của người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên, lấy ý kiến khóa học của sinh viên trước khi tốt nghiệp ra trường.
Nhà trường đã công bố chuẩn đầu ra cho 32 mã ngành đào tạo, triển khai thực hiện chuyển đổi 32 chương trình đào tạo từ niên chế sang đào tạo theo học chế tín chỉ và nhiều giải pháp đổi mới trong quản lý, đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhà trường thực hiện linh hoạt trong phương thức đào tạo, bên cạnh đào tạo theo hình thức truyền thống theo niên chế, Trường đã tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ, cho phép sinh viên được lựa chọn những tín chỉ định hướng chuyên ngành, mở rộng sự hiểu biết, tạo điều kiện cho các em trong việc học liên thông, tăng cơ hội về việc làm sau khi tốt nghiệp. Sinh viên học tập tại Trường có nhiều lựa chọn bở sự đa dạng các bậc học, các loại hình đào tạo và sự phong phú về các ngành nghề.
Đặc biệt, thuận lợi của nhà trường là đội ngũ giảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, tâm huyết, yêu nghề, gắn bó với nhà trường, đáp ứng tốt các yêu cầu về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Hiện toàn trường có 288 cán bộ, giảng viên, nhân viên, trong đó 197 người là giảng viên cơ hữu có trình độ cao (1 PGS.TS, 20 tiến sĩ và nghiên cứu sinh, 160 thạc sĩ). Đội ngũ giảng viên của nhà trường đảm nhận, thực hiện khối lượng các công việc đảm bảo về tổng số giờ dạy của nhà trường trong năm là trên 36 nghìn giờ, trung bình mặt bằng lao động giảng viên trong từng năm học thực hiện 190 giờ/người/năm học, đảm bảo giờ định mức của giáo viên được giao ở 23 bộ môn. Mặt khác, những năm qua, nhà trường cũng đã phối hợp với nhiều trường đại học, học viện, viện nghiên cứu có uy tín trong nước đẩy mạnh hoạt động liên kết đào tạo trình độ đại học và sau đại học. Hoạt động liên kết đào tạo đã đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và bổ sung kịp thời nguồn nhân lực có chất lượng, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời nhà trường đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế trong đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tỉnh U-đôm-xay (nước CHDCND Lào), nhà trường đã tiếp nhận 6 khóa lưu học sinh với quy mô đào tạo 60 sinh viên. Hiện đã có 10 lưu học sinh Lào hoàn thành chương trình đào tạo khóa I, tốt nghiệp ra trường.
Tiến sỹ Tạ Hoàng Minh, Trưởng khoa Tiểu học - Mầm non cho biết: Khoa Tiểu học - Mầm non đào tạo 2 mã ngành truyền thống của nhà trường từ ngày thành lập đến nay trong việc đào tạo giáo viên mầm non hệ đại học và cao đẳng; đào tạo giáo viên tiểu học hệ cao đẳng. Hiện Khoa đào tạo 18 lớp hệ chính quy và 2 lớp liên thông với 639 sinh viên chính quy. Năm học 2016-2017 là năm học đầu tiên Khoa triển khai đào tạo hệ đại học giáo dục tiểu học, Khoa tập trung xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội. Chú trọng việc rèn nghiệp vụ sư phạm ngay tại nhà trường và tại các trường sinh viên đến thực tập. Triển khai kịp thời các chương trình giáo dục mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo như chương trình VNEN, Tiếng Việt 1-Công nghệ giáo dục để sinh viên nhanh chóng tiếp cận với nhiệm vụ giáo dục của các nhà trường. Chủ động kết hợp với phòng chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo để giảng viên trẻ, sinh viên tham gia các cuộc hội thảo, các hội nghị, tập huấn nghiệp vụ của Bộ, của Sở nhằm nắm bắt được những vấn đề mới trong giáo dục từng bậc học. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới phụ huynh, giáo viên, ban giám hiệu nhà trường về chương trình, hoạt động giáo dục của Khoa nhằm thu hút sinh viên cũng như nắm bắt thời cơ trong tìm kiếm việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp.
Nhiều năm qua, Khoa Tiểu học - Mầm non luôn là khoa có khối lượng giờ dạy lớn, vượt giờ 150%. Kết quả giáo dục của Khoa luôn được nhà trường và xã hội đánh giá cao, hàng năm có 99% sinh viên tốt nghiệp, trong đó chất lượng khá, giỏi đạt 35-40%; tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt 80%; nhiều sinh viên của khoa đã đỗ cao học mầm non của Trường Đại học Sư phạm I. Do đó uy tín của khoa tiếp tục được nâng cao. Hiện, có nhiều sinh viên thuộc 13 tỉnh, thành phố trong cả nước (Quảng Bình, Nam Định, Nghệ An, Hòa Bình, Thanh Hóa, Gia Lai, Vũng Tàu, Bình Phước, Lâm Đồng, Hà Nội…) đang theo học tại khoa, nhiều lớp có 1/3 sinh viên là người tỉnh ngoài.
Bên cạnh công tác đào tạo, nhà trường đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Trường Đại học Hoa Lư có nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học lớn nhất tỉnh. Hiện tại số giảng viên nhà trường đã tham gia nghiên cứu 8 đề tài cấp Nhà nước, tập trung ở lĩnh vực khoa học tự nhiên, trong đó có 1 đề tài thuộc bộ môn Vật lý do giảng viên nhà trường làm chủ đề tài và 7 đề tài giảng viên nhà trường tham gia với tư cách thư ký khoa học, thành viên chủ chốt.
Từ năm 2007 đến nay, nhà trường chủ trì, nghiên cứu 10 đề tài cấp tỉnh, hơn 350 đề tài cấp trường và hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên. Các giảng viên còn tham gia biên soạn 30 đầu sách và hàng chục giáo trình, tài liệu tham khảo. Nhiều đề tài, tài liệu của giảng viên đã được áp dụng trong thực tiễn đào tạo, quản lý, đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường. Nhờ đó, chất lượng đào tạo không ngừng được nâng lên. Tỷ lệ sinh viên đạt điểm khá, giỏi trong các kỳ thi học phần, học kỳ hàng năm đạt từ 40-45%; tỷ lệ sinh viên đỗ tốt nghiệp hàng năm đạt trên 98%; tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi hàng năm đạt 20-25%; hàng năm nhà trường đều có sinh viên đạt giải cao (nhất, nhì, ba) trong các kỳ thi Olympic Toán học sinh viên toàn quốc. Trong 10 năm qua, nhà trường đã có 5 khóa sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường với gần 2.000 sinh viên. Qua điều tra, khảo sát, sinh viên tốt nghiệp ra trường đáp ứng được các yêu cầu của xã hội và doanh nghiệp, đang trực tiếp đóng góp công sức và trí tuệ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.
Hồng vân