Không gian góc chợ quê của Trường Mầm non Ân Hòa khá nhỏ. Đó là nơi tận dụng khoảng không gian của góc cầu thang nhưng được các cô giáo trang trí khá đẹp mắt. Những cành cọ già, theo thời gian đã ngả sang màu vàng óng được các cô bài trí khéo léo làm lối dẫn vào cổng chợ. Sạp hàng là chiếc chõng tre, bày biện nhiều sản vật của nhà nông. Đó là rổ lạc, rổ đậu, rá gạo, mớ rau, nải chuối, quả khế… chỗ thì bày những nông cụ như chiếc đó cua, thúng, rổ, rá, những chiếc quạt nan, chổi rơm, chiếc nón… hai bên chõng tre là những chiếc ghế nhỏ xinh, một bên dành cho người bán còn một bên dành cho người mua. Phân vai cho các bé làm "người bán", "người mua" xong, cô giáo Bùi Thị Lệ chăm chú quan sát các bé tự "giao thương" với nhau. Sự hồn nhiên của các "bà", các "mợ" tí hon trong phiên chợ quê đã khiến cho chúng tôi chảy tràn ký ức của tuổi thơ, về những ngày theo mẹ đi phiên chợ quê năm nào. Nơi đó, có một không gian chợ quê với đồng bánh đa vừng, xiên khoai sọ hoặc tấm bánh đúc… và những tiếng mặc cả, chào mời râm ran.
Cô giáo Bùi Thị Lệ chia sẻ, không chỉ riêng các cô trong trường, mà nhiều bậc phụ huynh, thậm chí là các bác phụ huynh cao tuổi cũng rất thích khi được ngắm nhìn không gian đặc biệt của góc chợ quê này. Nhiều bác phụ huynh lớn tuổi còn bày tỏ, nhìn các món hàng đồ ăn, thức dùng rất quê kiểng nho nhỏ xinh xinh, thậm chí là chỉ bằng mô hình thôi nhưng những chiếc vại sành, niêu đất; những nhúm hành, tỏi được buộc túm, treo trên cột… cũng gợi lại cho mọi người nhiều cảm xúc. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh cũng rất ủng hộ và còn sẵn sàng cung cấp cho không gian chợ quê những sản vật của nhà nông theo mùa vụ để phục vụ cho việc thực hiện nghiêm.
Cô giáo Trần Thị Yến, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ân Hòa cho biết, trong những năm qua, cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ thì nhà trường cũng rất quan tâm tổ chức các hoạt động hướng về nguồn cội, các hoạt động mang đậm tính giáo dục truyền thống của quê hương để qua đó tạo sự vui thích cho con trẻ mỗi ngày đến trường. Vì vậy, ngay khi xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, ý tưởng lập một góc chợ quê trong nhà trường đã được các cô giáo biến thành hiện thực.
Khi được hóa thân vào hình ảnh những bà, những mẹ vất vả, chân chất tự tay mang các sản vật do gia đình làm ra để buôn bán ngoài chợ, các em sẽ hiểu hơn về sự nhọc nhằn của những người nông dân, qua đó giáo dục cho các em về tình yêu lao động, về sự trân trọng đối với các sản vật do người nông dân làm ra. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động mua- bán sẽ giúp trẻ mở mang và phát triển khả năng ngôn ngữ. Các bé sẽ dùng những từ như "mời bà xơi khoai. Khoai này ngon lắm ạ" hoặc "mời cô vào ăn bát bánh đúc mắm tôm"… một cách rất tự nhiên, chững chạc nhưng không làm mất đi vẻ trong sáng, ngây thơ của con trẻ. Ngoài ra, bên cạnh hướng dẫn trẻ trong vai những người buôn bán và người mua, các cô giúp trẻ tiếp cận dần với các con số một cách hấp dẫn, lý thú và kích thích khả năng tư duy cho trẻ. Ví dụ như một củ khoai lang có giá là 2 nghìn, vậy các bé thử suy nghĩ xem hai củ khoai thì hết bao nhiêu tiền… Cô giáo Trần Thị Yến, Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm, cuộc sống hiện đại, trẻ em dễ bị hấp dẫn bởi các thiết bị điện tử. Vì vậy, tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh trong trường học có ý nghĩa rất quan trọng, được ngành giáo dục và đào tạo tỉnh nhà khuyến khích trong nhiều năm qua.
Từ hiệu quả thực tế của góc chợ quê, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động với quy mô lớn hơn, thu hút và có thể cho nhiều trẻ cùng tham gia vào một phiên chợ hơn. Để làm được điều đó, chúng tôi khuyến khích, động viên các cô tiếp tục phát huy tính sáng tạo, khéo léo để tự làm ra những mô hình, những biểu tượng đậm chất quê để giới thiệu trong các gian hàng chợ quê. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng vận động các bác phụ huynh tích cực đóng góp ý kiến và hỗ trợ bằng sản vật để tăng sức hấp dẫn cho mỗi gian hàng.
Bài, ảnh: Đào Hằng