Tổ chức chuyên đề cấp tỉnh "Trải nghiệm STEAM môn nghệ thuật-mỹ thuật cấp THCS"
Thứ Năm, 21/12/2023, 06:05
Zalo
Chiều 21/12, Trường THCS Gia Thanh (Gia Viễn) đã tổ chức chuyên đề cấp tỉnh "Trải nghiệm STEAM môn nghệ thuật-mỹ thuật cấp THCS". Dự chuyên đề có các đồng chí lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo huyện Gia Viễn.
Tổ chức chuyên đề cấp tỉnh "Trải nghiệm STEAM môn nghệ thuật-mỹ thuật cấp THCS"
Dạy học theo định hướng giáo dục STEAM, giúp các em học sinh có thể phát triển toàn diện về mọi mặt. Các em có cơ hội ứng dụng kiến thức và kỹ năng vào thực tế, trải nghiệm kỹ thuật công nghệ khoa học, phát huy năng lực sáng tạo, tư duy và khả năng giải quyết vấn đề, nâng cao tinh thần đồng đội - khả năng làm việc nhóm. Đồng thời góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong công cuộc đổi mới giáo dục toàn diện hiện nay.
Thực hiện chuyên đề "Trải nghiệm STEAM môn nghệ thuật-mỹ thuật cấp THCS" tại Trường THCS Gia Thanh nhằm phát triển năng lực và phẩm chất học sinh, trong đó tập trung đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh, gồm 2 nội dung: Thực hiện trên sân khấu (gồm hoạt động trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, thực hành vẽ tranh về đề tài người lính qua các thời kỳ lịch sử, hoạt động nhận xét, đánh giá), hình thức thực hiện chia nhóm, trải nghiệm thực tế, thực hành và thuyết trình. Nội dung hoạt động hội chợ với 14 gian hàng bày bán các sản phẩm quà lưu niệm (len móc, kẽm, các sản phẩm từ đồ tái chế, tô tượng, các sản phẩm đồng quê, các sản phẩm tranh, viết chữ thư pháp, cây cảnh…).
Các em học sinh trình diễn các trang phục với họa tiết văn hóa của người dân tộc thiểu số.
Thông qua chuyên đề nhằm mục tiêu giúp các em hiểu được tính lịch sử, nền văn hóa, ý nghĩa của các hoa văn, họa tiết truyền thống của một số đồng bào dân tộc thiểu số. Bước đầu làm quen với thiết kế công nghiệp qua thực hành thiết kế trang phục và thiết kế trang trí quà lưu niệm. Thể hiện lòng biết ơn và tự hào về lịch sử vẻ vang của dân tộc thông qua việc thể hiện một số sản phẩm mỹ thuật 2D về đề tài người lính qua các thời kỳ lịch sử.
Qua đó rèn cho các em những kỹ năng quan sát, tìm kiếm, sử dụng một số vật liệu có sẵn để thiết kế sản phẩm. Rèn cho học sinh ý thức trách nhiệm trong thực hiện các nhiệm vụ: thực hành, sáng tạo ra sản phẩm, nghiêm túc trong việc đánh giá sản phẩm của nhóm và của bản thân. Xây dựng cho các em những năng lực chuyên biệt (quan sát và nhận thức thẩm mỹ, sáng tạo và ứng dụng thẩm mỹ, phân tích và đánh giá năng lực thẩm mỹ). Từ đó hình thành cho các em ý thức bảo vệ, giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc.