Tại thị trấn Me, huyện Gia Viễn, chính quyền và người dân đang triển khai nhiều biện pháp nhằm khôi phục sản xuất vụ đông. Trước lũ, toàn thị trấn đã trồng được 9 ha cây rau màu các loại, trong đó cà chua là 4 ha, dưa chuột 3 ha, ngô 1,5 ha, còn lại là rau các loại. Tuy nhiên mưa lũ đã làm cho phần lớn diện tích này bị thiệt hại, không thể khôi phục được. Ông Vũ Đức Tĩnh, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp thị trấn Me cho biết: Tất cả những cây trồng bị thiệt hại đều là những cây đông sớm, có giá trị kinh tế cao do vậy thiệt hại là rất nặng nề, theo tính toán có hộ thiệt hại đến gần 100 triệu đồng.
Hiện nay, thời vụ trồng cây đông vẫn còn, HTX đang vận động nhân dân triển khai trồng các cây trồng ngắn ngày đồng thời tìm nguồn giống để trồng lại một số cây truyền thống như dưa chuột, cà chua.
Tuy nhiên, khó khăn nhất là đồng ruộng vẫn đang no nước, đất nhão ướt nên vẫn chưa thể ra giống. Để khắc phục bà con tạm thời dùng biện pháp bô cây giống trong nhà và đợi nắng ráo mới đưa cây ra ruộng.
Là một trong những địa phương có diện tích trồng rau lớn trong tỉnh, thời điểm này, các hộ dân trong xã Yên Thắng, huyện Yên Mô đang tích cực chăm sóc, trồng mới các loại cây vụ đông trong khung thời vụ đặc biệt là cây rau sau đợt mưa lớn vừa qua, kịp thời cung cấp nguồn rau xanh phục vụ thị trường.
Đang ra đồng vặt bỏ những lá dập nát, bón thêm phân cho đám rau dưa, ông Vũ Văn Dương, HTX Vân Trà, xã Yên Thắng chia sẻ: Theo lịch thời vụ thì thời điểm này 3 sào trồng rau dưa của gia đình đã cho thu hoạch. Tuy nhiên mưa nhiều, nắng kém khiến cây cứ đứng đấy, chẳng lớn được. Để khắc phục, ông đang ra đồng cắt bỏ những cây bị dập nát, tiến hành vun gốc, bón phân để cây nhanh chóng phục hồi, sớm cho thu hoạch.
Trao đổi với đồng chí Lê Thị Linh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Mô được biết: Vụ đông năm nay toàn huyện phấn đấu gieo trồng khoảng 1.800 ha rau màu các loại. Tuy nhiên, do biến động thời tiết nên hầu hết cây vụ đông sớm đã bị thiệt hại.
Để bù lại diện tích đã mất, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác, cải thiện đời sống nhân dân, phòng Nông nghiệp & PTNT đã có hướng dẫn đến các xã, thị trấn, Giám đốc các HTX Nông nghiệp triển khai chăm sóc đối với những cây có khả năng phục hồi.
Đối với diện tích ngô thương phẩm, ngô ngọt, ngô nếp bị ảnh hưởng nhẹ, bị nghiêng, đổ cây, hướng dẫn các hộ nông dân xới xáo, phá váng, vun đất vào gốc; hòa loãng phân đạm và lân tưới cho cây kết hợp với phun phân bón lá như Atonix, Komix, Humix..., sau đó tiếp tục chăm sóc theo quy trình kỹ thuật.
Đối với diện tích lạc, hướng dẫn các hộ nông dân vun thêm đất vào gốc để tạo điều kiện cho lạc đâm tia hình thành củ thuận lợi, đồng thời kết hợp phun bổ sung thêm phân bón qua lá. Riêng diện tích cây đông trà sớm không có khả năng phục hồi, biểu hiện lá vàng đỏ, cây thấp còi, bộ rễ phát triển kém…. cần vệ sinh đồng ruộng, chuyển sang trồng các cây đông muộn như khoai tây, rau các loại…
Bên cạnh đó, động viên nhân dân tích cực mở rộng diện tích trồng cây đông muộn như khoai tây, rau các loại... Vừa qua, UBND huyện cũng đã liên hệ với Công ty Cổ phần nông nghiệp Quốc tế An Việt và Viện cây lương thực và cây thực phẩm để ký hợp đồng liên kết sản xuất khoai tây.
Theo kế hoạch vụ Đông năm 2017, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 8.903 ha, trong đó chủ lực vẫn là: ngô trên 2.300 ha, khoai tây gần 500 ha, lạc 253 ha, khoai lang trên 900 ha, bí xanh 542 ha, cây trạch tả khoảng 100 ha, rau các loại, cây khác trên 3.600 ha. Trước thời điểm mưa lũ, toàn tỉnh đã gieo trồng được trên 2.400 ha, toàn bộ đều là những cây ưa ấm có giá trị kinh tế cao.
Tuy nhiên, từ ngày 25/9 đến giữa tháng 10 thời tiết liên tục có mưa khiến đa phần các diện tích này bị thiệt hại. Xác định vụ Đông là vụ sản xuất đặc biệt quan trọng đối với tăng trưởng của toàn ngành, cho năm tiếp theo, ngành Nông nghiệp đang tập trung triển khai các phương án bổ cứu sản xuất, tiếp tục đa dạng hóa các nhóm cây khác trong vụ đông và đưa ra các biện pháp kỹ thuật phù hợp để khôi phục sản xuất.
Ông Lã Quốc Tuấn, Chi cục Phó Chi cục Trồng trọt & BVTV, Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Hiện tại, thời vụ gieo trồng cây vụ Đông ưa ấm đã kết thúc. Những loại như dưa, bầu, bí... hết sức lưu ý là khi ra hoa kết trái điều kiện nhiệt độ phải cao thì mới có khả năng cho sản phẩm thu hoạch. Còn nếu muộn, bị tác động của các trận lụt vừa qua, thời gian sinh trưởng bị kéo dài, thời điểm ra hoa kết trái bị đẩy lùi, nếu gặp không khí lạnh (dưới 20 độ C) sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến việc đậu quả.
Do đó, nếu trồng để lấy quả, hạt, khuyến cáo nông dân là thời vụ nhóm cây này đã hết. Diện tích bị ngập còn lại nếu như thoát nước kịp, nông dân nên "dặm" và tích cực chăm sóc. Khi thời tiết có nắng, hanh, mặt luống se lại, bà con tích cực xới, xáo phá váng để tạo khí thông thoáng cho đất và tạo điều kiện cho rễ của các cây phục hồi nhanh. Song song với việc sử dụng phân bón có thể sử dụng một số chất hỗ trợ sinh trưởng để phục hồi rễ nhanh và đảm bảo quá trình sinh trưởng, đảm bảo thời vụ.
Đối với những diện tích không thể phục hồi được thì tiến hành thu dọn tàn dư, làm đất, tiếp tục gieo trồng cây vụ đông các loại, ưu tiên các loại rau ngắn ngày để có nguồn rau xanh kịp thời cung cấp cho thị trường sau đó mới trồng cây rau dài ngày họ thập tự như cải bắp, su hào.
Hiện, Sở cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh xin hỗ trợ giống từ nguồn dự trữ quốc gia để cung ứng kịp thời cho bà con. Cùng với việc xin hỗ trợ này, các địa phương nên chủ động trích từ nguồn ngân sách của địa phương chủ động hỗ trợ sớm cho nông dân, giúp nông dân giảm bớt thiệt hại, khôi phục sản xuất nhanh và đảm bảo thị trường cung cầu sản phẩm.
Hà Phương