Tạo cơ chế giám sát đối với bộ phận "Một cửa"
Hiệu quả từ việc triển khai thực hiện cơ chế "Một cửa", "Một cửa liên thông" hiện đại là không thể phủ nhận, song người dân vẫn còn một số băn khoăn, kiến nghị trong các lĩnh vực như đất đai, xây dựng, thuế… Do vậy, tạo cơ chế giám sát đối với hoạt động của bộ phận "Một cửa" là rất cần thiết nhằm nâng cao chất lượng của công tác CCHC nói chung.
Từ tháng 4 đến tháng 7-2012, Ninh Bình là một trong 5 tỉnh của cả nước được lựa chọn thực hiện thí điểm Chỉ số đánh giá hoạt động của Bộ phận một cửa cấp huyện do Dự án Hỗ trợ cải cách hành chính UNDP-Bộ Nội vụ hỗ trợ. Các lĩnh vực giao dịch hành chính được đánh giá khảo sát gồm: Chủ quyền nhà đất, cấp giấy phép xây dựng, đăng ký kinh doanh, chính sách xã hội, tư pháp…
Người nhận phiếu khảo sát là công dân hay đại diện một tổ chức hoặc doanh nghiệp, đó là người vừa trực tiếp thực hiện giao dịch thủ tục hành chính tại bộ phận "Một cửa"cấp huyện hoặc đã hoàn tất giao dịch hành chính tại bộ phận "Một cửa" cấp huyện cách thời điểm khảo sát không lâu. Các chỉ số đánh giá của các tiêu chí thu được đã phản ánh được về cơ bản những mặt mạnh, những mặt còn hạn chế trong hoạt động của bộ phận "Một cửa" ở các huyện. Mặt khác, qua khảo sát mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp, các địa phương có cơ sở để đánh giá sự hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức tại bộ phận "Một cửa"; đồng thời có giải pháp, tạo điều kiện để chính quyền gần dân, phòng, chống quan liêu, cửa quyền, nhũng nhiễu, giảm tình trạng cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp khi có nhu cầu giao dịch phải đi lại nhiều lần, nhiều nơi ở các cơ quan hành chính, nhiều cấp hành chính. Kết quả lấy ý kiến đánh giá của tổ chức và công dân đối với bộ phận "Một cửa liên thông" cấp huyện cho thấy, bộ phận "Một cửa" tại UBND thành phố Ninh Bình được đánh giá cao nhất, đạt 95,78%, tiếp theo là huyện Yên Mô, Yên Khánh, Nho Quan… Trên cơ sở kết quả thu được qua khảo sát, các địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận "Một cửa"để đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
Trước đó, nhằm đánh giá đúng tình hình triển khai thực hiện công tác CCHC theo cơ chế "Một cửa", "một cửa liên thông" ở địa phương, hàng năm UBND tỉnh, Sở Nội vụ đều tổ chức kiểm tra tại các địa phương, cơ quan, đơn vị. Từ năm 2007 đến nay, Sở đã tiến hành 12 đợt kiểm tra ở 76 lượt cơ quan, đơn vị, địa phương. Cùng với việc kiểm tra, giám sát định kỳ, các đơn vị đã chủ động niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng, hòm thư góp ý tạo cơ chế huy động sự tham gia giám sát của tổ chức, công dân đối với kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Đặc biệt, nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo trong triển khai hoạt động giám sát. Huyện Yên Mô thành lập các tổ công tác kiểm tra thường xuyên việc thực thi công vụ, cải cách hành chính tại các xã, thị trấn và các phòng, ngành, đơn vị, kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn những thiếu sót, sai phạm, từng bước nâng cao đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức. Huyện Gia Viễn cũng đã giao cho phòng Tư pháp phối hợp với các bộ phận liên quan thường xuyên kiểm tra, rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của huyện. Trên cơ sở đó, tiến hành sửa đổi, bổ sung, hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu, thực tiễn ở địa phương. Trong đó, tập trung chỉ đạo rà soát một số loại thủ tục liên quan nhiều đến các tổ chức và công dân, dễ xảy ra tiêu cực như: Quy định, sửa đổi và cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, quy định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng...
Không chỉ tạo điều kiện để nhân dân giám sát việc thực hiện công tác CCHC, mà các địa phương đang hướng tới thiết lập cơ chế, chính sách cụ thể giải quyết kiến nghị sau giám sát để nhân dân tin tưởng và việc giám sát thực sự có hiệu quả.
Hướng tới việc đổi mới toàn diện
Hiện nay, bộ phận "Một cửa" tại các huyện đã được phê duyệt Đề án một cửa liên thông hiện đại và đang từng bước đầu tư các trang thiết bị để nâng cao chất lượng giải quyết công việc. Bộ phận "một cửa", "Một cửa liên thông" của thành phố Ninh Bình được đánh giá có những đổi mới nhanh chóng và toàn diện nhất, bước đầu đã làm hài lòng các tổ chức, công dân khi đến giao dịch. Tại đây đã được trang bị máy xếp hàng tự động để nhân dân lấy số giải quyết công việc theo thứ tự; hệ thống camera giám sát quy trình hoạt động của bộ phận "một cửa" từ phòng điều hành và phòng các lãnh đạo; màn hình cảm ứng để công khai toàn bộ quy trình giải quyết các lĩnh vực tại Trung tâm; máy quét mã vạch để công dân có thể biết tình trạng xử lý hồ sơ của mình… Ngoài ra, mỗi cán bộ của bộ phận "Một cửa" còn được trang bị máy tính và các thiết bị hiện đại. Phòng giao dịch được trang bị hệ thống điều hòa nhiệt độ, ghế ngồi đợi, có biển hướng dẫn cụ thể, rõ ràng.
Thực hiện Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước giai đoạn 2011-2015, UBND cấp huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc trên Server, tăng cường sử dụng mạng cục bộ, kết nối internet… tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp có thể liên hệ trực tuyến đang được triển khai rộng khắp. Ngoài việc nối mạng nội bộ để xử lý hồ sơ, thành phố Ninh Bình đã thực hiện việc nối mạng chuyển nhận văn bản giữa bộ phận "Một cửa" với các phòng, ban của thành phố và các xã, phường trên địa bàn, qua đó giúp cho công tác quản lý việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của tổ chức, công dân và chỉ đạo điều hành của thành phố nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Bên cạnh việc đổi mới về cơ sở vật chất và quy trình hoạt động, công tác nhân sự phục vụ CCHC cũng có chuyển biến đáng kể. Trên địa bàn tỉnh hiện có 69 cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận "Một cửa" cấp huyện. Phần lớn số cán bộ, công chức này được điều động từ các phòng, ban chuyên môn của UBND huyện, trình độ chuyên môn, năng lực công tác cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Tỷ lệ cán bộ, công chức có trình độ đại học chiếm 81,4%, cao đẳng chiếm 4,3%. Riêng UBND thành phố Ninh Bình đã bố trí công chức chuyên trách thuộc biên chế của văn phòng làm việc tại bộ phận "Một cửa' với tổng số 11 cán bộ, công chức (chiếm 16%). Hàng năm, đội ngũ cán bộ này đều được tham gia các lớp bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng để nâng cao trình độ, khả năng giải quyết công việc.
Từ việc nghiêm túc thực hiện cơ chế giám sát và kịp thời có những đổi thay cần thiết, bộ phận "Một cửa" ở các huyện đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. UBND cấp huyện hiện đang triển khai thực hiện tại bộ phận "Một cửa" từ 4 đến 9 lĩnh vực công việc theo đặc thù của từng địa phương. Trong đó, UBND huyện Kim Sơn dẫn đầu với việc triển khai giải quyết 9 lĩnh vực, gồm các công việc mang tính chất đặc thù của vùng có đông đồng bào theo đạo như lĩnh vực tôn giáo. Phần lớn tại bộ phận "Một cửa" cấp huyện đã đưa vào thực hiện trên 60 thủ tục hành chính, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn cao, đạt từ 70-90% trở lên, tỷ lệ hồ sơ giải quyết có sai sót ít, việc gia hạn và thông báo trước cho tổ chức, công dân khi không thể trả kết quả đúng hẹn được thực hiện thường xuyên. Đa số công việc được giải quyết ngay trong thời gian 30 phút và đúng theo phiếu hẹn. Khách hàng chỉ cần đến một nơi để giải quyết một công việc và không phải chi trả khoản tiền nào ngoài quy định.
Duy Hiền