Mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng các Tổ Dân vận đã đạt một số kết quả bước đầu đáng khích lệ, huy động lực lượng lớn mạnh, toàn diện của cả hệ thống chính trị ở cơ sở tham gia công tác vận động quần chúng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH ở địa phương.
Đồng chí Nguyễn Đức Bính, Phó ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết, thực hiện chủ trương thành lập Tổ Dân vận thôn, xóm, bản, khu dân cư (gọi tắt là Tổ Dân vận thôn), Ban Dân vận Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn số 03 và chọn một số xã, phường thực hiện thí điểm mô hình này. Về tổ chức, Tổ Dân vận thôn gồm từ 9 đến 11 thành viên, trong đó đồng chí Bí thư Chi bộ thôn làm Tổ trưởng, các thành viên là các đồng chí Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Chi hội trưởng các Chi hội cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Bí thư Chi đoàn, Trưởng ban giám sát cộng đồng… Các tổ đều xây dựng quy chế hoạt động rõ ràng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ và bí thư chi bộ.
Với chức năng, nhiệm vụ của mình, các thành viên của Tổ Dân vận thôn làm việc theo phương châm "đến từng nhà, gặp từng người" để giải thích, vận động bà con thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, các thành viên của Tổ đều là những cán bộ ở cơ sở có điều kiện gần gũi nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; tình hình dân tộc, tôn giáo; những tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, kịp thời báo cáo chi ủy, đề xuất giải pháp và là người trực tiếp vận động, hòa giải, xây dựng cộng đồng dân cư đoàn kết, giúp nhau cùng tiến bộ.
Ngoài ra, trong hoạt động của mình, các Tổ Dân vận thôn đã phối hợp chặt chẽ với Ban công tác Mặt trận, các chi hội đoàn thể vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước gắn với xây dựng mô hình "Dân vận khéo" tập trung giải quyết các vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở khu dân cư như an ninh trật tự thôn xóm; vệ sinh môi trường; vận động hiến đất làm đường giao thông nông thông; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; dồn điền đổi thửa; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở…
Các Tổ Dân vận đã tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân vừa tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vừa nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để có phương pháp vận động phù hợp. Tiêu biểu như Tổ Dân vận ở xóm 2, xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh) vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn; Tổ Dân vận thôn Lý Nhân, xã Yên Bình (thị xã Tam Điệp) vận động nhân dân thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường và văn minh đô thị; Tổ Dân vận thôn Bãi Trữ, xã Ninh Giang (huyện Hoa Lư) vận động nhân dân góp công, góp của xây dựng nhà văn hóa thôn; Tổ Dân vận xóm Cao Bích, xã Gia Lập (huyện Gia Viễn) vận động nhân dân tham gia các tổ tự quản giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường…
Cũng theo đồng chí Nguyễn Đức Bính, mô hình Tổ Dân vận thôn đã đi sâu, đi sát, nắm chắc diễn biến tâm trạng, nguyện vọng, tư tưởng của nhân dân, nhất là những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội; đề ra các giải pháp vận động, thuyết phục nhằm khơi dậy trách nhiệm công dân, tạo được sự đồng thuận xã hội để nhân dân tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trên cơ sở những kết quả bước đầu đã đạt được, trong thời gian tới Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá hoạt động của các Tổ Dân vận để từng bước nhân ra diện rộng, góp nâng cao chất lượng công tác vận động quần chúng trong tình hình mới.
Quốc Khang