Các Nghị quyết chuyên đề về phát triển tiểu thủ công nghiệp được cụ thể hóa bằng các kế hoạch và được bố trí nguồn kinh phí để thực hiện. Tổ chức hệ thống khuyến công được quan tâm đầu tư, hoạt động ngày càng hiệu quả, công tác xây dựng, thẩm định đề án, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện và thanh quyết toán các đề án khuyến công từng bước được cải thiện. Các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn thực hiện về hoạt động khuyến công đã được ban hành tương đối kịp thời. Đây cũng là hoạt động nhằm gắn kết giữa đơn vị quản lý Nhà nước và các đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh.Năm 2013, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch kinh phí khuyến công địa phương là 2 tỷ đồng để hỗ trợ cho 23 đề án. Để nguồn kinh phí khuyến công đạt hiệu quả cao, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) đã phối hợp với các phòng Công thương, Phòng kinh tế của các huyện, thành phố, thị xã lựa chọn các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn có nhu cầu phát triển sản xuất và thị trường để hướng dẫn lập đề án đề nghị hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và nguồn kinh phí khuyến công địa phương. Trong 9 tháng đầu năm, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã tập trung triển khai các đề án khuyến công đã được phê duyệt, trong đó: 4 đề án đào tạo nghề cho 150 lao động với số tiền là: 300 triệu đồng; 6 đề án nâng cao năng lực sản xuất với số tiền: 310 triệu đồng; 2 đề án chuyển giao công nghệ với số tiền 200 triệu đồng; 3 đề án nghiên cứu, tham quan, học tập kinh nghiệm với số tiền 170 triệu đồng; 1 đề án xử lý môi trường với số tiền 150 triệu đồng; 4 đề án tuyên truyền, quảng bá, hỗ trợ tư vấn thiết kế cổng làng đá mỹ nghệ Ninh Vân, Thi thiết kế mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ Ninh Bình năm 2013 với số tiền 330 triệu đồng; 1 đề án hỗ trợ chuyển giao công nghệ, sử dụng năng lượng tiết kiệm với số tiền 130 triệu đồng; 1 đề án hỗ trợ công nhận làng nghề, nghệ nhân với số tiền 310 triệu đồng; 1 đề án Hỗ trợ điều tra khảo sát các cơ sở sản xuất công nghiệp - TTCN trên địa bàn Ninh Bình với số tiền 100 triệu đồng.
Ngoài ra, Trung tâm còn triển khai thực hiện Kế hoạch số 53/KH - UBND ngày 8- 10-2012 của UBND tỉnh về việc đẩy mạnh phát triển trồng, chế biến cói, thêu ren và chế tác đá mỹ nghệ đến năm 2015 theo Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy. Hỗ trợ 8 đề án với số tiền 900 triệu đồng. Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2013 với số tiền 130 triệu đồng. Thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại theo chỉ đạo của địa phương và của Bộ Công thương.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương đã phê duyệt kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia năm 2013 hỗ trợ cho 2 đề án với số tiền 650 triệu đồng. Hoạt động tư vấn thu được 252 triệu đồng.
Ông Hà Quang Điệp, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại cho biết: Để hoạt động khuyến công thực sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn, trong thời gian tới Trung tâm tập trung hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp nông thôn một cách đồng bộ từ sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành có liên quan thực hiện tốt công tác khuyến công, đồng thời hướng dẫn các đơn vị thụ hưởng nguồn kinh phí khuyến công hoàn thành tốt các đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để hoàn thành các đề án đúng tiến độ, sử dụng kinh phí đúng mục đích theo các quy định hiện hành.
Nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động khuyến công trong thời gian tới là thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển, trong đó đầu tư công nghệ mới, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường được coi là một trong những yếu tố ưu tiên hỗ trợ.
Trong công tác đào tạo nghề, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của Ninh Bình đều gắn với làng nghề truyền thống. Vì vậy, đa số người dân đã có kiến thức cơ bản về những nghề truyền thống của làng mình. Việc đào tạo nghề ở khu vực làng nghề trong thời gian tới Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại chỉ tập trung đào tạo nâng cao tay nghề theo kiểu hỗ trợ thiết kế những mẫu mã sản phẩm và triển khai học những mẫu mã đã được khách hàng chấp nhận phù hợp với nguồn kinh phí...
Trung tâm cũng đề nghị Cục Công nghiệp địa phương cần nghiên cứu hỗ trợ kinh phí dạy nghề gián tiếp cho người dân thông qua doanh nghiệp, từ các mẫu mã của sản phẩm thủ công mỹ nghệ do doanh nghiệp tự thiết kế và triển khai đào tạo, hướng dẫn cho người dân sản xuất. Kinh phí đào tạo nghề được hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp thông qua giá trị hợp đồng mà doanh nghiệp đã ký với khách hàng. Chú trọng các sản phẩm tiêu biểu phù hợp với đặc thù của địa phương từ những nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, kiểu dáng, mẫu mã đẹp, có sức cạnh tranh tốt trên thị trường sử dụng nhiều lao động.
Nguyễn Thơm