Để chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, đặc biệt là dịch cúm trên đàn gia cầm, một trong những biện pháp quan trọng là việc tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại, vệ sinh chăn nuôi, nhất là mỗi khi có điểm dịch xảy ra hoặc vùng lân cận đang có dịch. Ông Đỗ Văn Miền, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Mới đây vào dịp cuối năm 2015, ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Nam Định xuất hiện dịch cúm A H5N6 trên đàn gia cầm. Nắm bắt được tình hình này, Sở NN&PTNT tỉnh đã chỉ đạo Chi cục Thú y thành lập một chốt kiểm dịch tạm thời tại đầu cầu Non Nước nhằm ngăn chặn, kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm từ Nam Định sang; tiến hành tiêu độc, khử trùng các phương tiện giao thông đi từ vùng dịch vào địa bàn.
Bên cạnh đó, các chốt kiểm dịch lưu động cũng đã được thành lập nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có giấy kiểm dịch.
Sở cũng thông báo cho tất cả các địa phương yêu cầu không vận chuyển, mua bán các sản phẩm gia cầm có nguồn gốc từ Nam Định; chỉ đạo UBND cấp xã có biện pháp quản lý chặt chẽ đàn vịt chạy đồng; hướng dẫn, vận động người nuôi hạn chế tối đa việc chăn thả vịt trên các tuyến sông, kênh, rạch có cùng dòng nước đi qua liên huyện, liên tỉnh nhằm hạn chế việc lây lan dịch bệnh. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch tễ, dịch bệnh trên địa bàn, nhất là những nơi có nguy cơ cao, ổ dịch cũ và khu vực giáp ranh với các tỉnh.
Mặt khác, Chi cục Thú y tỉnh cũng tích cực chỉ đạo trạm thú y các huyện, thành phố phối hợp với các địa phương triển khai và làm tốt công tác tiêm vác xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Trên đàn gia súc chú ý đến các loại bệnh: Lở mồm, long móng; tụ huyết trùng, tai xanh...Đàn gia cầm chú ý đến các loại bệnh cúm, dich tả....
Cùng với đó là việc triển khai đồng loạt tháng hành động tiêu độc khử trùng trong chăn nuôi. Nhờ vậy đến nay trên địa bàn tỉnh đã không có những ổ dịch bệnh lớn xuất hiện, cũng như ngăn chặn được sự lây lan dịch bệnh ở các địa phương bạn vào tỉnh nhà.
Ông Phó Giám đốc sở NN&PTNT cũng cho biết: Biện pháp tiêu độc khử trùng cần ít kinh phí nên các trang trại, gia trại, hộ gia đình chăn nuôi hoàn toàn có thể chủ động thực hiện thường xuyên và định kỳ, nhất là khi vôi bột một loại chất sát trùng rẻ, có nhiều trên địa bàn tỉnh.
Đối với các trang trại và cơ sở chăn nuôi tập trung thực hiện khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, làm sạch khu vực xung quanh chuồng trại, quét dọn thu gom chất bài thải trong chăn nuôi, chất độn chuồng và xử lý theo quy định.
Sử dụng vôi bột, các loại hóa chất sát trùng (Nevet-Iodine, Hand-Iodine, Five-Iodine, RTD-Iodine, Virkon...) xử lý toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi, khu vực xử lý chất thải và vùng phụ cận xung quanh với liều lượng ít nhất mỗi tuần một lần. Vệ sinh, khử trùng thường xuyên các trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển và cả con người ra vào trang trại chăn nuôi.
Đối với các gia trại và hộ chăn nuôi nhỏ, quét dọn sạch sẽ khu vực nuôi nhốt, chăn thả gia súc, gia cầm; thu gom phân, chất thải, chất độn xử lý đốt hoặc chôn ủ yếm khí, hoặc đưa vào hầm Bioga; sử dụng vôi bột hoặc hóa chất vệ sinh, sát trùng các khu vực trên cũng ít nhất mỗi tuần 1 lần.
Đối với các chợ; khu tập kết gia súc, gia cầm phân tách thành khu bán riêng, bố trí các hố khử trùng có chứa vôi bột hoặc thuốc sát trùng tại các lối ra vào khu vực buôn bán, tập kết gia súc, gia cầm; các quầy bán hàng phải được vệ sinh sạch sẽ và phun thuốc sát trùng cuối mỗi buổi chợ; hàng ngày dọn vệ sinh và xử lý chất thải rắn trong chợ bằng biện pháp chôn hoặc đốt; vệ sinh phương tiện cơ giới sạch sẽ, sử dụng hóa chất khử trùng các phương tiện vận chuyển và dụng cụ kèm theo. Các khu vực công cộng, đường làng, ngõ xóm vận động nhân dân thường xuyên quét dọn thu gom rác thải và đưa đi xử lý; sử dụng hóa chất sát trùng khu vực này mỗi tuần một lần.
Đinh Chúc