Ngay từ năm học đầu tiên, với sức trẻ, lòng nhiệt huyết, cô giáo Lan đã nhiệt tình tham gia vào BCH đoàn trường, phụ trách công tác văn thể. Nhà ở thành phố, đường sá đi lại khó khăn nên cô phải ở lại khu nội trú và cũng chính tại nơi đây, cô giáo Lan đã từng bước trưởng thành, trở thành tấm gương cho đồng nghiệp và học sinh thân yêu.
Trường THPT Nho Quan A kết nghĩa với hai đơn vị quân đội là Lữ đoàn pháo binh 241 và Trung đoàn xe tăng 202 thuộc quân đoàn I cùng đóng trên khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu. Nhà trường và các đơn vị quân đội thường tổ chức giao lưu với nhau nhân các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn của đất nước, của ngành, của đơn vị... Trong những cuộc giao lưu đó, cô giáo Lan đã yêu anh lính pháo binh và nên vợ nên chồng. Hơn 10 năm ở khu nhà tập thể nhà trường họ đã có 2 đứa con xinh xắn, ngoan ngoãn. Cũng hơn 10 năm ấy với bao nỗ lực vượt lên chính mình để đến hôm nay, cô giáo văn buổi đầu còn bỡ ngỡ, xa lạ với quê hương miền núi đã trở thành cô giáo dạy giỏi, Tổ trưởng tổ chuyên môn Văn- Sử.
Chồng là bộ đội, thi thoảng mới được về nhà, một mình nuôi hai con nhỏ, việc gia đình một mình gánh vác, không chỉ là việc nội trợ, chuyện đưa đón con tới lớp cũng là cả vấn đề khi lớp học của các con ở khá xa, tiền lương và thu nhập của gia đình thấp, nhà ở chật chội, thiếu thốn, ngặt nhất là những ngày trái gió trở trời con ốm, con đau... thật muôn vàn khó khăn đến với người giáo viên miền núi. Vậy mà, vượt lên tất cả, cô giáo Lan đã phấn đấu qua từng bài dạy, từng năm học để có được trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng. Trong con mắt những bạn đồng nghiệp, cô Lan là người chịu khó, ham học hỏi và tận tình giúp đỡ đồng nghiệp, nên năm học nào tổ chức thi học sinh giỏi tổ Văn - Sử do cô làm Tổ trưởng cũng đạt thứ hạng cao của trường. Rất nhiều năm lớp cô làm chủ nhiệm đều dẫn đầu các phong trào thi đua của nhà trường, và một vinh dự sắp đến với cô, khi cô được chi bộ nhà trường xem xét và chuẩn bị kết nạp vào Đảng.
Nói về những năm tháng gắn bó với mái trường THPT Nho Quan A, cô Lan cho biết: Thực sự lúc đầu mới chuyển đến trường chưa quen tôi cũng buồn lắm, xa thành phố náo nhiệt, ồn ào, lên với rừng núi xa xôi, ở khu nội trú nhiều khi thấy vắng vẻ, cô đơn. Thế rồi như là số phận, chuyện gia đình, chuyện công việc cuốn hút, kéo mình đi, nhiều khi không có thời gian để nghĩ, để buồn, để so sánh giữa trường thành phố với trường miền núi. Giờ thì tôi đã gắn bó với nơi này, với mái trường THPT Nho Quan A yêu dấu, gắn bó và thấy thân thương hơn với những thế hệ học sinh miền núi dù nghèo, nhưng lại rất hiền lành, chân thật. Chỉ tiếc là quê nghèo, trường lại thiếu thốn nên các em chưa đạt được đỉnh cao, nên cả cô và trò cần phải cố gắng nhiều hơn nữa…
Hạnh Chi