Một ngày cuối tháng 4 - nhân kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi về thăm Trung tâm điều dưỡng thương binh Nho Quan, nơi đang chăm sóc, điều trị cho trên 70 thương, bệnh binh nặng.
Không khí tại Trung tâm yên bình, thoáng đãng, thời tiết nắng ấm khiến cây cỏ, hoa lá như bừng sức sống sau những ngày mưa rét nàng Bân cuối tháng 3 âm lịch. Tại các khu chăm sóc, khu điều trị phục hồi, nơi các thương, bệnh binh đọc báo, xem ti vi, phòng ăn... thấp thoáng bóng áo trắng của các y bác sĩ, điều dưỡng tận tình hướng dẫn, dìu bước, lắng nghe và cả chăm sóc, động viên, thực hiện những công việc hàng ngày cho các thương, bệnh binh.
Không một lời nói ồn ào, không có những câu nói to tiếng, tất cả các nhân viên y tế ở đều nhẹ nhàng, dạ thưa với các ngôi xưng, lúc thì bác - cháu, anh - em, lúc lại đồng chí, đồng đội đầy vui vẻ: Anh Khánh ơi, lấy đàn rồi ra đây hát cho em nghe một bài nhé; bác Ninh ơi, ra đây cháu cạo râu cho nào; chú Viễn ơi, đeo khẩu trang vào đi ạ; bác Hải ơi, đến giờ đi tập thể dục rồi; bác Thắng à, để cháu đút cơm cho bác ăn cho nhanh không nguội mất... Sự tận tình, chu đáo,coi những thương, bệnh binh tại Trung tâm như người thân của các y bác sĩ, điều dưỡng nơi đây khiến những người chứng kiến không khỏi xúc động...
Người thương binh hạng 1A Phạm Quang Ninh, sinh năm 1951, quê thành phố Hòa Bình tuy lúc nhớ lúc quên, lại mắc thêm bệnh động kinh, nhưng vẫn được coi là người minh mẫn tại đây. Ông cũng luôn được các y, bác sĩ hỏi thăm để nhắc nhớ về quê hương, bản quán, gia đình, thời kỳ chiến đấu... giúp ông lưu nhớ theo thời gian những ký ức ít ỏi còn sót lại trong đầu.
Ông Ninh chia sẻ, ông từng chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị rồi bị thương nặng, đi điều dưỡng ở nhiều nơi rồi về Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho quan gắn bó nhiều năm nay. "Chúng tôi là những thương, bệnh binh sức khỏe có hạn, lại mang trên mình những vết thương chiến tranh, nên khi đau ốm, trở trời rất hay cáu gắt, chán chường. Nhưng được các bác sĩ, điều dưỡng tại đây tận tình chăm sóc, thăm hỏi, chia sẻ với những đau đớn do bệnh tật, do tuổi tác, nên chúng tôi cũng bớt tủi thân, đỡ cô đơn hơn rất nhiều. Rồi chúng tôi bảo nhau cùng cố gắng, vì bản thân mình và cũng vì những người đã hết lòng quan tâm, chăm sóc cho mình ở đây..." - thương binh Phạm Quang Ninh chia sẻ.
Bác sĩ Phạm Thị Hoa, khoa Bệnh nhân phục hồi, là người đã gắn bó nhiều năm với Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan cho biết: Tại khoa chị đang công tác, với trên 20 bệnh nhân, là những thương, bệnh binh nặng, nhiều người bị chấn thương sọ não không thể điều chỉnh được hành vi, suy nghĩ, việc chăm sóc, điều trị phục hồi những ngày bình thường đã khó, thời điểm dịch bệnh như khó hơn gấp nhiều lần. Bởi khi dịch bệnh, theo quy định, tất cả mọi người phải đeo khẩu trang, rửa tay xà phòng, thực hiện giãn cách theo quy định..., nhưng đối với các thương, bệnh binh tại đây, việc thực hiện không phải dễ.
Các nhân viên y tế phải theo sát, nhắc nhở, khi nhẹ nhàng, lúc lại phải dùng biện pháp mạnh yêu cầu như mệnh lệnh... để các bác thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang, rửa tay, đi ăn đúng giờ, ngồi cách xa nhau trong quá trình sinh hoạt, ăn uống, tập luyện... "Vất vả, khó khăn, áp lực, nhiều nỗi lo là vậy, nhưng chúng tôi xác định, đã gắn bó với nơi đây, công việc này, cần hơn cả là tình thương yêu, sự kính trọng và chia sẻ. Bởi các thương, bệnh binh đã hi sinh, dâng hiến một phần cuộc đời mình cho Tổ quốc, sự độc lập, tự do ngày hôm nay, thì nếu làm được gì cho họ, chính là sự tri ân cao nhất cho những hi sinh ấy..."- bác sĩ Phạm Thị Hoa nhấn mạnh.
Được biết, những ngày tháng dịch bệnh COVID-19 vừa qua là những ngày tháng nhiều lo lắng đối với cán bộ, nhân viên và các thương, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan. Bởi với các thương, bệnh binh tuổi cao, sức yếu, lại mang trên mình những vết thương của chiến tranh, nếu dịch COVID -19 lây lan sẽ là mối nguy đe dọa đến sức khỏe các thương, bệnh binh và tất cả nhân viên y tế tại đây. Do vậy, ngay từ ban đầu khi nguy cơ xuất hiện dịch, Trung tâm đã thực hiện tất cả các biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo chặt chẽ, nghiêm ngặt nhất.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan cho biết: Hầu hết các thương, bệnh binh tại Trung tâm đều có tình trạng thương tật nặng, suy giảm 81% sức lao động trở lên, do đó mọi sinh hoạt hằng ngày đều nhờ vào sự chăm sóc, giúp đỡ của các cán bộ, y bác sỹ, nhân viên Trung tâm. Trong thời điểm tình hình dịch bệnh diễn ra, lãnh đạo Trung tâm đã có những chỉ đạo, thực hiện các biện pháp sâu sát để vừa chăm sóc tốt sức khỏe thương, bệnh binh, vừa góp phần phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, thực hiện tinh thần "chống dịch như chống giặc", ngay từ khi trong nước có ca mắc COVID-19 đầu tiên, Trung tâm đã thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh như phun thuốc khử khuẩn toàn bộ Trung tâm; hạn chế sự ra, vào, thăm gặp của thân nhân; tiếp nhận lương thực, thực phẩm ngay từ ngoài cổng... Cùng với đó, thực hiện phát trang khẩu trang cho thương, bệnh binh, cán bộ, y bác sĩ, nhân viên trong Trung tâm. Triển khai bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư phòng, chống dịch theo quy định, khuyến cáo của cơ quan y tế. Mua nước rửa tay sát khuẩn để ở các dãy nhà ở của thương, bệnh binh và khu làm việc của cán bộ, nhân viên để mọi người sử dụng.
Đội ngũ y, bác sĩ tăng cường thăm khám tại chỗ cho các thương, bệnh binh. Thường xuyên theo dõi sát diễn biến sức khỏe, bệnh tật của thương, bệnh binh, người nhà và cán bộ trong đơn vị, kịp thời xử lý, đặc biệt khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở... Hàng ngày trực 24/24h đối với những trường hợp thương, bệnh binh nặng, nếu có diễn biến sức khỏe vượt quá tầm kiểm soát, thực hiện chuyển sang Bệnh viện đa khoa huyện Nho Quan cấp cứu, điều trị.
Trong quá trình thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội, Trung tâm tổ chức cho các thương, bệnh binh giãn cách bằng ăn theo ca, tập luyện thể thao, phục hồi sức khỏe theo các ca phù hợp. Đồng thời tăng cường kiểm tra công tác chăm nuôi, phục vụ đối tượng, nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho thương, bệnh binh nhằm tăng sức đề kháng chống lại bệnh tật...
"Điều vui mừng đối với các thương, bệnh binh và cán bộ, nhân viên Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan là vừa qua, ngành Y tế thực hiện lấy mẫu xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2, kết quả gần 200 người tại Trung tâm đều có kết quả xét nghiệm âm tính, hiện đều có sức khỏe ổn định..., là cơ sở để chúng tôi động viên các thương, bệnh binh yên tâm điều dưỡng, nâng cao sức khỏe và đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên yên tâm công tác, tiếp tục nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe vật chất và tinh thần cho các thương, bệnh binh...
Đặc biệt, những ngày tháng Tư lịch sử năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nên các hoạt động thăm hỏi, chúc mừng, các chương trình kỷ niệm, các hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT... tại Trung tâm cũng được giảm thiểu, tổ chức đơn giản, hạn chế hơn. Chúng tôi chỉ tổ chức một số hoạt động cho các thương, bệnh binh còn sức khỏe, như gặp mặt kỷ niệm ở quy mô nhỏ, tổ chức một số hoạt động thể thao, văn hóa văn nghệ, từ đó động viên và ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc, tri ân những đóng góp của các bác, các anh, những người đã góp phần làm nên chiến thắng giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975..." - Bác sĩ Nguyễn Thị Thủy chia sẻ thêm.
Mỹ Hạnh