Nhiều di tích xuống cấp
Theo thống kê từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện toàn tỉnh có 1.499 di tích, trong đó có 229 đình, 381 đền, 301 ngôi chùa, 51 phủ, 98 miếu, 236 nhà thờ họ, 149 nhà thờ đạo và 54 di tích khác (núi, hang động, bia, cầu). Đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 329 di tích đã được xếp hạng, bao gồm 79 di tích cấp quốc gia (trong đó có 2 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt: Khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư và Khu hang động Tràng An - Tam Cốc, Bích Động) và 250 di tích cấp tỉnh.
Các di tích được phân bố đều khắp ở 146 xã, phường, thị trấn trong tỉnh và phần lớn các di tích đều có niên đại lâu năm, thường là trên 100 năm, nhiều di tích có niên đại tới 600-700 năm. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có gần 60% số di tích trên địa bàn tỉnh có nhu cầu trùng tu, tôn tạo, nhiều di tích hư hỏng nặng nếu không được trùng tu, tôn tạo kịp thời sẽ trở thành "phế tích".
Đình Lá, xã Yên Quang (Nho Quan) là một trong những di tích điển hình đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Theo người dân địa phương, đình Lá là nơi thờ Trần Hãng - vị tướng thời Trần. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đình Lá còn là nơi hội họp của tổ chức Việt Minh. Năm 1949, đình Lá là nơi đóng quân của Ban Chỉ huy hậu cần Quân khu 3, khu vực xung quanh đình Lá là trường Quân chính.
Sau này, đình Lá là nơi đóng quân của Bệnh viện K32- tiền thân của Viện Quân Y5 ngày nay. Năm 1953, giặc Pháp đã ném bom vào Bệnh viện K32 trong chiến dịch Tây Nam Ninh Bình. Với ý nghĩa lịch sử, năm 2004, đình Lá được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. Đình Lá được xây dựng đã lâu, sự bào mòn của thời gian và những tác động từ sự tàn phá của chiến tranh đã làm cho di tích ngày một xuống cấp.
Ông Bùi Hồng Ân, Trưởng ban Quản lý di tích đình Lá cho biết: "Mỗi năm ở Đình Lá diễn ra 2 lễ hội lớn, thu hút rất đông người dân trong và ngoài thôn, xã đến tham dự. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây khi di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, toàn bộ cột, kèo và mái đã bị mối mọt, hư hỏng, Ban quản lý đã phải khuyến cáo người dân hạn chế đến khu vực đình, đặc biệt là không tụ tập đông người phía trong đình vì nguy cơ bị đổ sập bất cứ lúc nào.
Đình Vân Thị ở xã Gia Tân (Gia Viễn) cũng là một trong những di tích đang phải "gồng mình" trước sự bào mòn của năm tháng. Đình Vân Thị có niên đại 340 năm và là nơi thờ thành hoàng làng- tướng quân Tô Hiến Thành. Năm 2005, Đình Vân Thị được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Tuy nhiên, đến nay nhiều hạng mục trong đình bị xuống cấp nghiêm trọng. Tất cả các cây cột chống phía trong đình bị mối ăn rỗng ruột, mái ngói vỡ, lệch, khiến mỗi khi trời mưa nước ngấm, dột, gây ảnh hưởng đến các hạng mục phía trong đình. Không chỉ có vậy, tường gạch hơn 300 năm hiện đã bị bong tróc, có chỗ bị nứt toác thành vệt dài và nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.
Ông Nguyễn Ngọc Lương, Trưởng ban Văn hóa xã Gia Tân cho biết: xã đã lập tờ trình gửi UBND huyện Gia Viễn và tỉnh Ninh Bình đề nghị sửa chữa, trùng tu di tích, song vẫn chưa được chấp thuận. Hiện nay, việc duy nhất mà Ban Quản lý di tích có thể làm được là thường xuyên chống mối mọt để hạn chế sự xuống cấp của các cột, kèo.
Cần sự chung tay của chính quyền và người dân
Tìm hiểu thực tế tại một số di tích lịch sử bị xuống cấp, chúng tôi càng thấm hơn câu nói của người xưa "không bột sao gột nên hồ", bởi chi phí cho việc trùng tu rất lớn. Hơn nữa, việc trùng tu, tôn tạo các di tích không hề đơn giản, bởi không chỉ là kinh phí mà cần phải có sự nghiên cứu, tham gia của các chuyên gia, các cơ quan liên ngành, để đảm bảo các di tích không bị "bóp méo" về kiến trúc.
Ông Bùi Hồng Ân, Trưởng ban Quản lý di tích đình Lá cho biết thêm: Năm 1968, 2 bên đốc của đình Lá bị sập, nhưng phải mất 20 năm sau (Năm 1988) bà con 2 thôn Yên Thủy và Yên Sơn mới gom góp đủ kinh phí để xây sửa lại, đồng thời mua thêm sắt, thép để "gia cố" cho những rui, mè bị mối mọt, gẫy, sập. Năm 2015, xót lòng, những người dân quê nghèo lại một lần nữa chung tay quyên góp để đổ đường đá giúp con đường vào đình dễ đi hơn.
Ngoài ra, để tiện cho việc tổ chức lễ, tế cũng như trông coi, bảo vệ đình, người dân đã đóng góp tiền để kéo điện về lắp đặt trong khu đình. Tuy nhiên, sự góp sức của bà con cũng chỉ như "muối bỏ biển" khi mà sự xuống cấp của ngôi đình đã vượt quá khả năng đóng góp của nhân dân.
Lo ngại trước nguy cơ bị "xóa sổ" của đình Lá, ông Trần Văn Đăng, người dân thôn Yên Thủy mong muốn: Chúng tôi mong muốn nhà nước quan tâm đầu tư để làm lại các đốc, mái, rui mè, các cánh cửa của đình để giúp đình Lá trụ vững trước mưa nắng. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong muốn đình Lá sớm được ngành chức năng quan tâm cấp sổ đỏ để tiện cho việc quản lý, bảo vệ di tích.
Ông Hoàng Xuân Ảnh, Bí thư Đảng ủy xã Yên Quang cho biết: Trước sự xuống cấp trầm trọng của đình Lá, đã có những người con quê hương đề xuất sẽ hỗ trợ kinh phí trùng tu với điều kiện xã lập dự toán kinh phí cũng như đề án thiết kế, sửa chữa. Song điều này vượt quá giới hạn của xã vì đình Lá là di tích lịch sử cấp tỉnh, các hoạt động trùng tu, tôn tạo đều phải được tỉnh cho phép.
Hơn nữa, về mặt chuyên môn, để tư vấn, thiết kế sửa chữa ngôi đình như thế nào nhằm đảm bảo các yếu tố về mặt kỹ thuật, tôn trọng nét kiến trúc nguyên bản là điều không hề đơn giản. Vấn đề này xã Yên Quang cũng đã báo cáo và trình lên cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Xót xa và mong muốn cứu vãn các di tích thoát khỏi nguy cơ trở thành "phế tích" là tâm lý chung của những người dân nơi có di tích bị xuống cấp. Ông Phạm Trung Đức, Phó Ban Quản lý di tích Đình Vân Thị bộc bạch: Sau khi được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, đình được trùng tu, tôn tạo lần đầu vào năm 2005 từ nguồn kinh phí do người dân đóng góp và lần 2 năm 2007 từ nguồn ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, do lịch sử hình thành lâu đời, lại trải qua nhiều biến cố, đến nay đình bị xuống cấp nghiêm trọng, những người dân nơi đây vẫn đang từng ngày nỗ lực để "gia cố", giúp ngôi đình chống chọi với thiên nhiên.
Theo thống kê từ Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch: Trong giai đoạn 2010-2015, tỉnh Ninh Bình có 16 di tích được trùng tu, tôn tạo bằng nguồn ngân sách Nhà nước, trong đó có 12 di tích cấp quốc gia và 4 di tích cấp tỉnh. Tuy nhiên, từ năm 2015, nguồn vốn từ ngân sách Trung ương cho việc chống xuống cấp và tôn tạo di tích đã bị cắt giảm, gây khó khăn lớn cho công tác bảo tồn di tích.
Ông Trịnh Văn Hiếu, Trưởng phòng Di sản văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Hiện nay, kinh phí để chống xuống cấp và tôn tạo di tích chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách địa phương. Ngân sách Trung ương chỉ dành cho những dự án trùng tu, tôn tạo những di tích có giá trị cao.
Mỗi năm tỉnh cũng dành nguồn kinh phí khoảng hơn 1 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo các di tích, song so với nhu cầu thực tiễn thì chưa thể đáp ứng (Hiện Sở tiếp nhận khoảng 30 đề nghị được trùng tu, tôn tạo di tích của các địa phương). Do vậy chỉ có thể lựa chọn các di tích có tình trạng đặc biệt mất an toàn, còn lại các di tích khác thì vẫn phải dựa vào nguồn "xã hội hóa" trong nhân dân là chủ yếu…
Chia sẻ về những vướng mắc trong quy trình, thủ tục đầu tư trùng tu, tôn tạo di tích, ông Trịnh Văn Hiếu cũng cho rằng giữa nhu cầu thực tiễn và thực hiện chính sách còn nhiều bất cập, song "chúng ta muốn bảo vệ di tích thì phải chấp hành các nguyên tắc cơ bản, làm như thế mới đảm bảo tôn trọng những nét kiến trúc nguyên bản của di tích"- ông Trịnh Văn Hiếu nhấn mạnh.
Vẫn biết rằng "Không bột sao gột nên hồ", nhưng người xưa cũng cho rằng "Tay không mà nổi cơ đồ mới ngoan", điều này hoàn toàn có lý khi trong vài năm trở lại đây, phong trào "xã hội hóa" các hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích đã được các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng. Có nhiều nơi, kinh phí do nhân dân và các nhà hảo tâm đóng góp lên tới hàng tỷ đồng như đền Hành Khiển (xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư) với mức quyên góp là 5 tỷ đồng, đền Thánh Trần (xã Ninh Tiến, thành phố Ninh Bình) là 2 tỷ đồng, đình làng Nộn Khê (xã Yên Từ, huyện Yên Mô) là 2 tỷ đồng, đình Hàng Tổng (xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh) là 30 tỷ đồng…
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, hoạt động xã hội hóa trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, chưa phát huy hết tiềm lực đóng góp to lớn của nhân dân, nhất là khi một số địa phương còn mang nặng tâm lý trông chờ vào Nhà nước. Việc tu sửa, xây dựng các công trình di tích bằng nguồn vốn xã hội hóa nhiều khi chưa đảm bảo chuyên môn. Bên cạnh đó, việc đóng góp trong nhân dân để trùng tu, tôn tạo thường không đồng đều ở các di tích mà chủ yếu là đối với các di tích liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.
Trước sự xuống cấp của các di tích, nếu không quan tâm, đầu tư kinh phí để trùng tu, tôn tạo kịp thời, nhiều di tích sẽ dần mất đi. Gìn giữ, bảo tồn các di tích, góp phần phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc là việc làm cấp thiết. Hoạt động này cần sự vào cuộc không chỉ của chính quyền mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân. Đây còn là một xu hướng tích cực thể hiện tinh thần nhân dân tự nguyện tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Bài, ảnh: Mai Lan