Việc thực hiện mô hình "Trường học mới" dựa trên kết quả và thành tựu đổi mới giáo dục của quốc tế. Từ năm học 2015-2016, lần đầu tiên Sở Giáo dục và Đào tạo đưa mô hình này triển khai tại 8 trường THCS trong tỉnh. Nếu thực hiện hiệu quả mô hình này sẽ là tiền đề quan trọng để các nhà trường, các em học sinh tiệm cận với chương trình đổi mới giáo dục phổ thông triển khai trong thời gian tới. Từ năm học 2011-2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai mô hình "Trường học mới" đối với cấp tiểu học với mục tiêu là đổi mới đồng bộ các hoạt động sư phạm trong nhà trường; bảo đảm cho học sinh được tự quản, tự tin trong học tập, chiếm lĩnh được kiến thức, kỹ năng qua tự học và hoạt động tập thể; phù hợp với điều kiện về năng lực đội ngũ giáo viên, thiết bị giáo dục của hầu hết các trường học Việt Nam, đồng thời có giải pháp thu hút các gia đình và cộng đồng tích cực tham gia cùng nhà trường thực hiện chức năng giáo dục.
Qua ba năm triển khai ở cấp tiểu học đã khẳng định "Trường học mới" là một kiểu mô hình nhà trường hiện đại, tiên tiến, phù hợp với mục tiêu đổi mới và đặc điểm của giáo dục Việt Nam. Đến năm học 2014-2015 đã có 1.447 trường tiểu học trên phạm vi toàn quốc có học sinh học hết lớp 5 theo mô hình này. Từ 1.447 trường được hỗ trợ qua dự án, đã có nhiều trường tự đảm bảo các điều kiện để triển khai áp dụng mô hình trường học mới. Năm học 2015-2016, cả nước có trên 3.700 trường triển khai áp dụng mô hình này. Đối với Ninh Bình, đến nay toàn tỉnh có 12 trường tiểu học triển khai mô hình VNEN và nhân rộng một số nội dung đối với các trường tiểu học trong toàn tỉnh. Kết quả từ việc triển khai mô hình trường học mới ở một số trường tiểu học trên địa bàn tỉnh cho thấy đây là mô hình mới nhưng khá phù hợp với đối tượng học sinh tiểu học vì qua cách đổi mới hoạt động giáo dục, học sinh được tự tin, mạnh dạn và chủ động hơn trong học tập. Cách dạy học theo mô hình VNEN được đánh giá là phù hợp hơn cách dạy học truyền thống. Mô hình không quy định chặt chẽ về kế hoạch dạy học mà giao quyền tự chủ cho giáo viên. Qua đánh giá, chất lượng giáo dục học sinh các trường thực hiện mô hình VNEN khá bền vững.
Nhằm tạo điều kiện cho học sinh THCS học theo mô hình trường học mới, nhất là những học sinh đã học theo mô hình trường học mới cấp tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo 6 tỉnh triển khai thực nghiệm thành công mô hình ở 48 lớp 6 của 24 trường THCS. Hiện nay đã có hơn 1.600 trường THCS đăng ký tham gia triển khai mô hình trường học mới đối với lớp 6 năm học 2015-2016. Đối với tỉnh ta, từ năm học 2015-2016 sẽ có 8 trường THCS là: Trường THCS thị trấn Nho Quan (Nho Quan), THCS thị trấn Me (Gia Viễn), THCS Trường Yên (Hoa Lư), THCS Ninh Tiến (thành phố Ninh Bình), THCS Khánh Hải (Yên Khánh), THCS Yên Lộc (Kim Sơn), THCS thị trấn Yên Thịnh (Yên Mô) và THCS Lê Lợi (thành phố Tam Điệp) triển khai mô hình trường học mới.
Để mô hình VNEN được triển khai thành công và đạt hiệu quả, Sở Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn phòng giáo dục các huyện, thành phố báo cáo chính quyền địa phương, tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, giải pháp triển khai mô hình ở cấp tiểu học và THCS, đặc điểm, ý nghĩa của mô hình trong việc triển khai đổi mới giáo dục phổ thông. Đề nghị địa phương hỗ trợ kinh phí và sử dụng các nguồn kinh phí hợp pháp của nhà trường để mua sách trang bị cho thư viện nhà trường sử dụng làm sách dùng chung cho các đối tượng học sinh diện chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh tự nguyện thuê sách của thư viện và trả lại vào cuối năm học.
Tổ chức tham khảo ý kiến của cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh các trường tiểu học đã tham gia mô hình VNEN các năm học trước về hiệu quả cũng như khó khăn khi triển khai mô hình. Tổ chức họp phụ huynh học sinh để thông báo và giải thích cho gia đình học sinh và học sinh hiểu rõ đặc điểm của bộ sách "Hướng dẫn học". Trong đó, lưu ý sách "Hướng dẫn học" thay thế toàn bộ sách giáo khoa, sách bài tập truyền thống, được dùng cho cả giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh. Học sinh thường xuyên sử dụng sách "Hướng dẫn học" để tự học dưới sự hướng dẫn của giáo viên, sách có các đặc điểm về kỹ thuật và hình thức tốt, có thể sử dụng qua nhiều năm. Rà soát điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ của nhà trường, nếu thấy đủ điều kiện triển khai mô hình VNEN thì tổ chức họp phụ huynh học sinh khối 6, thông báo đến phụ huynh các thông tin về mô hình VNEN, cho phụ huynh đăng ký cho con em tham gia học tập theo mô hình (khuyến khích phụ huynh có con em đã được học lớp 5 theo mô hình trường học mới tiếp tục đăng ký cho con em được học lớp 6 theo mô hình).
Trên cơ sở đó, nhà trường quyết định và báo cáo với phòng giáo dục việc tham gia hoặc không tham gia triển khai mô hình VNEN đối với lớp 6 cấp THCS năm học 2015-2016. Năm học này, 8 trường THCS triển khai mô hình VNEN đã tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ, chủ động sắp xếp, bố trí giáo viên giảng dạy các lớp 6 VNEN để tham gia các lớp tập huấn. Do đó, các trường thực hiện mô hình VNEN trong năm học này đều đã sẵn sàng bước vào năm học mới.
Đến trường THCS Trường Yên, một trong 8 trường THCS trong tỉnh triển khai mô hình VNEN năm học này, công tác chuẩn bị đã sẵn sàng. Cô giáo Nguyễn Thị Bích Phượng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2015-2016, Trường có 4 lớp 6 với 103 học sinh đều được học theo mô hình VNEN. Triển khai mô hình mới, Trường có nhiều thuận lợi vì cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia, kiểm định chất lượng giáo dục đạt cấp độ 3, đội ngũ giáo viên 98% đạt trình độ trên chuẩn, năm học qua nhà trường đạt giải nhì về phong trào bồi dưỡng học sinh giỏi của huyện... Để mô hình mới nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của giáo viên, phụ huynh và học sinh, nhà trường đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung, đổi mới của mô hình VNEN, có kế hoạch đầu tư thêm cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, sách giáo khoa mới, trang trí lớp học.
Hiện trường đã và đang triển khai công tác xã hội hóa để huy động các nguồn lực ủng hộ cơ sở vật chất cho việc triển khai mô hình. Đối với đội ngũ giáo viên, nhà trường cũng quan tâm chọn những giáo viên giàu thành tích, kinh nghiệm trong giảng dạy, có tinh thần trách nhiệm cao, khả năng truyền đạt tốt để đảm nhiệm việc giảng dạy các bộ môn của lớp 6. Tuy trước mắt còn một số khó khăn như: Việc sắp xếp phòng học bộ môn cho việc giảng dạy theo mô hình mới của lớp 6 và dạy học theo mô hình truyền thống của các khối lớp 7, 8, 9 chưa thuận lợi, chưa có bộ sách giáo khoa chính thức, phụ huynh nông thôn trong điều kiện kinh tế còn khó khăn phải mua bộ sách mới có giá cao hơn so với bộ sách truyền thống trước kia... nhưng nhà trường phấn đấu sẽ triển khai hiệu quả mô hình trường học mới, làm tiền đề cho việc triển khai đại trà ở các khối lớp trong những năm tiếp theo.
Lý Nhân