Những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5, tại các trường THPT trong tỉnh, các nhà trường đều tổ chức hướng dẫn kỹ lưỡng cho học sinh thực hiện hồ sơ, điền đầy đủ thông tin, tránh sai sót. Đồng thời, tư vấn cho các em chọn nguyện vọng ĐKXT đại học, cao đẳng phù hợp với năng lực, điều kiện bản thân.
Trường THPT Nguyễn Huệ (thành phố Tam Điệp) năm học 2020-2021 có 372 học sinh, với 9 lớp. Theo thống kê của nhà trường, có 5 lớp chọn bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và 4 lớp đăng ký bài thi tổ hợp Khoa học xã hội.
Cô giáo Trương Thị An, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Có khá nhiều học sinh chọn thi khối D (Toán, Văn, Anh), bởi đó là môn thi bắt buộc và tiếng Anh cũng là môn được học sinh nhà trường quan tâm, đầu tư và phấn đấu học tập từ những năm lớp 10.
Em Đinh Hoàng Anh, học sinh lớp 12D cho biết, em đã tìm hiểu rất kỹ các trường để chọn thi khối D mà mình theo học. Được các thầy, cô giáo tư vấn thêm thông qua đánh giá năng lực học tập của mình, nên em chọn nguyện vọng 1 vào trường Đại học Hà Nội, chuyên ngành ngôn ngữ Nhật. Các nguyện vọng tiếp theo được em cân nhắc đăng ký tuyển sinh vào các trường đại học có khoa ngoại ngữ, đạt được nguyện vọng được học song ngữ trong trường đại học.
Cũng theo cô giáo Trương Thị An, Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Huệ, để học sinh đăng ký hồ sơ và lựa chọn đúng trường học sau khi tốt nghiệp, nhà trường tổ chức hướng dẫn cho học sinh rất kỹ. Chúng tôi hướng dẫn và định hướng cho các em, cần xác định chính xác có sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học hay không, từ đó có quyết định đúng đắn trong việc chọn tổ hợp môn thi. Để tránh sai sót, nhà trường cũng lưu ý học sinh nên ghi nháp trước khi điền thông tin trên hồ sơ đăng ký.
Điểm mới của kỳ thi đại học năm 2021 là các em có thể lựa chọn 1 trong 2 phương thức đăng ký xét tuyển đại học trực tiếp hoặc trực tuyến. Tuy nhiên, hầu hết học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ chọn đăng ký trực tiếp qua hồ sơ tuyển sinh, để thầy, cô hỗ trợ rà soát dữ liệu thông tin, như mã trường, mã ngành, tên ngành, tổ hợp xét tuyển... Chúng tôi cũng tư vấn cho học sinh không nên chọn quá nhiều nguyện vọng, mỗi em chỉ nên chọn đăng ký khoảng 5 nguyện vọng là phù hợp... - cô An chia sẻ.
Tại Trường THPT Bình Minh (huyện Kim Sơn), nhiều năm học gần đây, việc chọn ngành, chọn trường của học sinh thường căn cứ trên năng lực, nguyện vọng và khả năng của các em cũng như của gia đình. Bản thân học sinh sẽ là người quyết định. Nhà trường chỉ làm công tác định hướng, cung cấp thông tin và hỗ trợ học sinh. Điều này giúp học sinh thấy thoải mái, cảm thấy được tin tưởng và được quyết định theo nguyện vọng, ước mơ của mình, như thế các em sẽ nỗ lực phấn đấu để đạt được mục tiêu đề ra.
Thầy giáo Phạm Đức Nghĩa, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bình Minh cho rằng, tương lai của học sinh phải do chính các em lựa chọn và các em phải chịu trách nhiệm với quyết định của chính mình. Đây là điều khá khó đối với các em, nên rất cần sự tư vấn, định hướng, phân tích và cả động viên của thầy cô và gia đình. Do đó, ngay từ năm học lớp 10, đặc biệt từ đầu năm học lớp 12, chúng tôi đã tổ chức các buổi tư vấn nghề nghiệp, các tiết dạy hướng nghiệp, giúp học sinh chủ động định hướng, lựa chọn được ngành nghề theo học của mình sau khi tốt nghiệp.
"Những năm trước, nhiều học sinh khối 12 của trường chọn khá nhiều nguyện vọng, có em chọn đến 10 nguyện vọng. Đó là do tâm lý các em sợ trượt, không trúng tuyển. Tuy nhiên, vài năm gần đây, việc tuyên truyền, dạy học hướng nghiệp đã giúp các em biết rõ năng lực học tập của mình, tìm hiểu kỹ chỉ tiêu, ngành nghề, cơ hội việc làm, môi trường học tập, mức học phí... Sau khi tìm hiểu kỹ, các em chọn nguyện vọng phù hợp dễ trúng tuyển và xác định sẽ nhập học nếu trúng tuyển..." - thầy giáo Phạm Đức Nghĩa chia sẻ.
Năm nay, Trường THPT Bình Minh có 339 học sinh lớp 12, với 10 lớp. Đến thời điểm này, tất cả học sinh đều đã mua đủ hồ sơ dự thi theo nhu cầu, trung bình mỗi em mua 5 bộ hồ sơ. Nhà trường cũng đã triển khai cho học sinh đăng ký tổ hợp thi, điền thông tin cá nhân, tiếp nhận hồ sơ để nhập dữ liệu trên hệ thống. Đồng thời hướng dẫn học sinh viết phiếu đăng ký dự thi đúng, hướng dẫn những học sinh được miễn, giảm môn thi, điểm ưu tiên....
Được biết, hiện nay, nhiều trường ĐH công bố phương án xét tuyển, trong đó sử dụng nhiều phương thức khác nhau, mỗi phương thức có tỷ lệ xét tuyển phù hợp. Theo đó, học sinh cần tham khảo kỹ thông tin về đề án tuyển sinh của các trường. Nếu thấy phù hợp thì nên tham gia các phương thức như xét tuyển bằng học bạ, bằng điểm bài thi năng lực… Tuy nhiên, phần lớn các trường vẫn dành tỷ lệ lớn chỉ tiêu cho xét tuyển bằng điểm thi THPT, nên học sinh cần tập trung ôn tập để thi đạt kết quả tốt nhất, tập trung vào các môn thi có tổ hợp xét tuyển theo khối, ngành các trường đã công bố.
Dự thảo quy chế tuyển sinh năm nay gần như không thay đổi so với năm trước. Những sửa đổi, bổ sung của quy chế theo hướng có lợi cho thí sinh, như được điều chỉnh nguyện vọng 3 lần thay vì 1 lần như năm trước; thí sinh có thêm lựa chọn đăng ký trực tuyến hồ sơ xét tuyển sinh ĐH bên cạnh hồ sơ giấy… Đây là những thuận lợi cho thí sinh nhằm thêm cơ hội chọn được ngành học, nghề nghiệp phù hợp với sở trường. Từ đó, khi vào học, sinh viên mới có niềm đam mê học tập tốt, phát huy hết năng lực, sở trường của mình.
Bài, ảnh: Hạnh Chi