Tại Ninh Bình, do quá trình phát triển công nghiệp và đô thị hóa nên một số nguồn nước đã bắt đầu bị ô nhiễm, nguồn tài nguyên nước đang bị biến đổi cả về trạng thái và chất lượng. Điều đó không những đe dọa sự phát triển bền vững của kinh tế - xã hội mà còn tác động trực tiếp đến sức khỏe con người và hệ sinh thái.
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên & Môi trường, hiện nay tỉnh Ninh Bình có ba nguồn nước chính cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất: Nước mưa, nước mặt và nguồn nước ngầm dưới đất. Hàng năm, tỉnh ta có tổng lượng mưa trung bình đạt từ 1.700-1.800 mm, nhiều năm có thể đạt tới 1.828 mm, nhưng lại phân bố không đều, chủ yếu tập trung từ tháng 5 đến tháng 10, chiếm tới 70%. Tỉnh ta cũng có một mạng lưới sông, suối khá dày với tổng chiều dài khoảng trên 1.000 km. Quan trọng nhất là hệ thống sông Đáy có chiều dài 44,3 km, sông Hoàng Long dài 24,6 km, sông Vạc dài 43,3 km, sông Bút dài 49 km, sông Bôi dài 16,4 km, cùng một số sông nhỏ khác như sông Lạng, sông Canh Bần, sông Vân và các phụ lưu. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 9 hồ, đập lớn, với tổng diện tích khoảng 1.300 ha, dung tích 24 triệu m3, cung cấp nước cho gần 29.000 ha lúa (như hồ Yên Quang, Yên Thắng, Đồng Chương, đập Thác La, hồ Đồng Thái...).
Qua thăm dò, điều tra cho thấy, chất lượng nước các sông trong tỉnh phần lớn đã bị ô nhiễm vi sinh và hữu cơ. Mức độ ô nhiễm tăng dần, từ thượng lưu về hạ lưu, đặc biệt là các đoạn chảy qua các khu đô thị, khu công nghiệp đều bị ô nhiễm do ảnh hưởng của các hoạt động sản xuất và sinh hoạt. Nguồn nước dưới đất của tỉnh ta không phong phú, chỉ có khu vực phía Tây (bao gồm thị xã Tam Điệp, phía Tây, phía Đông Bắc huyện Nho Quan) nước dưới đất tồn tại trong các khe nứt đá vôi có trữ lượng và chất lượng khá tốt, có thể khai thác cấp nước tập trung với quy mô lớn, song vẫn chưa làm rõ được diện phân bố.
Riêng khu vực các huyện Gia Viễn, Hoa Lư, Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn và thành phố Ninh Bình nước dưới đất chủ yếu phân bố ở các tầng chứa nước lỗ hổng, không có khả năng khai thác với quy mô lớn. Đặc biệt là chất lượng nước tại các khu vực ven sông Đáy và ven biển Kim Sơn phần lớn đều bị lợ và mặn, đã có dấu hiệu bị nhiễm bẩn, hàm lượng các hợp chất Nitơ khá cao, mực nước ngầm đang bị hạ thấp; riêng thành phố Ninh Bình và huyện Kim Sơn nguồn nước dưới đất có dấu hiệu bị nhiễm asen.
Về tình hình sử dụng nước và xả thải vào nguồn nước, đồng chí Chu Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường cho biết: Toàn tỉnh hiện có 68 công trình nước sạch tập trung, 16 công trình khai thác nước ngầm, 15 công trình khai thác nước mặt. Trong các công trình cấp nước tập trung thì có 8 nhà máy cấp nước sinh hoạt đô thị, với tổng công suất 49.720 m3/ngày, đêm (trong đó có 7 nhà máy sử dụng nguồn nước mặt và Nhà máy nước Tam Điệp khai thác nước ngầm). Việc khai thác, phục vụ cho sản xuất công nghiệp phần lớn đều sử dụng nguồn nước dưới lòng đất (Công ty xi măng Tam Điệp khai thác 3.000 m3/ngày, đêm; Công ty cổ phần xi măng Hướng Dương 900 m3/ngày, đêm...).
Ninh Bình có 28 đơn vị, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, sinh hoạt xả thải vào môi trường (như Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty Phân lân Ninh Bình, Công ty cổ phần xi măng hệ Dưỡng, Công ty Bia Ninh Bình...) đều thuộc diện phải cấp giấy phép, mức độ ước tính khoảng từ 55 - 60 triệu m3/năm (trong đó nước thải sản xuất khoảng 50-55 triệu m3/năm). Riêng nước thải sinh hoạt hầu hết đều không được xử lý hoặc có xử lý nhưng chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định trước khi thải ra môi trường.
Tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ta còn nhiều vấn đề đáng bàn. Người dân chưa ý thức được mức độ ảnh hưởng của ô nhiễm nguồn nước và việc bảo vệ môi trường nước còn rất hạn chế. Đội ngũ cán bộ về quản lý tài nguyên nước từ thành phố đến các huyện, thị xã đều chưa qua đào tạo về chuyên ngành, hoạt động dựa trên kinh nghiệm, kiêm nhiệm, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ chưa đáp ứng được nhu cầu. Nguồn vốn ngân sách của các địa phương dành cho công tác quản lý tài nguyên nước hầu như không có. Các trang, thiết bị phục vụ cho công tác điều tra, đánh giá và quan trắc tài nguyên nước rất ít, lạc hậu và độ chính xác không cao. Chưa có quy hoạch khai thác sử dụng tài nguyên nước, chưa kết hợp được việc phát triển nguồn nước với việc phân phối sử dụng hợp lý đa mục tiêu tài nguyên nước…
Để quản lý, khai thác và sử dụng tốt nguồn tài nguyên nước, đòi hỏi phải phát huy sức mạnh của cộng đồng. Trong đó việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, các chủ chương, chính sách về bảo vệ tài nguyên nước trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc tổ chức các cuộc tìm hiểu, sáng tác nghệ thuật về nước đóng vai trò quan trọng và phải đi trước nhằm nâng cao nhận thức và khuyến khích cộng đồng cùng tham gia bảo vệ tài nguyên nước.
Bên cạnh các hoạt động truyền thông, cần phải kiện toàn bộ máy cán bộ, đặc biệt là cán bộ chuyên môn về quản lý tài nguyên nước; cần có sự quan tâm và đầu tư về ngân sách của Nhà nước; quản lý tốt việc cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả thải vào môi trường; triển khai thực hiện công tác thăm dò, đánh giá nguồn nước mặt và nước ngầm trong toàn tỉnh để có quy hoạch sử dụng tài nguyên nước dài hạn, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ về vốn và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế để bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn...
Hương Giang