Giá trị xuất khẩu giảm mạnh Theo báo cáo của Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu tháng 4 năm nay ước đạt 134,8 triệu USD, giảm 40,3% so với cùng tháng năm trước. Lũy kế kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm ước đạt 645,7 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó một số mặt hàng xuất khẩu giảm sút mạnh như: Quần áo các loại 10,4 triệu chiếc, giảm 38,1%; hàng thêu ren 27,4 nghìn chiếc, giảm 63,7%; xi măng, clanke 1.372,4 nghìn tấn, giảm 67,1%; găng tay các loại 1.414 nghìn đôi, giảm 30%; kính quang học 328,8 nghìn chiếc, giảm 53,1%...
Tuy nhiên, một số sản phẩm xuất khẩu vẫn tăng khá như: Giày dép các loại 10,7 triệu đôi, tăng 18,1%; camera và linh kiện điện thoại 55,9 triệu sản phẩm, tăng 4,6%; cần gạt nước 3,6 triệu chiếc, tăng 83,5%; đồ chơi trẻ em 2.904 nghìn chiếc, tăng 9%; phôi nhôm 5,2 nghìn tấn, tăng 15,5%.
Hoạt động nhập khẩu cũng giảm mạnh, trong tháng 4, giá trị nhập khẩu ước đạt 185,3 triệu USD, giảm 24,9% so với cùng tháng năm trước. Tổng giá trị nhập khẩu 4 tháng đầu năm ước đạt gần 1.008 triệu USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: Linh kiện điện tử 492,4 triệu USD; linh kiện ô tô đồng bộ các loại 333,4 triệu USD; vải may mặc 20,6 triệu USD; phụ liệu may mặc 31,4 triệu USD; phụ liệu sản xuất giày dép 60,1 triệu USD.
Ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Do tác động của dịch bệnh nên lượng cung - cầu của thị trường, các hoạt động giao thương giữa Việt Nam và các nước bị hạn chế. Nhu cầu nhập khẩu hàng hóa không quá thiết yếu như hàng dệt may, da giày, hàng thủ công mỹ nghệ, linh kiện điện thoại, xi măng - clanke…, là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh bị suy giảm đáng kể, đặc biệt vào tháng 3, 4 và dự kiến sẽ tiếp tục trong quý II.
Ngoài ra, trong bối cảnh dịch COVID-19, hàng hóa xuất khẩu của tỉnh bằng đường hàng không bị ảnh hưởng đáng kể do nhiều chuyến bay bị hoãn, hủy hoặc cắt giảm. Các quy định liên quan đến kiểm soát dịch của các nước nhập khẩu gây đình trệ việc thực hiện các đơn hàng xuất khẩu đã ký kết dẫn đến hàng tồn kho nhiều, nhất là các doanh nghiệp dệt may, giày dép.
Như vậy, sau khi đạt mức tăng trưởng khá tích cực trong 2 tháng đầu năm, giúp cho kim ngạch xuất khẩu quý I tăng 4,7% so với cùng kỳ. Nhưng bắt đầu từ nửa cuối tháng 3,dịch bệnh đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến các thị trường đối tác thương mại lớn của Việt Nam là Mỹ, EU, Nhật Bản..., do vậy kim ngạch xuất khẩu tháng 3 của tỉnh đã giảm 7,8% so với cùng tháng năm trước.
Đặc biệt, bước sang tháng 4, hoạt động xuất khẩu đã chịu tác động mạnh mẽ từ đại dịch COVID-19 khi kim ngạch xuất khẩu giảm trên 40% so với cùng kỳ. Sở Công thương cũng đã xây dựng kịch bản theo 2 khả năng: "Nếu dịch bệnh cơ bản được dập tắt vào cuối quý II/2020", dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm 2020 giảm 10% so với kế hoạch. "Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài và cơ bản được dập tắt vào quý III/2020", dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm 2020 sẽ giảm từ 30-40% so với kế hoạch. Trên cơ sở các kịch bản đã xây dựng, tỉnh cũng đã chủ động đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn đà suy giảm của hoạt động xuất, nhập khẩu.
Tìm kiếm các cơ hội
Theo ông Hoàng Trung Kiên, mặc dù hoạt động xuất nhập khẩu đang gặp khó khăn nhưng dự kiến xuất khẩu sẽ tăng trở lại trong nửa cuối năm khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam. Thời điểm này, tình hình kiểm soát và khống chế dịch bệnh COVID-19 ở Trung Quốc, Hàn Quốc có kết quả tích cực. Các nước khác cũng đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh… Nhiều quốc gia từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế trong bối cảnh cuộc chiến chống dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn. Do đó, nhu cầu được dự báo sẽ dần tăng trở lại trong thời gian tới.
Hiện Sở Công thương đang xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU trên địa bàn tỉnh. Đôn đốc các doanh nghiệp, HTX hoàn thiện đề án tham gia chương trình phát triển thương mại điện tử địa phương năm 2020. Tiếp tục phổ biến thông tin thị trường và tổ chức cấp C/O ưu đãi cho các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn và các tỉnh lân cận.
Song song với đó, ngành Công thương cũng triển khai các Đề án xúc tiến thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Tiếp tục đẩy mạnh phố biến thông tin thị trường các nước đã ký Hiệp định FTA với Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khai thác có hiệu quả hơn nữa các cơ hội mà các Hiệp định này mang lại, bù đắp sụt giảm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Công thương nắm bắt thông tin về khả năng cung ứng nguồn nguyên liệu trong nước, cập nhật thường xuyên thông tin phổ biến đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Các cấp, các ngành trong tỉnh cũng đã phối hợp triển khai kịp thời, hướng dẫn các doanh nghiệp về các chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19; Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thu đất; Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19...
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai quyết liệt các đề án hỗ trợ doanh nghiệp từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2020, đặc biệt là các đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất, hỗ trợ tư vấn cung cấp thông tin và phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển.
Trong thời gian này, ngành Công thương cũng đã tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp về thu hút lao động, việc làm, thị trường xuất khẩu, thủ tục thông quan và các thủ tục hành chính có liên quan...
Nguyễn Thơm