Trung thu trong ký ức…
Trung thu trong ký ức của Bùi Văn Nghĩa chỉ là những gì đó rất mơ hồ. Em vào Trung tâm bảo trợ xã hội khi mới 7 tuổi do biến động của gia đình. Nghĩa kể lại: Ngày nhỏ, em chỉ nhớ Trung thu được đi xem các anh, các chị đoàn viên cắm trại. Nhà có 3 anh, chị em nhưng hoàn cảnh khó khăn nên ông bà không có thời gian để sắm sửa Trung thu cho các cháu. Vui trung thu em chỉ đứng nhìn những bạn bè cùng lứa được bố mẹ dắt đi chơi, làm cho những chiếc đèn ông sao, đèn con cá và đêm về được phá cỗ…
11 năm sống trong Trung tâm, được sự quan tâm của các cô, các chú, năm nào chúng em cũng được đón một đêm Trung thu vui vẻ và đầm ấm, được rất nhiều người quan tâm. Bạn bè bên ngoài cũng vào đây chung vui, nhưng xen lẫn những niềm vui ấy em vẫn thấy rất nhớ ông, bà và cảm thấy thiếu thốn tình cảm gia đình. Có lẽ vì thế mà ước mơ đơn giản của Nghĩa là sau khi tốt nghiệp lớp 12, em sẽ thi vào Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định để được gần người anh trai của mình cũng đang theo học ở đó.
Khác với những suy nghĩ ban đầu về những đứa trẻ ở nơi đây là: khó gần, mặc cảm, nhút nhát… Nhưng dường như, hoàn cảnh gia đình đã làm cho các em "già" hơn những đứa trẻ cùng trang lứa. Tuy mới vào Trung tâm được mấy tháng nhưng Nguyễn Thị Lệ (9 tuổi) đã rất tự tin khi tiếp xúc với chúng tôi. Em ngồi tâm sự với chúng tôi về hoàn cảnh đặc biệt của gia đình mình như một người đã từng trải. Không đợi chúng tôi hỏi về Tết Trung thu ở nhà trước đây như thế nào, Lệ đã nói ngay: "Em vào đây vui nhất là được tập văn nghệ để chuẩn bị cho đêm Trung thu. Ngày trước ở nhà chỉ được đứng ngoài xem các anh, chị, các bạn tập hát. Ở nhà ông bà chỉ chuẩn bị cho 2 chị em mấy túi kẹo, quả bưởi ở vườn thôi. Nhưng không biết em đi rồi thì Trung thu chị em sẽ chơi với ai?".
Các cháu ở Trung tâm bảo trợ xã hội Ninh Bình vui chơi sau giờ học tập.
Cũng như Lệ, em Vũ Thị Hồng Thúy mới chỉ vào đây từ tháng 5. Em không nhớ nổi mình bao nhiêu tuổi, chỉ biết mình tuổi "con Ngựa". Vào đây mới được 4 tháng nhưng em đã nhanh chóng hòa nhập được với mọi người. Chị Trương Thị Hòe, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: "Từ ngày vào đây cháu thay đổi hẳn, vui vẻ và tự tin hơn. Cháu rất thân thiện với mọi người và nhớ tên mọi người rất nhanh". Thúy say sưa kể tên những người thân nhất của em trong Trung tâm như chị Ngọc, anh Nghĩa, chú Hạnh, cô Huế, cô Sen và thường gọi chị Hòe là "bà nội". Ở đây được ăn uống ngon hơn, có nhiều bạn bè, anh chị, ai cũng yêu thương Thúy và vui nhất là được tập văn nghệ để chuẩn bị cho Trung thu. Khi "bà nội" hỏi: "Các anh, chị dạy con hát bài gì rồi?", Thúy đã vội gọi em Bi đang chơi ngoài sân vào để 2 chị em cùng biểu diễn bài "Bầu ơi thương lấy bí cùng". Cu Bi mới được 4 tuổi nhưng rất hóm hỉnh, 2 chị em hát xong rồi một mình Bi còn đứng lên múa bài "Một con vịt" cho cả nhà cùng xem… Nhìn vẻ hồn nhiên của những đứa trẻ kém may mắn sinh ra trong những gia đình éo le, chúng tôi không giấu nổi sự xúc động. Nhưng chúng tôi cũng rất mừng và tin tưởng khi vào Trung tâm, các em sẽ nhận được sự quan tâm, chăm sóc của gia đình thứ 2 để bù đắp lại phần nào những thiệt thòi do hoàn cảnh.
Ấm áp đêm trăng rằm.
Chị Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Trung tâm cho biết: Năm nào cũng vậy, cứ đêm 14-8 âm lịch, toàn thể cán bộ, công nhân viên của Trung tâm Bảo trợ xã hội sẽ tổ chức Trung thu cho các cháu và mời cả các cụ đang được nuôi dưỡng trong Trung tâm đến chung vui. Giám đốc giao cho Đoàn thanh niên chủ trì tổ chức các hoạt động vui chơi, cắm trại cho các cháu. Các tiết mục văn nghệ, thể thao được các em luyện tập từ nhiều ngày nay. Trung tâm cũng tạo điều kiện cho các em như loa đài, băng đĩa nhạc, mua sắm thêm các dụng cụ thể thao để các em thi đấu và biểu diễn. Hiện tại, Trung tâm Bảo trợ xã hội đang nuôi dưỡng 40 cháu, trong đó có 20 cháu được nuôi dưỡng ngoài cộng đồng. Vào những ngày lễ, Tết, 1-6, Trung thu, các em đều nhận được sự quan tâm của các cô, các chú trong Trung tâm như những bạn ở nội trú. Những bạn ở gần được đón đến tham gia các hoạt động vui chơi và nhận quà.
Ngoài sự quan tâm của Ban lãnh đạo Trung tâm, các em nhận được rất nhiều sự quan tâm của toàn xã hội. Trung thu năm nào các cháu ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của các bác lãnh đạo Tỉnh, thành phố và chính quyền địa phương. Ngoài ra còn có các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và một số trường học như THPT chuyên Lương Văn Tụy, Đại học Hoa Lư… tổ chức đến tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao, tạo nên một bầu không khí ấm áp tình người ở nơi đây.
Nguyễn Thơm