Vậy vì sao thanh niên nông thôn không "mặn mà" vào Đảng? Nguyên nhân thì có nhiều, song để "gỡ khó" cho vấn đề này cần có sự nhìn nhận thẳng thắn và có giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn của mỗi địa phương.
Khảo sát tại một số xã, chúng tôi nhận thấy hầu hết bí thư chi bộ các thôn, xóm đều là đảng viên cao tuổi, người thấp nhất đã "ngoại tứ tuần", người cao tuổi nhất đã sắp đến cái tuổi "thất thập cổ lai hy".
"Tre già, măng chưa mọc"
Ông Đinh Công Chữ là Bí thư Chi bộ thôn Lạc Bình 2, xã Thạch Bình (Nho Quan) năm nay đã gần 70 tuổi. Vợ ông Chữ ngồi bên cạnh nửa nói đùa, nửa như trách móc: "Từ khi làm bí thư chi bộ thôn, ông ấy còn vất vả hơn khi đang công tác. Già như thế này rồi mà hầu như ngày nào ông ấy cũng đạp xe đi khắp thôn để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy cấp trên, chung tay xây dựng nông thôn mới, đóng góp, ủng hộ quỹ khuyến học, mấy hôm nay là ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt".
Ông Chữ cho chúng tôi biết xã đang đẩy mạnh phong trào làm đường giao thông nông thôn để hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2021. Thôn Lạc Bình 2 đến nay đã thực hiện trên 70% đường bê tông, kể cả đường ngõ đi vào những hộ ở giáp núi cũng đã thuận tiện, sạch sẽ. Đối với một thôn có trên 97% dân số là đồng bào dân tộc có đạo thì đây là một kết quả đáng tự hào. Kết quả này đổi bằng công sức của những người đảng viên già như ông phải hàng ngày "đi từng ngõ, gõ từng nhà" tuyên tuyền về chủ trương xây dựng nông thôn mới cho bà con hiểu, bà con tin, bà con làm theo. Không những thế, một ông lão ở cái tuổi xưa nay hiếm lẽ ra được nghỉ ngơi thì ông lại cùng với thanh niên trai tráng trong thôn trực tiếp bê từng xô bê tông, vác từng bao xi măng đổ đường.
Khó khăn, vất vả là thế nhưng ông Đinh Công Chữ vẫn tận tâm "vác tù và hàng tổng" bởi 12 đảng viên trong Chi bộ phần lớn là đảng viên cao tuổi, người già nhất năm nay đã gần 90 tuổi, số lượng đảng viên trẻ đều đi làm ở các nhà máy, cơ quan, không có ai ở nhà để cùng ông san sẻ công việc. Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng ủy xã về công tác tạo nguồn phát triển đảng viên mới, Chi bộ cũng đã tích cực phát hiện bồi dưỡng lớp thanh niên kế cận. Tuy nhiên qua rà soát năm 2019, toàn thôn có 20 đoàn viên, thanh niên nhưng hiện tại cả 20 thanh niên đều đi thoát ly. Để "gỡ khó" trong công tác tạo nguồn phát triển Đảng, thôn đã vận động, bồi dưỡng những quần chúng ưu tú, đến nay đã bồi dưỡng được 1 đối tượng là chị Quách Thị Thế, năm nay đã 53 tuổi là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ và nông dân.
Theo ông Đặng Xuân Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Bình (Nho Quan), hiện xã có 23 chi bộ, trong đó có 18 chi bộ nông thôn thì tất cả các bí thư chi bộ đều từ 50 tuổi trở lên. Mặc dù tất cả bí thư chi bộ cũng như đảng viên cao tuổi trong chi bộ nông thôn đều rất gương mẫu, nhiệt tình với công tác phong trào, nêu cao tinh thần, trách nhiệm của người đảng viên, hoàn thành tốt các công việc được Đảng ủy giao phó. Tuy nhiên, khó khăn của đảng viên cao tuổi là thiếu sự sáng tạo, sức khỏe yếu không thể năng nổ, xốc vác đi đầu trong các phong trào để dẫn dắt người dân trên địa bàn.
Câu chuyện đảng viên cao tuổi đang phải gánh trên vai trách nhiệm "đi trước để làng nước theo sau" ở các địa phương không chỉ có ở xã Thạch Bình mà là tình trạng chung của nhiều vùng nông thôn trong tỉnh. Ông Đinh Ngọc Soát, Bí thư chi bộ thôn Xuân Hòa, xã Gia Xuân (Gia Viễn) cũng cho biết: Chi bộ thôn Xuân Hòa có 21 đảng viên thì hầu hết đảng viên có tuổi đời từ trên 50. Số đảng viên trẻ chỉ có vài người nhưng đều đi làm ở các khu công nghiệp. Việc triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đến người dân đều do những đảng viên cao tuổi phụ trách. "Chúng tôi giờ chỉ có tinh thần gương mẫu, nhiệt tình đi vận động quần chúng chứ không còn tuổi có thể xung kích trên mặt trận phát triển kinh tế như lớp trẻ. Tuy nhiên cái khó của Chi bộ là hiện nay không có nguồn thanh niên để bồi dưỡng kết nạp Đảng. Trong 2 năm vừa qua, Chi bộ không kết nạp được đảng viên nào. "Tình trạng này sẽ vẫn tiếp diễn trong những năm tiếp theo nếu các cấp ủy Đảng không có sự thay đổi mang tính chất đột phá nào về công tác phát triển đảng viên ở nông thôn", ông Soát phân trần.
Thiếu nguồn ở cơ sở
Thực tế hiện nay tình trạng "già hóa" đảng viên đang là vấn đề đặt ra ở nhiều chi bộ nông thôn. Đồng chí Mai Xuân Hiến, Bí thư Đảng ủy xã Gia Xuân, huyện Gia Viễn cho biết: Gia Xuân hiện có 10 chi bộ, trong đó có 5 chi bộ nông thôn. Thực tế ở các chi bộ nông thôn hiện nay đều là đảng viên cao tuổi từ 55 tuổi trở lên, hầu hết đảng viên là cán bộ nghỉ hưu về sinh hoạt ở địa phương. Hiện nay, phát triển đảng viên trong thanh niên nông thôn là rất khó khăn. Ngoài những thanh niên đi học các trường chuyên nghiệp thì dưới tác động của cơ chế thị trường, diện tích đất nông nghiệp của xã hầu hết đã chuyển đổi mục đích sang các hình thức khác. Hiện nay, xã chỉ còn hơn 100 ha đất canh tác. Người dân không còn ruộng, xã nằm gần các khu, cụm công nghiệp, tìm kiếm việc làm quá dễ dàng, thu nhập khá cao do đó tạo nên làn sóng "ly nông, ly hương" dẫn đến thiếu hụt lực lượng trẻ bám trụ với đồng ruộng để gắn bó sinh hoạt ở địa phương.
Trăn trở với vấn đề này, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Gia Xuân nói: "Nguồn phát triển đảng viên ở các thôn lẽ ra dựa vào lực lượng thanh niên, nhưng hiện nay lực lượng này số thì đi học, một số đi làm ăn xa hoặc làm trong các công ty, doanh nghiệp không có thời gian tham gia sinh hoạt Đảng. Số thanh niên ở nhà trình độ, năng lực hạn chế, lại thiếu ý chí phấn đấu, ngại tham gia sinh hoạt các đoàn thể hoặc không mặn mà nên khó có thể bồi dưỡng trở thành quần chúng ưu tú giới thiệu cho Đảng". Chính vì thế, trong 5 năm (2015-2020), Đảng bộ xã Gia Xuân chỉ kết nạp được 20 đảng viên mới, trong đó có 9 đảng viên nông thôn. Do nguồn đảng viên trẻ không có nên trong nhiệm kỳ xã đã bồi dưỡng kết nạp những quần chúng ưu tú cao tuổi, có đảng viên mới đã 57 tuổi. Điều này đã ảnh hưởng đến tính tiền phong, sức chiến đấu cũng như vai trò xung kích của các đảng viên và tổ chức đảng ở thôn, xóm.
Một trong những nguyên nhân là nhiều thanh niên hiện nay chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình không "mặn mà" với việc vào Đảng. Ông Đinh Ngọc Soát, Bí thư chi bộ thôn Xuân Hòa, xã Gia Xuân cho biết: Khi chúng tôi đi vận động, thuyết phục các đoàn viên, thanh niên tham gia vào các phong trào để bồi dưỡng kết nạp Đảng, các cháu đều bày tỏ quan điểm không muốn vào Đảng vì phải đi làm phát triển kinh tế gia đình, không có thời gian họp hành, sinh hoạt.
Bên cạnh đó, qua khảo sát ở nhiều Đảng bộ có chung một lo lắng là có không ít đảng viên mới sau khi được kết nạp đã xuất hiện tư tưởng thỏa mãn, dừng lại, phai nhạt mục tiêu, lý tưởng. Đây là một nguyên nhân làm cho một số tổ chức đảng có số lượng đảng viên đông nhưng vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu không cao.
Làm sao để tháo gỡ khó khăn trong phát triển đảng viên ở khu vực nông thôn? Câu hỏi này đã và đang là nỗi trăn trở của không ít đảng bộ, chi bộ. Để khắc phục vấn đề này, rất cần cấp ủy đảng ở mỗi địa phương, bên cạnh việc làm tốt công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, cần tập trung lãnh đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân để quần chúng thấy rõ vai trò lãnh đạo của Đảng, tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên. Đồng thời nâng cao hơn nữa nhận thức của cấp ủy đảng về tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên. Đặc biệt, cấp ủy đảng cần nhìn nhận thẳng thắn để tháo gỡ tình trạng quá cứng nhắc, cố tình gây khó dễ cho quần chúng trong quá trình phấn đấu, xét duyệt vào Đảng… Chỉ có như vậy, công tác phát triển đảng viên mới có thể đạt được kết quả như mong muốn.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm
Kỳ 2: Gỡ khó trong công tác phát triển đảng viên trẻ