Tìm hiểu cội nguồn qua không gian trưng bày hiện vật "Lịch sử chiếm cư của cư dân cổ Tràng An"
Chủ Nhật, 15/11/2020, 07:20
Zalo
Tại Bến thuyền Khu du lịch sinh thái Tràng An, Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An, Ban quản lý khu du lịch Tràng An phối hợp với Chuyên gia Viện khảo cổ học đã bố trí một không gian trưng bày khảo cổ học với hàng nghìn hiện vật phong phú về loại hình, đa dạng về chất liệu mang chủ đề "Lịch sử chiếm cư của cư dân cổ Tràng An".
Tìm hiểu cội nguồn qua không gian trưng bày hiện vật "Lịch sử chiếm cư của cư dân cổ Tràng An"
Quần thể danh thắng Tràng An có giá trị nổi bật toàn cầu với tiêu chí số 5 của một di sản văn hóa thế giới. Tràng An chứa đựng các bằng chứng cho thấy sự thích ứng của con người trước sự biến động khắc nghiệt của môi trường tự nhiên từ 30 nghìn năm trước cho đến nay, với 3 giai đoạn gắn liền với các thời điểm trước, trong và sau biển tiến.
Những hiện vật tiêu biểu được phát hiện trong quá trình thăm dò, thám sát 30 di tích khảo cổ học thời tiền sử được phát hiện trong Quần thể danh thắng Tràng An đã được Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An, Ban Quản lý khu du lịch Tràng An phối hợp với Chuyên gia Viện khảo cổ học bố trí, sắp xếp, trưng bày ngay tại Bến thuyền Khu du lịch sinh thái Tràng An. Qua đó, phần nào giúp đông đảo du khách thăm quan trong nước và quốc tế hiểu hơn về Tràng An, về văn hóa, tập tính cư trú, tập tính sử dụng đất và biển của người cổ Tràng An.
Bố cục gian trưng bày thể hiện 3 giai đoạn lịch sử: Giai đoạn trước biển tiến (từ 30.000 năm đến 9.000 năm), khi Tràng An còn là lục địa, những người đầu tiên đến tụ cư ở Tràng An cư trú trong các hang động, sử dụng công cụ đá đẽo thô sơ, tiến hành săn bắt, thu lượm động, thực vật trên cạn, hình thành văn hóa hậu kỳ Đá cũ độc đáo.
Giai đoạn biển tiến (từ 9.000 đến 4.000 năm) khi Tràng An trở thành biển đảo, nước biển dâng cao. Con người vẫn cư trú trong các hang động, phát triển kỹ thuật mài đá, phát minh đồ gốm, tiến hành đánh bắt cá, thu lượm các loài nhuyễn thể biển, tạo dựng văn hóa sơ kỳ Đá mới đặc sắc ở ven rìa châu thổ Bắc Bộ.
Giai đoạn sau biển tiến (từ 4.000 năm đến nay) Tràng An lại trở về lục địa, sau 4.000 năm, nước biển rút xuống, Tràng An lộ dần hình hài như ngày nay, cư dân cổ cũng bắt đầu chuyển dần ra vùng rìa ngoài Tràng An để mưu sinh theo xu hướng nông nghiệp cố định, từng bước tiếp cận kỹ thuật mới, tiến vào xã hội văn minh thời đại kim khí.
Nhiều mẫu vật độc đáo được trưng bày tại gian trưng bày hiện vật.
Bên cạnh các mẫu hiện vật tiêu biểu, độc đáo về dụng cụ lao động bằng đá, các xương động vật, các vỏ nhuyễn thể, các mẫu hóa thạch, các vò, hũ, lọ bằng gốm, sành, gạch, nhạc cụ… tại đây còn có các bức tranh bức tranh minh họa rất sinh động về các hoạt động săn bắn, hái lượm, sinh hoạt gia đình, sinh hoạt cộng đồng, chế tạo đồ gốm giúp cho người xem dễ dàng hình dung hơn về cuộc sống của người tiền sử ở Tràng An.
Hoàng Thu Trang, một du khách đến từ Bắc Ninh sau khi thăm quan gian trưng bày hiện vật "Lịch sử chiếm cư của cư dân cổ Tràng An" tỏ ra hứng thú. Trang chia sẻ: em thực sự rất bất ngờ, không thể tưởng tượng được trước đây Tràng An là một vùng biển. Rất thú vị khi từ xa xưa, người ta đã biết làm các đồ trang sức như vòng đeo tay xâu chuỗi bằng vỏ ốc, bằng xương động vật…Nơi này thực sự đã khơi dậy trong em tâm thức tìm về nguồn cội, niềm đam mê khám phá truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc.
Ông Nguyễn Thành Tuyên, Trưởng phòng Nghiệp vụ Nghiên cứu, Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An cho biết: Những năm qua, chính quyền và nhân dân Ninh Bình đã có nhiều nỗ lực để bảo tồn giá trị nguyên vẹn của di sản Tràng An cũng như quảng bá những giá trị văn hóa và thiên nhiên của Tràng An đến với đông đảo khách thăm quan trong nước và quốc tế.
Góc trưng bày "Lịch sử chiếm cư của cư dân cổ Tràng An" cũng nhằm mục tiêu trên và còn là cơ sở cho việc xây dựng một bảo tàng di sản tại Tràng An, quảng bá tốt hơn nữa cho Di sản đặc sắc này.