Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi, cùng với sự chỉ đạo tập trung, linh hoạt của các cấp lãnh đạo, ngành chuyên môn, sự nỗ lực của bà con nông dân, sản xuất vụ đông xuân 2020-2021 của Ninh Bình vẫn giành được nhiều thắng lợi. Năng suất các cây trồng đều tăng so với năm trước, một số nông sản như lúa gạo có giá bán cao, trong khi chi phí sản xuất giảm.
Cụ thể: Sản xuất lúa, toàn tỉnh gieo cấy được gần 40 nghìn ha, năng suất đạt 66,81 tạ/ha (tăng 0,31 tạ/ha so với vụ đông xuân 2021-2022). Cơ cấu giống tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm diện tích lúa lai, tăng diện tích lúa thuần, chất lượng cao.
Các địa phương quan tâm mở rộng diện tích gieo mạ khay, cấy máy, canh tác theo hướng hữu cơ, qua đó giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị lúa gạo.
Về rau màu, sản xuất tập trung vào ngô, lạc, khoai lang, sen lấy hạt và rau các loại. Nhìn chung năng suất các cây trồng đều tăng từ 0,6-7,3 tạ/ha so với vụ đông xuân trước. Với một số cây ăn quả như nhãn, vải, dứa, chuối, do khí hậu thời tiết thuận lợi cho quá trình sinh trưởng, phát triển, nảy lộc, phân hóa mầm hoa nên hầu hết cho hoa nhiều, đậu quả, năng suất cao.
Theo báo cáo của các huyện, thànhh phố, vụ đông xuân vừa qua, toàn tỉnh cũng đã chuyển đổi 40 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các mô hình sản xuất khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ngoài ra, các địa phương còn chủ động tiếp thu, ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa, tập trung, gắn kết với tiêu thụ mang lại thu nhập cao như: mô hình trồng rau củ quả an toàn gắn với cây dược liệu tại xã Đồng Phong, huyện Nho Quan; mô hình trồng sen Nhật, măng tây ở huyện Hoa Lư; mô hình liên kết tiêu thụ lúa giống, lúa thương phẩm ở huyện Yên Khánh; mô hình canh tác 4 vụ ở huyện Yên Mô…
Bước sang vụ đông xuân 2021-2022, dự báo sẽ có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, giá các loại vật tư nông nghiệp tăng cao, thị trường nông sản không ổn định, lao động nông nghiệp thiếu hụt.
Do vậy, ngành chuyên môn, các địa phương cần tập trung tập lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ ngay từ đầu vụ để đạt kết quả toàn diện cả về diện tích, năng suất, sản lượng và giá trị nông sản.
Trong đó, căn cứ vào tình hình thực tế bố trí thời vụ gieo cấy, bố trí cơ cấu trà, cơ cấu giống cho hợp lý; tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến vào sản xuất; điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm.
Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Tập trung xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thế mạnh, đặc sản của tỉnh gắn với nâng cao chất lượng nông sản bằng việc khuyến khích sản xuất theo hướng hữu cơ, có gắn tem nhận diện sản phẩm…
Toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng được 46.438 ha cây hàng năm, trong đó lúa là khoảng 40 nghìn ha, rau màu các loại 7.200 ha.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích kết quả đạt được, chỉ rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế trong sản xuất vụ đông xuân 2020-2021. Đồng thời, góp ý, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi vụ đông xuân 2021-2022.
Nguyễn Lựu - Minh Đường