Đồng chí Nguyễn Quang Đạt, Giám đốc Trung tâm cho biết: Dự án "Nuôi thâm canh thương phẩm - cá rô đầu vuông" nằm trong Chương trình phát triển giống cây, con của tỉnh năm 2011. Để thực hiện dự án, ngoài việc thành lập Ban quản lý dự án, Trung tâm đã tiến hành chọn hộ dân tham gia, mở lớp tập huấn kỹ thuật, mua sắm vật tư thiết bị. Đàn cá bố mẹ được nuôi vỗ từ năm 2010 đã được Trung tâm cho sinh sản nhân tạo 3 đợt được 3,2 triệu con cá bột với chất lượng tốt. Lượng cá bột được ương lên cá hương và từ cá hương lên cá giống đạt 12 vạn con. Trung tâm đã khảo sát, lựa chọn 3 hộ thuộc xã Khánh Nhạc (Yên Khánh), mỗi hộ có diện tích nuôi 2.000 m2 tham gia mô hình nuôi thương phẩm cá rô đầu vuông theo phương thức thâm canh.
Kết quả cho thấy: Cá rô đầu vuông được sinh sản nhân tạo và ương san thành công tại Trung tâm; cá nuôi thương phẩm sinh trưởng khá nhanh, tiêu tốn ít thức ăn, thời gian nuôi ngắn, ít bệnh tật, có thể nuôi thả ở các loại hình mặt nước khác nhau. Sau hơn 3 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng bình quân 150g/con (6-7 con/kg), năng suất nuôi thương phẩm ước đạt 11-12 tấn/ha và với giá bán tại ao từ 50.000-60.000 đồng/kg, giá trị thu được khoảng 600 triệu đồng/ha, lãi khoảng 300 triệu đồng/ha. Tính riêng cho 1 hộ tham gia mô hình lãi khoảng 150 triệu đồng.
Trung tâm cũng đã triển khai mô hình nuôi thương phẩm cá lóc bông. Đây là dự án nằm trong Chương trình khuyến nông, khuyến ngư năm 2011 của tỉnh. Qua khảo sát địa bàn, Trung tâm đã chọn 3 hộ thuộc xã Khánh Thủy (Yên Khánh) có đủ điều kiện và năng lực tham gia mô hình với tổng diện tích nuôi thả 5.500 m2. Theo đó, Trung tâm hỗ trợ 40% giống, 20% thức ăn và 100% hóa chất xử lý ao nuôi. Bù lại các hộ gia đình nuôi tuân thủ theo quy trình kỹ thuật và sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn với nguồn thức ăn là cá tạp, cá con. Sản lượng của 3 hộ tham gia đạt 19.218 kg; nếu tính cho 1 ha thì sản lượng cá thu được là 34,9 tấn; giá bán tại bờ ao là 60.000 đồng/kg, giá trị thu được là khoảng gần 2 tỷ đồng/ha, trừ chi phí còn lãi khoảng trên 1 tỷ đồng/ha.
Ông Vũ Nhật Toan (xóm 4, xã Khánh Thủy, Yên Khánh) là một hộ tham gia mô hình cho biết: Cá lóc bông sinh trưởng khá nhanh, dễ nuôi, chưa thấy xuất hiện bệnh tật, dễ tiêu thụ, hiệu quả kinh tế cao… Nhưng hộ gia đình nuôi loại cá này cần phải có tiềm lực về kinh tế (có vốn để mua giống và thức ăn); ao nuôi phải đảm bảo vệ sinh, thay tháo được nước khi cần… Một trong những khó khăn làm hạn chế việc mở rộng mô hình nuôi là con giống phải đi mua ở các tỉnh ngoài. Vấn đề này, đồng chí Giám đốc Trung tâm cho biết: Dự kiến năm 2012, Trung tâm sẽ tìm kiếm nguồn vốn và đề nghị tỉnh, sở cho xây dựng và triển khai đề tài " ứng dụng KHCN vào sản xuất giống cá lóc bông bằng phương pháp sinh sản nhân tạo". Đề tài thành công sẽ giúp cho Trung tâm và tỉnh chủ động được nguồn và lượng con giống cần thiết cho nhu cầu nuôi thả của nhân dân với chất lượng đảm bảo và giá thành hạ.
Bài, ảnh: Đinh Chúc