Chúng tôi tới thăm lớp học ở khu lẻ của của cô và trò Trường Mầm non xã Sơn Lai vào một ngày cuối tháng 9. Đó là dãy nhà cấp bốn, tận dụng lại của Hợp tác xã. Dãy nhà được xây dựng từ năm 1988, nay đã xuống cấp nặng, nhưng vẫn được tận dụng để làm lớp học mẫu giáo. Cả khu lẻ chỉ có 1 phòng học rộng chừng 30m2, dành cho gần 40 trẻ lớp 3 tuổi. Khi chúng tôi đến, các cô giáo đang cho trẻ ăn bữa trưa. Vừa nhanh nhẹn lấy đồ ăn từ hộp xốp ra chia suất ăn cho trẻ, cô giáo Hà Thị Huê giải thích, tuy nằm độc lập, song vì ở điểm lẻ này chưa đủ cơ sở vật chất để tổ chức bếp ăn cho trẻ, nên hàng ngày chúng tôi vẫn phải về điểm trường chính (cách chừng hơn 1km) để lấy cơm cho trẻ. Đoạn đường từ điểm lẻ đến điểm trường chính tuy không quá xa, nhưng ngày nào chúng tôi cũng phải đi lại 3 lượt để lấy nước, lấy cơm, bữa phụ …cho trẻ nên rất vất vả, bất tiện. Ngày nắng ráo còn đỡ, chứ vào ngày mưa gió, đoạn đường đất này rất trơn, trường hợp các cô đi lấy cơm mà ngã xe, làm đổ hết đồ ăn không phải là hiếm gặp. Một thiệt thòi nữa của trẻ học ở điểm lẻ này, đó chính là vì lớp học không có tường bao, cổng kiên cố, nên nhà trường cũng không thể đầu tư mua sắm đồ dùng học tập, vui chơi cho các cháu. Chủ yếu các cháu chơi những món đồ chơi do các cô tự làm. ở tạm, học tạm trong nhiều năm nên phòng học ở khu lẻ dù đã bị xuống cấp nhưng trường cũng không biết làm gì hơn. Mỗi năm học mới, với sự đóng góp của phụ huynh, trần nhà được căng bạt. Nhưng trời mưa to là lớp học lại dột, cô trò dắt díu nhau chạy các góc. "Chúng tôi thường theo dõi thời tiết. Nếu thấy trời mưa kèm theo gió lớn thì cho trẻ nghỉ hoặc nhắc phụ huynh đón trẻ sớm"- cô Hà Thị Huê chia sẻ.
Điểm trường chính được đặt tại khu trung tâm của xã Sơn Lai. Xung quanh ngôi trường nhỏ chỉ có chiếc cổng và hàng rào được làm bằng… tre. Dẫn chúng tôi đi tham quan khuôn viên nhà trường, cô giáo Mai Thị Xuân Nga, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, điểm trường chính được xây dựng từ năm 2010. Gọi là điểm trường chính nhưng cũng chỉ có 5 phòng học kiên cố, trong khi số lượng trẻ đến lớp đạt trên 300 cháu. Nhằm khắc phục phần nào khó khăn thiếu phòng học, năm 2013, cùng với việc huy động sự đóng góp của nhân dân địa phương, xã Sơn Lai đã dành kinh phí để xây dựng thêm cho nhà trường 3 phòng học là dãy nhà cấp 4, lợp mái tôn. Tuy nhiên, hiện nhà trường vẫn còn thiếu ít nhất 8 phòng học nữa mới cơ bản đáp ứng nhu cầu học của trẻ. Vì thiếu phòng học, nên sĩ số trẻ ở mỗi lớp khá đông. Đến thăm lớp trẻ 3 tuổi- lớp có lượng trẻ đông nhất, lên đến hơn 60 cháu, chúng tôi cảm nhận rõ sự vất vả của cô và trò nhà trường. Là người có kinh nghiệm hơn 20 năm gắn bó với việc dạy học, cô giáo Phạm Thị Thuận được giao nhiệm vụ phụ trách lớp học đông nhất này. Cô Thuận cho biết, nhóm trẻ 3 tuổi còn nhỏ nên bên cạnh việc tiếp cận với các tiết học phù hợp với lứa tuổi thì trẻ vẫn cần sự chăm sóc tỉ mỉ, kỹ lưỡng từ giáo viên. Tuy nhiên, vì lượng trẻ trong một lớp quá đông, trong khi mỗi lớp cũng chỉ có 2 cô giáo nên việc chăm sóc và giáo dục trẻ gặp nhiều khó khăn.
Cô giáo Mai Thị Xuân Nga, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Lai cho biết, với lượng học sinh đông nên mỗi hôm có giờ học tạo hình, các cô lại phải đưa trò ra ngoài sân mới có đủ chỗ học. Còn đến giờ ngủ trưa, chúng tôi phải mượn phòng bên cạnh cho các cháu ngủ vì phòng quá chật. Thiết bị dạy học các cô có thể khắc phục được và đảm bảo. Nhưng đồ chơi ngoài trời, phục vụ vui chơi cho trẻ thì không điểm trường nào có sân chơi đủ 5 loại đồ chơi. Vì là điểm trường chính nên Phòng Ban giám hiệu cũng được đặt tại đây. Cơ sở vật chất phục vụ cho giáo viên cũng thiếu thốn đủ bề. Phòng họp chuyên môn - vốn là nhà ăn nay trở thành phòng làm việc của hiệu trưởng, hiệu phó, kế toán và cả nhân viên y tế.
Ông Đinh Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Sơn Lai cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn, song thời gian qua Sơn Lai đã dành nhiều ưu tiên đầu tư cho sự nghiệp giáo dục. Đến nay, xã đã xây dựng được Trường THCS đạt chuẩn Quốc gia mức 1, Trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2. Theo mục tiêu Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020, xã phấn đấu xây dựng Trường Mầm non Sơn Lai đạt chuẩn quốc gia vào năm 2016, hướng tới xã về đích nông thôn mới vào năm 2019. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này và quan trọng nữa là để thế hệ măng non của Sơn Lai được chăm sóc, học tập, vui chơi trong một môi trường được đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, Sơn Lai rất cần sự chung tay giúp sức của các cấp, các ngành, của các nhà hảo tâm. Bởi hiện nay, Sơn Lai vẫn là xã khó khăn của huyện Nho Quan.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng