Năm 2010 huyện có tới 200 ha lúa bị chết do nhiễm mặn và hơn 1.500 ha khác bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Vì vậy, ngành nông nghiệp đang nỗ lực cùng với các viện nghiên cứu, các nhà khoa học tìm những giống lúa chống chịu được ảnh hưởng của nhiều mặn để đưa vào phục vụ sản xuất.
Cây lúa vốn là cây trồng truyền thống của người dân ven biển Kim Sơn. Tuy nhiên, những năm gần đây, thời tiết diễn biến thất thường, nắng hạn liên tục kéo dài, lượng mưa giảm dẫn đến tình trạng đất ruộng bị nhiễm mặn ngày càng cao. Theo Sở Nông nghiệp & PTNT, xâm nhập mặn thường lấn sâu vào các cửa sông: Năm 2009, độ mặn tại Tân Hưng, Phát Diệm cách biển 15 km là 15%, tại cầu Hội, cách biển 22 km là 10%. Độ mặn ăn sâu từ 20-25 km trên sông Đáy và 10-15 km trên sông Vạc. Diện tích bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn vào khoảng 1.500 ha và diện tích bị thiệt hại là 200 ha. Hiện tượng này có dấu hiệu gia tăng nhất là vào giai đoạn đổ ải vụ đông xuân.
Ông Nguyễn Văn Chính, chủ nhiệm HTX nông nghiệp Cồn Thoi (Kim Sơn) cho biết: Năm 2010, chúng tôi mất đến 60% diện tích lúa do nhiễm mặn, nông dân phải cấy đi cấy lại nhiều lần.
Ông Trần Đình Toàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT cho biết: Kim Sơn và Yên Khánh là hai huyện thường xuyên bị ảnh hưởng của hiện tượng xâm nhập mặn, đặc biệt là trong vụ xuân. Để đối phó với tình trạng này, Sở đã đề xuất phương án xây các hồ chứa nước ngọt, trong đó có 1 hồ đặt ở Nông trường Bình Minh và một hồ nằm ngoài đê Bình Minh III.
Nhưng có lẽ giải pháp quan trọng và có thể tiến hành ngay được đó là tìm ra bộ giống lúa thích hợp để canh tác trong điều kiện nhiễm mặn. Từ năm 2011, Trung tâm chuyển giao công nghệ và khuyến nông, Viện KHNN Việt Nam đã chọn Kim Sơn là địa điểm để thực hiện đề tài "Đánh giá khả năng thích ứng của một số dòng, giống lúa thuần mới, chất lượng cao tại vùng bị xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu".
Ông Bùi Văn Miên, xóm 7b, xã Cồn Thoi (Kim Sơn) là hộ nông dân được chọn tham gia mô hình cho biết: Lo ngại lớn nhất của các hộ sản xuất lúa chúng tôi hiện nay là thời tiết ngày càng bất thường, xâm nhập mặn gay gắt. Năm 2010, gia đình tôi mất trắng 1/2 diện tích lúa do nhiễm mặn.
Vụ này có một số giống lúa có tính chống chịu mặn được Trung tâm chuyển giao công nghệ và khuyến nông, Viện KHNN Việt Nam giới thiệu cho chúng tôi cấy thử. Kết quả bước đầu rất khả quan, lúa dễ cấy, dễ chăm bón, phát triển tốt, khả năng sẽ cho năng suất cao hơn giống cũ 10-15%.
Anh Nguyễn Văn Miên, xóm 6, Cồn Thoi, nhận định: Qua 2 vụ sản xuất, hiện các giống như: HT6, TL6, J01, J02, đang có nhiều triển vọng đối với điều kiện sản xuất ở đây.
Theo TS. Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm chuyển giao công nghệ và khuyến nông, Viện KHNN Việt Nam: Lúa là cây trồng nhạy cảm với độ mặn nên vấn đề đất nhiễm mặn là một yếu tố khó khăn nhất đối với vùng trồng lúa ven biển Việt Nam trong đó có Kim Sơn. Trước khi chờ các giải pháp công trình thì việc đưa các giống có khả năng thích ứng biến đổi khí hậu có thể mang lại hiệu quả tức thời, đó là nguyên nhân chúng tôi thực hiện đề tài này.
Trong 13 dòng, giống lúa được đưa vào khảo nghiệm (HT6, TL6, QR1, BT09, LT25, J01, J02, ĐS1, XT27(SH2), M17, M15, M12, M10) chắc chắn sẽ tìm được một số giống lúa thích ứng với điều kiện nhiễm mặn ở Kim Sơn, kèm với đó là việc xác định thời vụ gieo cấy phù hợp trách được điều kiện mặn gay gắt ở các thời kỳ mẫn cảm của cây lúa; xác định biện pháp canh tác phù hợp như tuổi mạ, làm đất, bón phân, giữ nước. Đề tài sẽ tiếp tục được thực hiện và chín thức công bố kết quả trong năm 2013.
Hà Phương