Đó là các cô giáo: Doãn Thị Thu (Trường Tiểu học Lưu Phương-Kim Sơn), Đinh Thị Kim Tân (Trường Mầm non Gia Vượng-Gia Viễn) và Phạm Thị Liên (Trường Tiểu học Yên Nhân B-Yên Mô). Những năm qua các cô đã gần gũi, gắn bó với công việc giúp trẻ khuyết tật được cắp sách đến trường, hòa nhập với cộng đồng. Bằng những việc làm hàng ngày của một cô giáo và trên hết là tình yêu thương của những người mẹ, không chỉ giúp các em khuyết tật biết chữ, mà còn đem lại cho các em và gia đình niềm tin, niềm hy vọng vào tương lai...
Em Phạm Ngọc Thông là học sinh Trường Tiểu học Lưu Phương, trước khi gặp cô Thu, em Thông đã có "thâm niên" ba năm học lớp một. Bản thân gia đình em cũng chỉ xác định cho Thông đi học cho có, còn chuyện em có lên lớp được không cũng không dám nghĩ đến. Nhưng với cô Doãn Thị Thu, mọi việc lại khác. Cô Thu kể: Ngày tôi vào nhận lớp, ấn tượng đầu tiên của tôi là ánh mắt như cầu cứu của em Thông, em tách biệt hẳn với mọi người. Tôi đã tìm mọi cách để gần gũi em Thông. Tuy nhiên, do quá nhiều mặc cảm với mọi người nên em Thông đón nhận sự ưu ái của cô hết sức dè dặt.
Bằng kiến thức tiếp thu được từ Dự án CRS (giáo dục hòa nhập), cô Thu kiên trì tiếp xúc, dần đã chiếm được cảm tình của cậu bé "cô độc" kia. Một năm sau thì cô đã có thể "nói chuyện" được với em Thông qua sự "phiên dịch" của cô em gái của Thông. Nửa năm nữa thì cô và trò có thể giao tiếp qua ánh mắt, rồi dần dần cô Thu đã phát hiện em Thông còn có khả năng nghe và nói được. Vậy là cô lại bắt đầu những chuỗi ngày vất vả để hướng dẫn cho Thông tập nói. Cô và trò gần như "đánh vật" với nhau để tìm ra tiếng nói chung. Gia đình em Thông sự sung sướng và biết ơn từ giọt nước mắt của người mẹ khi chứng kiến đứa con bất hạnh bỏ chiếc máy nghe và đòi tự nhiên như các bạn... Năm học 2004 - 2005 cô Thu được mời ra Hà Nội dự hội nghị 3 ngày về tổng kết thập kỷ giáo dục hòa nhập Việt Nam với tư cách là "Cô trò tiêu biểu". Cùng năm cô Thu đạt giải nhì cấp huyện, giải ba cấp tỉnh hội thi giáo viên giỏi Giáo dục hòa nhập; tham dự giờ giảng của cô còn có các chuyên gia nước ngoài. Sau em Thông, nhiều học trò khuyết tật đã có sự chuyển biến trong nhận thức và học tập từ sự dạy dỗ và tấm lòng nhân ái của cô Thu.
Cô Đinh Thị Kim Tân (Trường Mầm non Gia Vượng-Gia Viễn) nhiều năm là giáo viên giỏi, là chiến sỹ thi đua, đặc biệt cô đã dạy thành công nhiều trẻ khuyết tật, trong đó có ba cháu khuyết tật nặng, như cháu Vũ Thị Na chậm phát triển trí tuệ mức độ nặng, cháu Nguyễn Văn Dũng khiếm thị; cháu Đinh Văn Bắc khuyết tật vận động.
Cô Tân nhớ nhất là trường hợp cháu Bắc. Ban đầu cháu ở nhà, cô giáo và Đoàn thanh niên phải đến vận động mãi mẹ cháu mới cho đến lớp. Lúc nhận cháu Bắc, mẹ cháu có nói một câu mà cô giáo cũng phải... run, đó là "Cô dạy cháu làm sao đừng để cháu "sứt mặt" mỗi ngày, nhà tôi chỉ yêu cầu mỗi vậy". Hoàn cảnh của cháu rất khó khăn, nhà có bốn người thì ba người khuyết tật. Cháu Bắc đi học, tấm áo lành lặn cũng không có. Vậy mà cô Tân đã thành công khi tập cho cháu đi được trong khi bảy năm trước cháu chỉ lê la bò dưới đất. Nói lên điều ấy để thấy rằng sự kiên nhẫn và tấm lòng yêu trẻ của cô Tân thật vô bờ bến.
Còn đối với cô Phạm Thị Liên (Trường Tiểu học B Yên Nhân-Yên Mô), ấn tượng ban đầu của tôi về cô thật lạ. Tôi cứ nghĩ con người này sinh ra là để làm cô giáo. Bởi vì cô có cách nói năng nhỏ nhẹ, dễ tạo cho người giao tiếp một cảm giác tin tưởng. Cô Liên kể: Ngày trước, gia đình cô nghèo lắm, nên được đi học đã là một sự may mắn. Ngay việc cô đi học cấp ba, gia đình cũng không cho, cô đã giả vờ dắt trâu ra đồng, buộc vào một gốc cây rồi... ù té chạy đi thi. May mà thi đậu. Học xong THPT cô thi đỗ Cao đẳng sư phạm Nam Định, nhưng phải bỏ học vì gia đình không đủ tiền chu cấp. Cô buồn lắm đành về học tại Trường Trung học sư phạm Ninh Bình để bớt gánh nặng cho gia đình. Có lẽ cũng vì tuổi thơ nhiều lam lũ mà cô Liên đã sẵn có một tấm lòng với những mảnh đời bất hạnh. Qua bàn tay chăm sóc của cô, đã có 4 học trò khuyết tật được nâng cánh ước mơ. Giờ các em đã vào bậc THCS nhưng ấn tượng về bàn tay cô giáo những lúc cùng các em vui đùa, hay lúc cô tết tóc, bẻ lại cổ áo, ân cấn động viên các em học tập vẫn còn nguyên vẹn.
Mai Phương