Kết quả thực hiện Đề án đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cấp học mầm non, giúp trẻ 5 tuổi được chuẩn bị tốt về kỹ năng, thể lực và tâm thế bước vào lớp 1, tạo tiền đề cho những cấp học, bậc học cao hơn.
Ngay khi Đề án phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ 5 tuổi được ban hành, với sự tham mưu của các sở, ngành, tỉnh ta đã ban hành các văn bản chỉ đạo với nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho trẻ 5 tuổi được đến trường học tập, vui chơi và nuôi dưỡng tốt nhất. Theo đó, công tác phổ cập GDMN được đưa vào Mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2010-2015 với một số chỉ tiêu chủ yếu như: "Tỷ lệ đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2: 100%. Tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia đến năm cuối nhiệm kỳ: Mầm non 70%...". HĐND tỉnh cũng ban hành Nghị quyết về việc chuyển đổi các trường mầm non bán công sang trường mầm non công lập... Qua đó đẩy nhanh lộ trình tuyển dụng giáo viên mầm non vào biên chế Nhà nước; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng dạy và học; chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa, huy động trẻ ra lớp 2 buổi/ngày; phối hợp thực hiện chuyên đề GDMN và công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên…
Trong quá trình thực hiện Đề án, để đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất theo yêu cầu phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các đơn vị tích cực tham mưu, huy động các nguồn đầu tư, phối hợp, lồng ghép và sử dụng các nguồn kinh phí một cách có hiệu quả để xây dựng, hoàn thiện các phòng học, phòng chức năng, mua sắm trang thiết bị cho giáo dục mầm non và các lớp 5 tuổi. Các nhà trường cũng nhận được sự quan tâm ủng hộ của các tập thể, cá nhân và phụ huynh học sinh để xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị phục vụ dạy và học, giúp các em được học tập, vui chơi và chăm sóc theo tiêu chí của Đề án. Trong 3 năm (2010-2013), toàn tỉnh đã đầu tư trên 405 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị giáo dục, trong đó ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh trên 118 tỷ đồng, ngân sách huyện là trên 62 tỷ đồng, ngân sách xã, phường, thị trấn gần 100 tỷ đồng, các tổ chức, cá nhân và các nguồn khác trên 124 tỷ đồng. Trong đó, riêng đầu tư xây dựng, sửa chữa phòng học và mua sắm thiết bị cho các lớp 5 tuổi là trên 123 tỷ đồng. Ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục mầm non trong những năm gần đây liên tục tăng lên. Tỷ lệ ngân sách Nhà nước chi cho GDMN so với tổng chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục toàn tỉnh năm 2012 đạt 19,4% (năm 2011 là 17,6%, năm 2010 là 16,5%)…
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ phổ cập cũng như công tác xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, các trường mầm non đã làm tốt công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp, sắp xếp, tập trung các điểm trường, tham mưu với địa phương dành quỹ đất mở rộng khuôn viên trường lớp đảm bảo diện tích theo quy định. Từ năm 2010 đến tháng 6-2013, toàn tỉnh có 32 trường mầm non được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, đưa tổng số trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia lên 91/150 trường, đạt 60,6%. ở các trường mầm non đã đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, cùng với sự quan tâm đầu tư của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các nhà trường đã phát huy hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học ở các lớp 5 tuổi.
Đến nay, toàn tỉnh có 434/436 lớp 5 tuổi có phòng học đảm bảo yêu cầu phổ cập, trong đó số phòng học kiên cố, đạt chuẩn có 403 phòng. Về thiết bị, có 436/436 lớp mẫu giáo 5 tuổi có đủ thiết bị tối thiểu theo Thông tư 02/2010/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo; có 378/436 lớp có bộ phần mềm trò chơi ứng dụng công nghệ thông tin. Các trường mầm non cũng huy động nguồn kinh phí xã hội hóa mua sắm nhiều thiết bị, đồ dùng như giá tủ đựng đồ dùng, đồ chơi, bàn ghế cho cô và trẻ, bảng đa năng, đàn organ, bộ Kidsmart, đồ chơi ngoài trời và bổ sung, thay mới giường, đệm… cho các cháu.
Nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình GDMN, các trường đã tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ như tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe, phòng tránh tai nạn, dịch bệnh, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ; tăng chất lượng bữa ăn tại trường, nâng mức ăn cho trẻ; dành quỹ đất để tự túc rau sạch cho bữa ăn tại trường của trẻ; thường xuyên tổ chức các chuyên đề, nâng cao chất lượng các chuyên đề giáo dục; ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy; phát động các phong trào làm đồ dùng, đồ chơi, đúc rút sáng kiến kinh nghiệm; xây dựng môi trường giáo dục phù hợp kích thích hoạt động tích cực và tính chủ động, sáng tạo của trẻ… Kết quả, hết năm học 2012-2013, toàn tỉnh có 150/150 trường mầm non, 95,3% số nhóm trẻ và 100% số lớp đã thực hiện chương trình GDMN mới. Trong đó 100% số lớp 5 tuổi thực hiện chương trình GDMN mới và được tổ chức nuôi bán trú tại trường. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở cả nhà trẻ và mẫu giáo là 5,3%; tỷ lệ trẻ thấp còi ở nhà trẻ 6,0% và ở mẫu giáo 6,3%, trong đó 100% số xã đảm bảo các yêu cầu về tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, tỷ lệ chuyên cần theo yêu cầu phổ cập…
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng và thực hiện chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên được quan tâm. Hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo phối kết hợp với Trường Đại học Hoa Lư, chỉ đạo Trường Trung học Kinh tế Kỹ thuật và Tại chức, Trung tâm GDTX tỉnh tổ chức các lớp đào tạo đạt chuẩn và nâng chuẩn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên mầm non với nhiều hình thức: tập trung, tại chức, từ xa…
Đến tháng 6-2013, ngành Giáo dục mầm non có trên 4.900 cán bộ, giáo viên, nhân viên; trong đó, loại hình công lập có trên 4.400 người, 100% số cán bộ, giáo viên có trình độ đạt chuẩn trở lên, trong đó trên chuẩn chiếm 74%; loại hình tư thục có 493 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó trình độ đạt chuẩn về đào tạo đạt trên 40%. Riêng giáo viên các lớp 5 tuổi (cả loại hình công lập và tư thục) 100% có trình độ đạt chuẩn trở lên và 90,1% có trình độ trên chuẩn. Mỗi lớp 5 tuổi đảm bảo ít nhất có 2 cô/lớp và đảm bảo các điều kiện về trình độ, chế độ, chính sách theo quy định của nhà nước…
Sau 3 năm thực hiện Đề án phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn tỉnh, công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi được triển khai thực hiện từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo nghiêm túc, có chất lượng và hiệu quả cao, đạt lộ trình đề ra. Đến tháng 5-2013, toàn tỉnh có 144/145 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, đạt tỷ lệ 99,3%; 8/8 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi. 145/145 đơn vị cơ sở đạt tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp, tất cả các lớp mầm non 5 tuổi đều tổ chức học 2 buổi/ngày và nuôi ăn bán trú tại trường; 100% trẻ em tại các cơ sở GDMN được học chương trình GDMN mới…
Những kết quả đạt được của ngành học mầm non đã tạo nền móng vững chắc trong hệ thống giáo dục, đào tạo của tỉnh trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện ngành Giáo dục.
Mỹ Hạnh