Theo Chiến lược phát triển cơ sở vật chất, trường xác định việc huy động nguồn vốn tập trung bằng các nguồn của Nhà nước đầu tư và quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của trường. Theo đó, giai đoạn 2009-2011, trường triển khai xây dựng, nâng cấp các hạng mục: Nhà học đa năng, phòng thực hành, ký túc xá A5, trạm bơm và hệ thống xử lý nước sạch, hệ thống đường khu C, cống ngầm thoát nước, sân tập xe ô tô, nâng cấp sân vận động, hội trường… trị giá trên 30 tỷ đồng. Nhà trường đã tự đầu tư xây dựng mới nhà thực hành bảo dưỡng khoa Cơ điện 4 tầng, diện tích xây dựng trên 3.600m2, tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu phòng học, xưởng thực hành, giải quyết dứt điểm tình trạng học 3 ca.
Được thụ hưởng Dự án "Tăng cường năng lực đào tạo nghề" thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, Trường đã đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ giảng dạy các nghề trọng điểm như: Nâng cấp phòng học Luật Giao thông đường bộ; phòng thực hành máy tính; đầu tư xây dựng mới các phòng học về công nghệ ôtô; công nghệ hàn; phòng học tự động hóa; phòng hội thảo và phương pháp sư phạm… trị giá trên 20 tỷ đồng.
Đầu tư các trang thiết bị giảng dạy tiên tiến, Trường từng bước đổi mới phương pháp giảng dạy "lấy học sinh làm trung tâm", qua đó tạo cho học sinh tính chủ động trong học tập, thực hành, nghiên cứu, góp phần đào tạo những công nhân kỹ thuật lành nghề, đáp ứng yêu cầu lao động trong nước, ngoài nước.
Kết quả học sinh đỗ tốt nghiệp ra trường có cơ hội tìm việc làm ngày càng cao, chất lượng lao động được các doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá tốt.
Năm học 2011-2012, trường có 3.643 học sinh, sinh viên tốt nghiệp ở 3 cấp trình độ. Tỷ lệ xếp loại tốt nghiệp: Loại khá, giỏi chiếm gần 40%; trung bình khá trên 35%. Hầu hết sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay, được các cơ sở, doanh nghiệp tiếp nhận, đặc biệt hệ cao đẳng nghề 100% đều có việc làm với mức lương khá… Từ đào tạo công nhân kỹ thuật, đến nay nhà trường đào tạo 14 nghề hệ cao đẳng, 20 nghề trình độ trung cấp, liên kết đào tạo liên thông lên đại học với 6 chuyên ngành.
Từ năm 2011, trường Cao đẳng nghề cơ giới Ninh Bình được Bộ Nông nghiệp & PTNT, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lựa chọn để đầu tư 4 nghề trọng điểm, trong đó có 2 nghề trọng điểm khu vực (Vận hành máy thi công nền và Sửa chữa máy thi công xây dựng) và 2 nghề trọng điểm quốc gia (Vận hành máy thi công mặt đường và Bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí), do đó từ năm học 2011-2012, nhà trường đã đầu tư mua sắm nhiều thiết bị mới, hiện đại phục vụ đào tạo nghề trọng điểm như: máy rải thảm mặt đường, cần cẩu, máy xúc, máy lu… với số tiền trên 5 tỷ đồng.
Thầy giáo Trần Hữu Hòa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2012-2013, Trường được Bộ Nông nghiệp & PTNT giao chỉ tiêu tuyển sinh ở 3 cấp trình độ: cao đẳng nghề: 700 sinh viên; trung cấp nghề: 1.440 và sơ cấp nghề 2.300. Phát huy những kết quả đạt được trong năm học 2011-2012, nhà trường phấn đấu thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ năm học, tìm tòi các biện pháp để tuyển đủ chỉ tiêu được giao.
Nhiệm vụ trọng tâm của năm học được xác định là không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp đạt trên 95%, đảm bảo số học sinh sau khi tốt nghiệp có việc làm đạt tỷ lệ cao. Tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo viên, đặc biệt là giáo viên 2 nghề trọng điểm khu vực và 2 nghề trọng điểm quốc gia.
Tích cực tham gia vào công tác đào tạo nghề cho nông dân, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề, kỹ năng nghề cho người dạy nghề. Đặc biệt tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, làm thủ tục xin cấp bổ sung 5 ha đất để mở rộng khuôn viên trường…
Mỹ Hạnh