Đồng chí Giang Thị Thoa, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh cho biết: Xuất phát từ thực tế đội ngũ giảng viên của Trường đa phần tuổi đời còn trẻ, trình độ chuyên môn, lý luận tốt nhưng lại thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Một số giảng viên, nhất là giảng viên trẻ tập trung nhiều cho hoạt động giảng dạy, chưa gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế với hoạt động giảng dạy...
Nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế của đội ngũ giảng viên trẻ, năm 2014, Ban Giám hiệu nhà trường đã xây dựng Đề án "Đưa giảng viên Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2014-2020" với mục tiêu chính là: xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ lý luận chính trị vững vàng; có kiến thức thực tiễn phong phú, có khả năng tổng kết thực tiễn để tham mưu cho tỉnh đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh; tạo sự chuyển biến mới trong chất lượng giảng dạy, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Ngay sau khi Đề án được UBND tỉnh phê duyệt, căn cứ vào tình hình thực tế, Ban Giám hiệu nhà trường đã xây dựng kế hoạch đưa giảng viên đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở theo từng năm. Việc đưa đưa giảng viên đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở đã được Ban Giám hiệu nhà trường tiến hành một cách bài bản, phù hợp với từng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm; nội dung giảng viên nghiên cứu thực tế ở cơ sở phải gắn với nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng; đồng thời đảm bảo thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị cơ sở có giảng viên đến nghiên cứu thực tế và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Trường bình thường, ổn định.
Căn cứ vào nội dung chương trình giảng dạy của các khoa và nhu cầu kiến thức thực tế của mình, giảng viên lựa chọn vấn đề nghiên cứu ở cơ sở, xây dựng đề cương nghiên cứu thông qua Khoa và được Ban Giám hiệu nhà trường phê duyệt. Trong quá trình nghiên cứu thực tế nếu phát hiện vấn đề mới ngoài đề cương đã đăng ký trước thì giảng viên được phép xây dựng đề cương bổ sung. Hàng tháng, hàng quý đều phải báo cáo với lãnh đạo khoa, phòng và lãnh đạo Trường, đảm bảo thông tin hai chiều trong thời gian giảng viên đi nghiên cứu thực tế.
Giảng viên Phạm Thu Hằng, Phó khoa Dân vận cho biết: Thực hiện kế hoạch của Ban Giám hiệu nhà trường, tháng 10 năm 2017, tôi được cử đi nghiên cứu thực tế tại xã Khánh Hội (Yên Khánh). Trong thời gian đi nghiên cứu thực tế, tôi được Đảng ủy, UBND xã tạo điều kiện bố trí nơi làm việc, được học hỏi kinh nghiệm từ các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức xã để từ đó tích lũy cho mình kỹ năng giải quyết những vấn đề nổi cộm nảy sinh, kỹ năng xử lý tình huống và giải quyết những vấn đề bức xúc ở cơ sở, kỹ năng làm công tác dân vận... Những điều này đã giúp tôi thực hiện tốt hơn trong bài giảng của mình. Bên cạnh đó, quá trình nghiên cứu thực tế ở cơ sở, tôi được Ban Giám hiệu nhà trường bố trí thời gian, sắp xếp công việc và tạo điều kiện về mọi mặt; các đồng nghiệp cũng thường xuyên quan tâm, chia sẻ các công việc của trường... nên tôi yên tâm nghiên cứu, đạt hiệu quả cao.
Trường Chính trị tỉnh đã lựa chọn các loại hình cơ sở để đưa giảng viên về nghiên cứu thực tế nhằm đảm bảo tính nghiên cứu toàn diện: vùng đô thị, vùng nông thôn đồng bằng và nông thôn miền núi; đơn vị tiêu biểu xuất sắc, trung bình và còn yếu để giúp cho giảng viên có cách nhìn toàn diện về vùng miền ở các mức độ khác nhau, có tư liệu thực tiễn phong phú cho các bài giảng; đồng thời góp phần nhân rộng những điển hình tiên tiến và giúp cơ sở yếu kém tìm ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn. Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên liên hệ với cơ sở để nắm bắt, điều chỉnh kịp thời việc chấp hành nhiệm vụ, chất lượng công tác nghiên cứu của giảng viên.
Là người vừa hoàn thành chương trình nghiên cứu thực tế tại xã Gia Thủy (Nho Quan), giảng viên Đinh Thị Hoa (Khoa Nhà nước và pháp luật) chia sẻ: Sau thời gian hơn 5 năm công tác tại Trường, tôi đã được cử đi nghiên cứu thực tế tại xã Gia Thủy. Một năm gắn bó với cơ sở, tôi đã được trải nghiệm thực tế trong vai trò là cán bộ, công chức văn phòng, cán bộ các đoàn thể ở xã, đồng thời tôi có gần 2 tháng được trải nghiệm thực tế tại Văn phòng HĐND-UBND huyện Nho Quan.
Đối với tôi, 1 năm làm việc tại cơ sở là quãng thời gian quý giá. Bởi ở đây tôi được đi sâu, thâm nhập cơ sở, được quan sát, cùng làm việc với cán bộ cơ sở, tôi đã hiểu hơn về công việc của họ- những người trực tiếp triển khai, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn. Thông qua đó giúp tôi thấy được những khó khăn, bất cập trong thực thi chính sách, pháp luật. Cũng từ việc tiếp xúc, gắn bó mật thiết với nhân dân, tôi nắm bắt được những điều mà người dân mong đợi ở Nhà nước. Tôi học được cách nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, những điều nên làm, cần làm khi giảng dạy để truyền đạt những kiến thức phù hợp, tạo sự thuyết phục học viên, nhất là học viên làm việc tại cơ sở.
Sau gần 4 năm thực hiện Đề án "Đưa giảng viên Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2014-2020", Trường Chính trị tỉnh đã cử 21 giảng viên đi thực tế và đã có 17 giảng viên hoàn thành nhiệm vụ, 4 giảng viên hiện đang tiếp tục nghiên cứu thực tế tại cơ sở. 21 địa bàn giảng viên về nghiên cứu thực tế đã trải khắp các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Đánh giá về hiệu quả bước đầu triển khai thực hiện Đề án, đồng chí Giang Thị Thoa, Phó Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: Thông qua dự giờ đột xuất, dự giờ theo kế hoạch, kết quả hội thi và thông qua phản ánh của học viên, Ban Giám hiệu nhà trường nhận thấy, sau khi đi nghiên cứu thực tế, giảng viên đã hiểu đối tượng đào tạo của mình hơn, biết rõ hơn họ đang thiếu gì và cần gì; giảng viên đã có sự điều chỉnh trong thiết kế bài giảng khoa học hơn, chất lượng bài giảng được nâng lên rõ rệt, có kiến thức thực tiễn để minh chứng cho lý luận. Bản thân các giảng viên trẻ cũng đã tự tin hơn rất nhiều trong giao tiếp, ứng xử đúng mực với đồng nghiệp, với học viên, với cấp trên. Các chương trình nghiên cứu của giảng viên đã mang hơi thở cuộc sống rất nhiều.
Hơn nữa, đi thực tế cơ sở còn là điều kiện để giảng viên nắm bắt tình hình thực tiễn phong phú, sinh động đang diễn ra, kiểm chứng kiến thức lý luận đã giảng dạy, hiểu sâu hơn về chủ trương phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương; là môi trường tốt thể hiện khả năng dân vận, phong cách, đạo đức của giảng viên... Chất lượng giảng viên ngày một nâng lên, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường. Điều này đã phản ánh tính đúng đắn và kịp thời của Đề án "Đưa giảng viên Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2014-2020".
Bài, ảnh: Đinh Ngọc