Dự hội nghị có các đồng chí: Phạm Thị Hải Chuyền, UVT.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bùi Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình; đại diện Liên đoàn Lao động Việt Nam; Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam; Bộ Tư pháp; lãnh đạo Sở Lao động, thương binh và xã hội 63 tỉnh, thành phố cùng đại diện một số sở, ban, ngành của tỉnh Ninh Bình.
Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp giai đoạn từ 2009- 2012 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện trên toàn quốc qua 4 năm cho thấy, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động đã được khoảng 80% doanh nghiệp trong cả nước triển khai, từng bước đáp ứng nhu cầu của các đối tượng với các hoạt động phong phú, đa dạng. Căn cứ vào đặc thù ở từng địa phương, cơ sở, các hình thức tuyên truyền pháp luật như: họp tổ công nhân tự quản, thông qua tủ sách pháp luật, tư vấn pháp luật... đã góp phần nâng cao nhận thức cho công nhân lao động về các quy định của pháp luật về an toàn lao động, dạy nghề, bảo hiểm xã hội... Một số tỉnh, thành phố đã chủ động, tích cực triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, bước đầu mang lại kết quả rõ nét, góp phần giảm các tranh chấp lao động, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bùi Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình khẳng định: Những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong các loại hình doanh nghiệp theo Quyết định số 31/QĐ-TTg ngày 24-2-2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án "Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp" được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh quan tâm và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 1.700 doanh nghiệp với gần 90.000 công nhân lao động, tập trung trong các lĩnh vực: sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, da giày... Bằng nhiều hình thức và nội dung phong phú như: cấp phát tờ rơi, tài liệu, tọa đàm, đối thoại trực tiếp, thi tìm hiểu..., đến nay đã có gần 20.000 lượt người được tập huấn, tuyên truyền, tạo sự chuyển biến tích cực trong đại bộ phận người sử dụng lao động và người lao động tại các doanh nghiệp.
Qua công tác tuyên truyền, phổ biến cho thấy, người lao động đã cơ bản nắm được các chính sách, pháp luật liên quan đến chế độ, chính sách, quyền và lợi ích hợp pháp khi tham gia quan hệ lao động. Người sử dụng lao động cũng nhận thức rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định của pháp luật, góp phần hạn chế việc tranh chấp lao động, mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động từng bước được cải thiện.
Tại hội nghị, tham luận của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh, Liên minh HTX Thanh Hóa, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Vĩnh Phúc, Liên đoàn Lao động Việt Nam... đã làm rõ thêm các kết quả cũng như những tồn tại cần khắc phục trong thực hiện đề án giai đoạn 2009- 2012 và thống nhất phương hướng, nhiệm vụ thực hiện đề án giai đoạn 2013- 2016.
Kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền, UVT.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã triển khai và giao nhiệm vụ cho các cơ quan ở trung ương là thành viên Ban chỉ đạo đề án và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố cần quan tâm thực hiện tốt các nội dung công việc để đảm bảo kế hoạch đề án giai đoạn 2013- 2016 đạt kết quả: Đối với các cơ quan ở trung ương, cần quan tâm kiện toàn và phát triển lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật theo hướng chuyên sâu về lĩnh vực pháp luật; nghiên cứu đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đề xuất và đưa vào thực hiện những hình thức phù hợp với nhu cầu của các đối tượng. Đối với các tỉnh, thành phố cần quan tâm duy trì và kiện toàn ban chỉ đạo thực hiện đề án, bố trí kinh phí để triển khai có hiệu quả đề án, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị thực hiện đề án ...
Bùi Diệu