Thời gian vừa qua đã xuất hiện dịch MERS-COV, EBOLA...khiến cả thế giới phải lo ngại. ở Việt Nam, dịch bệnh trên người và trên vật nuôi là gia súc, gia cầm mùa nào cũng có, như: dịch tả, sởi, sốt xuất huyết, bệnh tay, chân, miệng, bệnh Than... rồi các loại cúm A(H5N1, H5N6...); lở mồm, long móng, lợn tai xanh... Dịch bệnh có tác hại ghê gớm, không chỉ ảnh hưởng đến sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội mà còn tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người. Vì vậy, chung tay phòng, chống dịch bệnh vừa là nghĩa vụ cũng đồng thời là trách nhiệm của từng người, từng gia đình và cả cộng đồng xã hội.
Để huy động các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị- xã hội, từng gia đình và toàn xã hội chủ động tham gia đầy đủ, có hiệu quả vào các hoạt động phòng chống dịch bệnh, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, ngày 02-10-2015, ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số: 77/KH-UBND thực hiện Chương trình "Cộng đồng chung tay phòng chống dịch, bệnh" giai đoạn 2015- 2020 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu cụ thể của Chương trình là tăng cường sự tham gia của chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, chính trị- xã hội, các doanh nghiệp và cả cộng đồng dân cư trong các hoạt động phòng chống dịch bệnh. Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và trách nhiệm của người dân, cộng đồng để chủ động phòng chống dịch, bệnh theo khuyến cáo, hướng dẫn của ngành y tế. Huy động sự đầu tư, đóng góp nguồn lực của toàn xã hội và các tổ chức quốc tế cho các hoạt động phòng chống dịch.
Cách phòng chống dịch bệnh tốt nhất là không để dịch bệnh xảy ra. Khi dịch bệnh đã xảy ra thì khẩn trương khoanh vùng, dập dịch. Để thực hiện được điều đó, cần sự vào cuộc của cả cộng đồng. Trước hết, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị- xã hội cần xây dựng kế hoạch và chỉ đạo quyết liệt thực hiện Chương trình "Cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh", kiểm soát các yếu tố nguy cơ, không để xảy ra dịch bệnh lớn tại địa phương. Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông cơ sở nhằm cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và cách thức phòng chống, hạn chế lây lan cho cả cộng đồng. Đồng thời, tổ chức phát động hưởng ứng các phong trào phòng chống dịch bệnh tại địa phương nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và trách nhiệm của người dân, cộng đồng để chủ động phòng chống dịch. Lồng ghép có hiệu quả việc thực hiện Chương trình "Cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh" trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" của thôn, làng, bản, tổ dân phố. Tổ chức tốt ngày vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh cố định hàng tuần để huy động toàn thể nhân dân tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trụ sở cơ quan, trường học, doanh nghiệp… nhằm loại trừ các nguy cơ gây ra một số dịch bệnh. Đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh trong phong trào "sạch ruộng, sạch đường, sạch làng" và "Ba không: không sản xuất rau không an toàn; không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn; không kinh doanh phụ gia thực phẩm không có trong danh mục". Xây dựng các mô hình sản xuất lương thực, thực phẩm, chăn nuôi an toàn. Chủ động có biện pháp phòng chống dịch bệnh lây từ động vật sang người. Vận động các cơ sở kinh doanh, các hộ gia đình ký cam kết không vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc. Huy động các nguồn lực đầu tư và đóng góp của toàn xã hội, các tổ chức quốc tế cho công tác phòng chống dịch bệnh. Bố trí và lồng ghép các nguồn lực của địa phương với nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia như Chương trình "Xây dựng nông thôn mới", "Giảm nghèo bền vững" và các chương trình phát triển của các Bộ, ngành Trung ương để phòng chống dịch, bệnh. Tăng cường các hoạt động kiểm tra, nhất là kiểm tra các xã, phường, thị trấn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện kế hoạch Chương trình "Cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh" của UBND tỉnh ngay từ cơ sở. Theo dõi và giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động phát hiện sớm và khoanh vùng dập dịch kịp thời, không để lây lan ra diện rộng.
Nguyễn Đông