Dự hội nghị có các đồng chí: Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Bùi Mai Hoa, TVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh; các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; một số HTX NN, HTX chuyên ngành, trang trại, gia trại tiêu biểu trên địa bàn.
Phát triển kinh tế nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm với nhiều chủ trương chính sách đã được ban hành. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp&PTNT, trong các năm 2016-2017, nguồn kinh phí cấp cho Sở để thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp là 108.363 triệu đồng, trong đó: Nguồn thu từ trồng rừng thay thế là 8.500 triệu đồng; xây dựng nông thôn mới 10.440 triệu đồng; tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai 2.500 triệu đồng; khuyến nông 6.600 triệu đồng; nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ 2.000 triệu đồng; hỗ trợ phòng chống thiên tai, dịch bệnh, khôi phục sản xuất 26.548 triệu đồng; phát triển lâm nghiệp 15.345 triệu đồng; phát triển thủy sản 2.300 triệu đồng; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững 31.530 triệu đồng...
Nhìn chung các chính sách của Trung ương và địa phương đã tạo điều kiện cho quá trình tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Nhiều chính sách cho phép ưu đãi với mức cao cho doanh nghiệp và nông dân và được giao cho chính quyền các địa phương quyết định cụ thể về mức ưu đãi, hỗ trợ phù hợp với khả năng ngân sách của từng địa phương. Quá trình thực hiện các chính sách đã được sửa đổi, bổ sung kịp thời, sát với tình hình thực tế, từ đó các huyện, thành phố triển khai có chế hỗ trợ thuận lợi, tạo động lực cho các xã phát triển sản xuất và phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới....
Tuy nhiên: công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương, cơ chế, chính sách còn hạn chế và nhiều doanh nghiệp và người dân chưa nắm được đầy đủ về cơ chế, chính sách của Trung ương và Tỉnh. Một số chính sách ban hành phạm vị bó hẹp, thời gian và hiệu lực ngắn. Quy hoạch phát triển sản xúat và hạ tầng cho sản xuất còn chưa đồng bộ, cơ cấu kinh tế trong ngành nông nghiệp còn chuyển biến chậm, chưa bền vững, chưa tạo lập mối liên kết giữa sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Nguồn lực đầu tư để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hỗ trợ hạ tầng sản xuất còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu...
Thông qua buổi tọa đàm nhằm nắm được tình hình sản xuất, kinh doanh, sự phát triển của các doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào nông nghiệp; những khó khăn và bất cấp; các cơ chế chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp và HTX; mối liên kết giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân...Trên cơ sở đó cần có sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành và địa phương trong công tác quy hoạch phát triển sản xuất; cải thiện cơ chế chính sách; giảm thiểu các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, HTX, trang trại, gia trại tiếp cận được và phát huy tốt các chính sách hỗ trợ của nhà nước trên có sở đó mà thúc đẩy kinh tế nông nghiệp tỉnh nhà ngày càng phát triển theo định hướng bền vững.
Buổi tọa đàm đã dành nhiều thời gian cho các đại biểu là các doanh nghiệp, HTX NN, HTX chuyên ngành tham gia ý kiến nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng và phát triển; các kiến nghị, đề xuất và tập trung vào các lĩnh vực: tiếp cận vốn của ngân hàng; tiếp cận nguồn vốn ưu đãi theo cơ chế chính sách; vấn đề quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; vấn đề tích tụ ruộng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng rộng đất...Đại biểu là các sở, ngành của tỉnh tiếp thu, giải trình, giải đáp các ý kiến liên quan đến sở, ngành mình.
Phát biểu tại tọa đàm, đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương và đánh giá cao Sở Nông nghiệp&PTNT cùng Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm này. Nông nghiệp là một mặt trận sản xuất quan trọng của tỉnh. Trong những năm gần đây nông nghiệp đã có sự chuyển hướng phát triển với việc chuyển dịch từ trồng trọt sang chăn nuôi, từ sản xuất theo số lượng sang sản xuất theo chất lượng, giá trị và hiệu quả. Đã bắt đầu hình thành một số mô hình sản xuất mới theo chuỗi hàng hóa, giá trị, phát triển nông nghiệp hữu cơ, bền vững...
Tuy nhiên, nông nghiệp của tỉnh nhà vẫn ở mức trung bình so với các tỉnh đồng bằng sông Hồng; sản xuất vần nhỏ, lẻ; sản xuất theo chuỗi giá trị đã có nhưng ít; sản xuất hàng hóa đã có, nhưng chưa nhiều; ứng dụng KHKT vào sản xuất còn chậm; vốn đầu tư cho nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu...
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Sở Nông nghiệp &PTNT cùng Liên minh HTX tỉnh tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, HTX trong hội nghị hôm nay báo cáo tỉnh nghiên cứu, xem xét. Sở Tài chính, Ngân hàng nghiên cứu tham mưu về cơ chế, chính sách, vốn vay cho các doanh nghiệp và HTX.
Sở Công Thương tăng cường công tác xúc tiến thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm; xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp. Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản tham mưu hướng dẫn các doanh nghiệp về cơ chế tích tụ ruộng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sở Khoa học và Công nghệ giúp đỡ các doanh nghiệp và HTX ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất.
Các huyện, thành phố cùng vào cuộc, đồng hành cùng doanh nghiệp, giúp đỡ doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn mình. Các doanh nghiệp, HTX, trang trại, gia trại liên kết chặt chẽ với nhau, triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất; tích cực, chủ động đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất.
Đinh Chúc- Đức Lam