Dự tại điểm cầu Ninh Bình có đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT, các sở, ngành liên quan; lãnh đạo phòng GD&ĐT và chuyên viên phụ trách công tác giáo dục mầm non các huyện, thành phố; đại diện cán bộ quản lý các trường mầm non trên địa bàn tỉnh …
Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2015-2016 của giáo dục mầm non cho thấy, trong năm học 2015-2016, mạng lưới trường lớp ngày càng phát triển; tỷ lệ trường lớp ngoài công lập tăng nhanh, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp tăng ở tất cả các độ tuổi. Chất lượng chăm sóc trẻ được nâng lên: Tỷ lệ trẻ học 2 buổi/ngày, tỷ lệ trẻ được ăn bán trú tăng; việc đổi mới phương pháp tổ chức hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ được đẩy mạnh. Cơ sở vật chất ngày càng được tăng cường: tỷ lệ phòng học kiên cố tăng 2,4%, số trường học có công trình bếp, công trình nước sạch, vệ sinh tăng. Đội ngũ giáo viên tăng nhanh về số lượng, chất lượng từng bước được nâng cao thông qua tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo.
Hiện cả nước có trên 5 nghìn trường chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ gần 35%, tăng 3,4% so với năm học 2014-2015. Tỉnh Ninh Bình có tỷ lệ trường học mầm non đạt chuẩn khá cao, chiếm 78,8%, đứng tốp đầu trong toàn quốc.
Nhiệm vụ năm học 2016-2017 được Vụ giáo dục Mầm non tập trung vào việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả kế hoạch hành động của ngành Giáo dục về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tăng cường thực hiện các giải pháp phát triển mạng lưới trường lớp; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non; đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm "lấy trẻ làm trung tâm"; nâng cao chất lượng tổ chức bữa ăn bán trú cho trẻ; hỗ trợ thực hiện chương trình giáo dục mầm non ở các vùng khó khăn; quan tâm giáo dục trẻ khuyết tật học hòa nhập…
Tại hội nghị, Vụ Giáo dục Mầm non cũng đã triển khai Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 2/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025".
Theo đó, việc thực hiện có chất lượng, hiệu quả Đề án nhằm tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường khả năng sẵn sàng cho trẻ mần non người dân tộc thiểu số đến trường tiểu học; nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học và giáo dục phổ thông vùng dân tộc thiểu số.
Mỹ Hạnh