Đồng chí Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH; các đồng chí Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo HĐND, UBND, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Bí thư các Ban cán sự đảng, đảng đoàn; lãnh đạo các sở, ban, ngành; MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố; đại diện các tập thể, cá nhân được khen thưởng.
Sau 10 năm triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TƯ diện mạo nông thôn Ninh Bình đã có nhiều thay đổi, hạ tầng thiết yếu được cải thiện rõ rệt, đời sống của cư dân nông thôn được nâng lên.
Về sản xuất nông nghiệp, đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong cơ cấu cây trồng, vật nuôi; nhiều tiến bộ bộ khoa học kỹ thuật, thâm canh mới được đưa vào ứng dụng. Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành các quy hoạch về sản xuất, thủy lợi, phòng chống lũ; 100% số xã trong tỉnh đã thực hiện xong công tác đồn điền đổi thửa, góp phần thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất.
Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bước đầu đem lại hiệu quả rõ rệt trên tất cả các lĩnh vực và rất có tiềm năng để nhân ra diện rộng, thúc đẩy phát triển sản xuất… Nhờvậy nông nghiệp Ninh Bình luôn tăng trưởng ổn định (bình quân trên 2%/năm). Năm 2017, tổng giá trị sản xuất (giá so sánh năm 2010) đạt 8,43 tỷ đồng; giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt trên 110 triệu đồng (năm 2008 là 55 triệu đồng). Thu nhập của người nông dân được nâng lên (theo kết quả điều tra thống kê năm 2017 bình quân đạt 31,2 triệu đồng, bằng 91% bình quân toàn tỉnh, tăng gấp 3 lần so với năm 2008).
Công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) đã trở thành phong trào quần chúng sôi nổi và đạt kết quả tích cực, tỉnh ta được Trung ương đánh giá thuộc tốp đầu cả nước. Đến hết năm 2017, toàn tỉnh đã có 80/119 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 67,2%), có 01 huyện Hoa Lư đạt chuẩn huyện NTM, 01 thành phố Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; bình quân toàn tỉnh đạt chuẩn 17 tiêu chí/xã, không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí…
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số vấn đề như: phát triển kinh tế nông nghiệp, cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng NTM; công tác giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng NTM; phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức xã đạt chuẩn NTM; công tác lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang thực hiện các mô hình canh tác mới để nâng cao thu nhập, xây dựng NTM…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, đồng chí Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định, biểu dương những kết quả Ninh Bình đã đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khen thưởng cho các tập thể, cá nhân.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, ngoài 6 nhóm giải pháp chủ yếu đã nêu trong báo cáo, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ: Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về sự cần thiết, tất yếu và tầm quan trọng của thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng NTM đến các cấp, ngành, địa phương và người dân; thay đổi nhận thức về sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu.
Tập trung nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tạo điều kiện để nông dân và doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn về đất đai, nguồn vốn và thị trường, sản xuất ra các hàng hóa có sức cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu của hội nhập. Điều chỉnh Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng gắn với xây dựng NTM; thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất; chuyển mạnh từ sản xuất lấy số lượng làm mục tiêu sang sản xuất nâng cao chất lượng, hiệu quả, có giá trị gia tăng cao; lựa chọn phát triển các sản phẩm phát huy lợi thế so sánh của từng địa bàn.
Thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất nông nghiệp, giữ diện tích đất trồng lúa ở mức hợp lý, còn lại chuyển sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị cao khác. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp; nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất hiệu quả; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối thị trường tiêu thụ. Thúc đẩy toàn diện việc áp dụng VietGAP và các tiêu chuẩn tương tự trong sản xuất nông nghiệp.
Đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, khép kín từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, tiếp thị, xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương mại, người tiêu dùng, tạo động lực mới, tạo sự bứt phá cho sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cơ bản nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ cho cư dân nông thôn.
Tăng cường năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý ngành nông nghiệp từ tỉnh đến cơ sở. Nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban chỉ đạo và bộ máy giúp việc, đủ năng lực để tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ về tái cơ cấu và xây dựng NTM.
Nhân dịp này, 13 tập thể và 12 cá nhân có thành tích suất sắc trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 NQ/TƯ đã được UBND tỉnh tặng bằng khen.
Hà Phương- Đức Lam