Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có tổng số 121 điểm giao dịch của các tổ chức tín dụng từ 4 chi nhánh ngân hàng thương mại Nhà nước; 5 chi nhánh ngân hàng thương mại ngoài quốc doanh; 1 chi nhánh ngân hàng chính sách, 1 chi nhánh ngân hàng phát triển, 1 chi nhánh quỹ tín dụng trung ương và 30 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở. Sự phát triển mạnh mẽ này cơ bản đáp ứng được nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong năm 2011, thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã cụ thể hóa bằng Đề án 109/ĐA-NBI về thực hiện các giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm pháp, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Kết quả bước đầu cho thấy, 5 tháng đầu năm, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng đạt 25.585 tỷ đồng, tăng 6,8% so với đầu năm, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó so với đầu năm, dư nợ cho vay lĩnh vực sản xuất vật chất tăng 19,1%; dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất giảm 11,5%.
Riêng đối với việc phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, từ khi thực hiện Nghị định 41/2010/NĐ- CP của Chính phủ đến cuối năm 2010, nguồn vốn huy động tại địa bàn đạt tốc độ tăng trưởng 49,3%, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay đạt 38,6%. Đã có 159 nghìn khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được vay vốn để sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống, thoát nghèo với dư nợ là 5.347 tỷ đồng. Có 3.598 tỷ đồng dư nợ cho vay phục vụ mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn được hỗ trợ lãi suất theo Quyết định số 497/QĐ-TTg và Quyết định số 2213/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 5 tháng đầu năm 2011, có 150 nghìn khách hàng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được vay vốn, doanh số cho vay đạt 2.287 tỷ đồng, dư nợ đến cuối đến cuối tháng 5 là 5.732 tỷ đồng, tăng 7,2% so với đầu năm (chiếm 22,4%/tổng dư nợ cho vay trên địa bàn); trong đó vay trung, dài hạn chiếm 51,5%, chủ yếu là cho vay cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh, doanh nghiệp; dư nợ cho vay để sản xuất, kinh doanh chiếm tỷ lệ lớn 49,2%, dư nợ cho vay xây dựng nhà ở chiếm 6,2%, dự nợ cho vay hộ nghèo chiếm 6,2%... mjTiêu biểu trong thực hiện chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn phải kể đến vai trò của Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT tỉnh. Với 41 điểm giao dịch, nằm chủ yếu trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn, ngân hàng Nông nghiệp & PTNT tỉnh đã có 29.150 khách hàng vay vốn thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chiếm 92,2% trong tổng số khách hàng của đơn vị, dư nợ cho vay đạt 3.583 tỷ đồng; đồng thời dư nợ cho vay được hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 497/QĐ-TTg là 5.580 triệu đồng, theo Quyết định 2213/QĐ-TTg là 3.350 triệu đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã cho 117 nghìn khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn, với dư nợ 1.394 tỷ đồng; có 38.938 khách hàng vay vốn được hỗ trợ lãi suất, với dư nợ 338 tỷ đồng. Ngoài ra, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân chiếm tỷ trọng 8,8%, của các chi nhánh ngân hàng thương mại khác chiếm 4,4%.
Tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, các ngân hàng trên địa bàn đang tích cực triển khai nghiêm túc các giải pháp khả thi như đa dạng hóa các hình thức huy động vốn phù hợp với các đối tượng khách hàng; sử dụng linh hoạt công cụ lãi suất để khuyến khích người gửi tiền, tiếp tục mở rộng mạng lưới huy động; đổi mới phong cách giao dịch; phát triển các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; cung ứng các dịch vụ ngân hàng nhằm huy động tối đa nguồn vốn nhàn rỗi tại địa bàn; điều chỉnh cơ cấu và kỳ hạn nguồn vốn phù hợp; tập trung, ưu tiên vốn cho vay phục vụ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, sản xuất làng nghề, sản xuất hàng xuất khẩu, chế biến nông sản, cho vay đối tượng nghèo, chính sách…, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới của tỉnh theo chương trình mục tiêu Quốc gia đặt ra.
Thanh Thủy