Cô giáo Lê Thị Thanh Ngân, giáo viên Trường THCS Ninh Bình-Bạc Liêu (thành phố Ninh Bình), thành viên Tổ tư vấn tâm lý học sinh của trường cho biết, lứa tuổi học sinh THCS đang là lứa tuổi phát triển về tâm sinh lý, do đó các em rất cần có người để lắng nghe, tâm sự, chia sẻ.
Theo đó, bằng sự gần gũi, động viên, chia sẻ, chúng tôi luôn lắng nghe và giải đáp cho nhiều trường hợp học sinh có những thay đổi trong tâm sinh lý, như thích một người bạn khác giới; bị bố mẹ tạo áp lực trong học tập để đạt thành tích vào trường chuyên, lớp chọn; những mâu thuẫn, xích mích giữa các bạn với nhau trong học tập tại lớp, tại trường... Có những chuyện các em không chia sẻ với bố mẹ, người thân trong gia đình do sợ bị cấm cản, trách móc, nên các em sẽ chọn tâm sự với cô giáo mà các em tin tưởng, yêu quý.
Em Nguyễn Văn Thịnh, học sinh Trường THCS Ninh Bình-Bạc Liêu tâm sự với cô giáo về việc có một bạn gái trong lớp thích, có viết thư bày tỏ tình cảm với em, nhưng em không biết phải trả lời như thế nào để bạn hiểu và tập trung vào việc học tập. Qua tâm sự, trò chuyện với cô giáo Thanh Ngân giúp cho em hiểu ra rằng, đây là những thay đổi về tâm sinh lý bình thường của tuổi mới lớn, em cũng có thể có cảm tình hoặc thích một bạn nữ nào đó trong lớp, trong trường, nhưng cần hiểu đúng về tình bạn ở lứa tuổi này để xây dựng một tình bạn trong sáng, đẹp đẽ, động viên nhau cùng cố gắng trong học tập, rèn luyện. Thịnh cho biết, em đã làm theo những lời cô giáo chỉ bảo, tư vấn và hiện nay, em và bạn gái cùng lớp rất vô tư, thoải mái, quý mến nhau và cùng thi đua học tập để đạt kết quả cao nhất.
Được biết, hiện trên địa bàn thành phố có 13 trường THCS với hơn 10 nghìn học sinh đang theo học. Số lượng học sinh đông, trong khi các loại hình vui chơi, giải trí khác phát triển như các hàng quán phục vụ chơi games, ăn uống vặt xung quan các nhà trường khá nhiều, do đó việc đưa các em vào nề nếp học tập và sinh hoạt của các trường cần phải được quan tâm, quản lý thường xuyên.
Cùng với đó, do công việc bận rộn nên ở nhiều gia đình, việc quan tâm đến con cái chưa nhiều, còn phó thác cho nhà trường. Trong khi đó, ở lứa tuổi này, các em khá nhạy cảm vì sự phát triển tâm sinh lý của tuổi mới lớn, một số em gặp phải những khúc mắc trong cuộc sống nhưng không biết chia sẻ với ai.
Tâm lý bất ổn dễ sinh ra ức chế, nếu không được điều chỉnh, giải tỏa kịp thời rất dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, nhẹ thì chán học, bất cần; nặng thì trầm cảm, bỏ học, bỏ nhà theo bạn xấu; nghiêm trọng hơn là suy nghĩ cực đoan, gây hậu quả cho bản thân mình, để lại nỗi đau cho gia đình, người thân...
Theo đại diện Phòng GD&ĐT thành phố Ninh Bình, nhận thấy sự cần thiết phải hỗ trợ kịp thời cả vật chất lẫn tinh thần cho học sinh và thực hiện theo Thông tư 31 của Bộ GD&ĐT, 100% trường THCS trên địa bàn thành phố đã thành lập Tổ tư vấn tâm lý học sinh.
Tổ tư vấn gồm các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên các bộ môn xã hội và môn sinh học. Mục đích của Tổ tư vấn là: Phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp (khi cần thiết) đối với học sinh đang gặp khó khăn về tâm lý; hỗ trợ học sinh rèn luyện ý chí, bản lĩnh, niềm tin và kỹ năng sống để có thể đối mặt với các tình huống tiêu cực; xây dựng đời sống tinh thần lạc quan góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện…
Qua thực tế triển khai, hoạt động này đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, nhiều học sinh đã chủ động tìm đến để được tư vấn, tham vấn khi gặp tình huống khó xử. Hầu hết các em sau khi được nghe tư vấn đã cảm thấy yên tâm, thoải mái và từ bỏ hẳn những suy nghĩ tiêu cực, tập trung vào học tập. Từ khi các Tổ tư vấn đi vào hoạt động đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo học sinh cũng như các bậc phụ huynh, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường.
Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện công tác tư vấn tâm lý học sinh còn gặp một số khó khăn, bất cập, như các thầy, cô giáo làm nhiệm vụ tư vấn đều là kiêm nhiệm. Ngoài thời gian lên lớp, các thầy, cô giáo phải ở lại trường, dành thời gian gần gũi, nắm bắt tình hình, tâm lý học sinh để tìm hiểu và giải quyết các tình huống, sự việc. Mong muốn của những người làm công tác này là nên có chế độ phụ cấp để khuyến khích mỗi người làm việc tốt hơn.
Cùng với đó, quan tâm tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và cung cấp thêm các tài liệu về lĩnh vực này, để mỗi người tham gia có thêm điều kiện học tập, nắm bắt, tìm hiểu, phục vụ tốt hơn cho nhiệm vụ tư vấn tâm lý học sinh hiệu quả hơn. Từ đó giúp cho hoạt động tư vấn tâm lý học sinh trở thành nhu cầu thực sự cần thiết trong mỗi nhà trường, góp phần giúp đỡ về mặt tinh thần, giúp các em học sinh vượt qua giai đoạn khủng hoảng tâm lý tuổi vị thành niên.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh