Đặc biệt, chương trình hỗ trợ lãi suất tiền vay theo các Quyết định số 131/QĐ-TTg và 443/QĐ-TTg được Chi nhánh triển khai, bước đầu đem lại những tín hiệu vui cho doanh nghiệp.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 1.000 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực từ xây dựng cơ bản, khai thác khoáng sản, chế biến nông - lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, khách sạn, nhà hàng, thương mại... Số lượng doanh nghiệp tăng nhanh nhưng phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực tài chính chưa đủ mạnh, phải dựa nhiều vào nguồn vốn vay của các ngân hàng. Vì vậy, nguồn vốn đầu tư của các ngân hàng trong đó có Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT Ninh Bình được coi là "cứu cánh", giúp các đơn vị chủ động tổ chức sản xuất.
Trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ lãi xuất cho vay ra đời đã mở ra cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Ông Bùi Văn Đạt, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT Ninh Bình cho biết: Ngay sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ lãi suất tiền vay, Ngân hàng đã tích cực triển khai thực hiện chủ trương của Chính phủ nhằm hỗ trợ lãi suất cho các khách hàng là doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình, cá nhân… vay vốn Ngân hàng để sản xuất, kinh doanh.
Với thủ tục vay vốn nhanh chóng, thuận tiện, đến nay Chi nhánh đã cho trên 7.000 khách hàng vay vốn theo diện được hỗ trợ lãi suất với tổng số tiền trên 6 tỷ đồng. Trong đó, khu vực nông nghiệp, nông thôn có 5.511 khách hàng vay với số tiền trên 1,6 tỷ đồng; khu vực công nghiệp chế biến có 419 khách hàng với số tiền trên 1,5 tỷ đồng; thương nghiệp, sửa chữa có 1.210 khách hàng với số tiền trên 2,1 tỷ đồng…
Công ty TNHH Bằng Tuyên là doanh nghiệp hoạt động lâu năm, có thương hiệu trong lĩnh vực kinh doanh vật tư nông nghiệp. Từ ngày thành lập đến nay, Công ty luôn gắn bó với bà con nông dân trong tỉnh thông qua cung ứng nguồn phân bón chất lượng cao với điều kiện thanh toán nhiều ưu đãi. Trong quá trình hoạt động, Công ty thường xuyên huy động những khoản vốn lớn để nhập hàng, có lúc phải vay ngoài thị trường tự do với lãi suất cao. Vì vậy, mỗi lần ngân hàng điều chỉnh lãi suất cho vay đều có tác động trực tiếp đến hoạt động của Công ty.
Theo bà Hoàng Thị Tuyên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Bằng Tuyên, đầu năm 2008, lãi suất ngân hàng được điều chỉnh theo xu hướng tăng mạnh, lúc cao lên đến 1,7%/tháng nên đã ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu huy động vốn và hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty. Vượt qua thời kỳ khó khăn, năm 2009 Công ty bắt đầu thực hiện mở rộng hoạt động kinh doanh nhưng lại gặp khó khăn về vốn. Khi đang tìm cách gỡ khó thì chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất của Chính phủ ra đời. Công ty đã lập hồ sơ vay vốn với số tiền 13 tỷ đồng từ Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Khánh. Nhận được nguồn vốn hỗ trợ lãi suất, Công ty đã nhập khoảng 5.000 tấn phân bón, vật tư nông nghiệp phục vụ bà con nông dân trong vụ mùa năm nay.
"Cung ứng vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón cho bà con nông dân, doanh nghiệp thường có chính sách bán trả chậm từ 3-5 tháng. Trong vụ đông xuân năm 2009, do lãi suất ngân hàng tăng cao nên mỗi kg phân bón trung bình phải chịu lãi 800 đồng, vì vậy Công ty buộc phải thu hẹp diện bán trả chậm. Bước vào vụ mùa năm nay, lãi suất đã giảm, lại được hỗ trợ 4% nên mỗi kg phân bón trả chậm chỉ phải chịu lãi khoảng 40 đồng. Với điều kiện như vậy, vụ mùa năm nay, chúng tôi dự kiến sẽ cung cấp trên 3.000 tấn phân bón theo hình thức trả chậm cho nông dân", bà Tuyên cho biết.
Bên cạnh đó, việc Công ty vay vốn theo chương trình hỗ trợ lãi suất, nhập thêm hàng và mở rộng thị trường cũng là một trong những giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng, tạo thêm việc làm cho người lao động. Hiện Công ty đang tạo việc làm cho 30 lao động, mức lương bình quân đạt 1,5-2 triệu đồng/người/tháng.
Cũng như Công ty TNHH Bằng Tuyên, đồng vốn Ngân hàng cho vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất cũng đã giúp Doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Thành Hóa chủ động đầu tư sản xuất, kinh doanh. Ông Phạm Đăng Khuyến, Giám đốc Doanh nghiệp Thành Hóa cho biết, từ khi thành lập đến nay, Doanh nghiệp đã xây dựng được nền tảng tương đối vững chắc trong lĩnh vực chế tác hàng thủ công mỹ nghệ, những mặt hàng như: Hộp cói, làn cói, nứa chắp... luôn có nét đặc trưng riêng và được khách hàng đánh giá cao.
Để đảm bảo đủ nguyên, vật liệu cung ứng cho 500 lao động thường xuyên và hàng chục nghìn lao động thời vụ tại 6 cơ sở trong tỉnh, Doanh nghiệp cần nguồn vốn lưu động tương đối lớn, khi Quyết định 131 của Chính phủ triển khai, Doanh nghiệp đã được Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT giải ngân lần đầu với số vốn 2,5 tỷ đồng. Từ nguồn vốn đó, Doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất, đặc biệt là việc đưa thêm dây chuyền làm chiếu trúc xuất khẩu tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhân dân một số xã khó khăn của huyện Nho Quan. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm, Doanh nghiệp đã xuất khẩu một số đơn hàng với giá trị trên 9 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 350 triệu đồng.
Bằng Tuyên và Thành Hóa là hai trong số hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ qua kênh vay vốn của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT tỉnh. Trong thời gian tới, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư phát triển sản xuất, Chi nhánh sẽ tiếp tục đơn giản thủ tục hành chính, nỗ lực rút ngắn thời gian thẩm định các dự án, triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất, "tiếp sức" cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.
Bài, ảnh: Quốc Khang