Dễ kiếm, khó chọn
Tại các nhà sách, hầu hết bộ sách giáo khoa từng khối lớp được gói riêng ra từng bộ, rất dễ cho người mua với tất cả những đầu sách cần thiết, đủ các môn học cho từng lớp nhưng với sách tham khảo thì khác. Chỉ một môn học của một lớp cũng có rất nhiều đầu sách tham khảo, nhất là 3 môn Văn, Toán, Anh và các môn cuối cấp THCS, cấp THPT.
Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp như hiện nay, hầu hết các em học sinh đã tạm dừng việc học thêm tại trường, tại các Trung tâm nên việc học qua sách tham khảo càng được chú trọng. Thế nhưng, chọn được sách tham khảo để học không phải là dễ.
Nguyễn Khánh Hà, học sinh lớp 8, Trường THCS Lý Tự Trọng, thành phố Ninh Bình cho biết: Năm nay em lên lớp 8, vì thời gian vừa rồi nghỉ do dịch bệnh nhiều nên khi đi mua sách giáo khoa chuẩn bị cho năm học mới, em cũng tìm hiểu thêm sách tham khảo để tự học, tự trang bị cho mình kiến thức vững hơn nếu tiếp tục nghỉ do dịch.
Nhưng chỉ có tìm sách tham khảo cho 2 môn Toán, Văn mà em thấy có hơn 20 đầu sách với các nhan đề na ná nhau, nhưng khác nhà xuất bản. Như năm học trước, em cũng mua nhiều sách tham khảo nhưng có quyển không dùng đến, có quyển cô giáo bộ môn bảo không phù hợp, không cần thiết. Em cũng loay hoay mấy ngày hôm nay nhưng khi chọn sách tham khảo như lạc vào "ma trận" vậy.
Không chỉ cá biệt ở một vài trường hợp, lựa chọn sách tham khảo đang là nỗi đau đầu của nhiều phụ huynh và học sinh đầu năm học vì các loại sách tham khảo ở các môn học, các cấp học hiện nay khá đa dạng, phong phú. Nếu như trước đây chỉ chủ yếu là sách của Nhà Xuất bản Giáo dục thì hiện nay trên thị trường, các nhà xuất bản cũng đua nhau tung ra nhiều loại sách với hình thức, mẫu mã khá bắt mắt, khiến cho việc chọn lựa loại sách nào, nhà xuất bản nào càng trở nên khó khăn hơn. Hơn thế nữa việc đánh giá, xếp loại hay xuất bản sách tham khảo hiện nay cũng không có quy định nào cụ thể, chỉ cần hợp pháp, không sai kiến thức, không vi phạm về thuần phong mỹ tục…là đã có thể có mặt trên kệ sách của các nhà sách, các Trung tâm sách thiết bị trường học. Còn việc lựa chọn thế nào, phù hợp ra sao là việc của học sinh, cũng chẳng có thể thống kê được số lượng những đầu sách tham khảo trên địa bàn cũng như các nhà xuất bản có sách tham khảo vì mỗi năm con số ấy càng ngày càng nhiều. Lựa chọn duy nhất của học sinh hiện nay là dựa vào kinh nghiệm của các lứa học sinh đi trước và lời khuyên từ các thầy cô nhưng với đầu sách ngày một nhiều thì những lời khuyên, kinh nghiệm đó cũng chỉ là mang tính tham khảo vì có những cuốn ra sau lại là tích hợp, hội tụ những ưu điểm, khắc phục nhược điểm của những cuốn đã xuất bản hoặc tái bản nhiều lần. Vì thế thị trường sách tham khảo hiện nay rơi vào tình trạng dễ kiếm, khó chọn, gần như làm khó phụ huynh học sinh, nhất là thời điểm dịch COVID-19 như hiện nay, nhu cầu tự học, tự rèn luyện là khá cao.
Cần sự định hướng đúng đắn
Trước thực trạng thị trường sách tham khảo như ma trận, khi mà phụ huynh và học sinh đều lúng túng trước sự bùng nổ quá đa dạng, phong phú mà không phải cuốn sách nào cũng hữu ích dù không sai kiến thức, không vi phạm Luật Xuất bản nhưng lại ảnh hưởng đến quyền lợi sát sườn của người tiêu dùng, gây lãng phí nhiều khi không cần thiết thì rất cần sự định hướng từ ngành Giáo dục, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.
Trước hết, từ phía người tiêu dùng cũng cần những lựa chọn thông minh khi chọn mua sách tham khảo. Khi đi vào Hiệu sách Fahasa (thành phố Ninh Bình), tôi gặp rất nhiều phụ huynh lấy nhiều sách tham khảo cho con mà gần như không có sự lựa chọn.
Chị Nguyễn Thị Huyền ở xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình cho biết: "Con tôi năm nay vào lớp 6 nhưng đang dịch COVID-19 nên tất cả việc học thêm đều bị cấm, ngay cả các Trung tâm tiếng Anh cũng hạn chế nên tôi mua nhiều sách tham khảo về cho con tự học, tự nghiên cứu tại nhà. Tôi nghĩ sách thì càng nhiều càng tốt, mấy chị có con học cùng lớp với con tôi đợt này cũng mua nhiều. Thế nên tôi mua sớm, cũng mua hơn 10 cuốn sách tham khảo cho 3 môn, khi nào cô giáo yêu cầu quyển nào thì có quyển đó. Mua muộn có khi đến khi cần lại không có. Càng có nhiều sách tham khảo, các cháu càng phải chú tâm học hơn, không mất thời gian vào những việc khác".
Chính nhiều phụ huynh có quan điểm như thế nên thị trường sách tham khảo vẫn nhộn nhịp hơn bao giờ hết, nhất là khi các lớp học thêm hiện tại đang bị cấm tổ chức do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Một số nhà quản lý giáo dục và giáo viên cho rằng đấy là nhận thức lệch lạc của một số bộ phận không nhỏ phụ huynh học sinh.
Đành rằng mỗi cuốn sách tham khảo đều mang một giá trị nhất định với người đọc nhưng cần cân nhắc kỹ khi lựa chọn mua cho con mình cho phù hợp với nhu cầu, lực học của mỗi em; tốt nhất nên xin ý kiến tham khảo từ các giáo viên dạy bộ môn đó để tránh tình trạng một môn học có quá nhiều sách tham khảo, chồng chéo, khó tiếp thu.
Cô Hồng Lĩnh, giáo viên tiếng Anh ở một trường THCS trên địa bàn thành phố Ninh Bình cho biết: Môn tiếng Anh là một trong những môn học có khá nhiều sách tham khảo. Tuy nhiên, với quan điểm của tôi, các em chỉ cần nắm vững những kiến thức được giảng dạy trên lớp vì giáo viên khi lên lớp đều giao bài tập thêm để học sinh củng cố kiến thức.
Với những em có niềm đam mê thực sự hoặc để học đội tuyển thì nên chọn sách tham khảo từ những nhà xuất bản có uy tín, với đội ngũ thẩm định có tiếng, giàu kinh nghiệm như Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội; không nên mua sách tham khảo trôi nổi của những nhà xuất bản, những tác giả không có tên tuổi.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng sách tham khảo hiện nay không cần thiết vì trên mạng cũng có rất nhiều cách học đơn giản, hiệu quả nhưng theo đánh giá của đa số các thầy cô giáo đang giảng dạy thì kiến thức trên mạng chưa được thẩm định, độ chính xác, an toàn chưa cao nên sách tham khảo để học sinh tự học, tự nâng cao trình độ vẫn là cần thiết nhưng phải chọn được loại có uy tín, chất lượng, sát với nội dung chương trình học.
Bên cạnh đó, thiết nghĩ ngành Giáo dục cũng nên có định hướng cho học sinh về những sách tham khảo tối thiểu cần có; tuyên truyền để học sinh, phụ huynh học sinh biết và tiếp cận những nhà xuất bản có uy tín. Công tác quản lý sách in lậu, hoạt động của các nhà xuất bản không có tên tuổi cũng cần được siết chặt hơn nữa để tránh tình trạng sách tham khảo lậu trôi nổi trên thị trường, gây khó khăn cho học sinh, phụ huynh học sinh trong khi lựa chọn tìm mua.
Bài, ảnh: Nguyễn Khánh