Tại Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Nho Quan, thời gian qua, hơn 7 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm như vậy đã được huy động, qua đó giúp cho người nghèo tạo lập thói quen tiết kiệm, làm quen với hoạt động tài chính, tín dụng. Đồng thời, có thêm nguồn vốn để mở rộng cho vay trên địa bàn, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại địa phương.
Đã thành nếp, từ nhiều năm nay, hàng tháng, 50 thành viên trong Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Đức Thành, xã Xích Thổ, huyện Nho Quan đã quen với việc gửi tiết kiệm hàng tháng. Chị Hoàng Thị Huệ, một thành viên của Tổ chia sẻ: "Nhờ có hình thức huy động tiết kiệm qua tổ, định kỳ mỗi tháng gia đình tôi tiết kiệm được 50.000 đồng.
Ngoài ra, mỗi khi bán con lợn, con gà tôi lại gom góp gửi thêm khoảng 500.000 đồng. Đối với số tiền tiết kiệm này, tôi dự định khi nào đến hạn trả nợ gốc cho ngân hàng thì sẽ rút ra để trả, bớt đi áp lực".
Chị Nguyễn Thị Huyền, một thành viên khác phấn khởi cho hay: Số tiền gửi ít nên ngay cả những người nghèo như chúng tôi cũng có thể tham gia tiết kiệm. Đặc biệt, với hình thức gửi tại Tổ, tôi có thể tranh thủ gửi bất cứ thời gian nào, kể cả buổi tối hoặc trong giờ nghỉ trưa, rất tiện lợi.
Trao đổi với chị Bùi Thị Chiên, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Đức Thành được biết: Lúc đầu khi mới triển khai chương trình, nhiều thành viên cũng thắc mắc "Tôi đã nghèo như vậy, đã phải đi vay vốn ngân hàng thì còn gửi tiền tiết kiệm làm sao được?".
Nhưng sau khi được giải thích ý nghĩa, lợi ích của việc gửi tiết kiệm, rằng số tiền gửi tiết kiệm hàng tháng rất nhỏ thôi nhưng có thể giúp bà con kiểm soát được tài chính, tránh được những khoản chi tiêu không cần thiết. Từ đó gom góp để trả dần số tiền nợ gốc, giảm gánh nặng thanh toán cuối kỳ.
Ngoài ra, với số tiền tiết kiệm qua Tổ, người gửi cũng có thể thanh toán tiền lãi hàng tháng khi cần để đảm bảo đúng hạn và đúng lịch thu lãi của ngân hàng. Một số hộ khi cần có thể rút tiền để phục vụ nhu cầu cuộc sống… Khi đã hiểu được rồi thì tất cả mọi thành viên đều nhất trí gửi tiết kiệm.
Những hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn gửi mỗi tháng từ 20.000-50.000 đồng, hộ ít khó khăn hơn gửi 100.000 - 200.000 đồng. Đến nay, các thành viên trong Tổ đã tiết kiệm được trên 40 triệu đồng. Trung bình mỗi hộ tiết kiệm được hơn 800 nghìn đồng.
Theo ông Màu Xuân Ngọc, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Nho Quan: Đối với các hộ gia đình nghèo, khó khăn để xây dựng thói quen hàng tháng phải gửi một khoản tiết kiệm là vấn đề không hề dễ dàng.
Do vậy, ban đầu, Ngân hàng đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, từng bước thay đổi nhận thức, suy nghĩ của người dân, giúp bà con quen dần với ý thức dành dụm và hiểu rõ ý nghĩa, mục đích của chương trình là chỉ có lợi cho bản thân mà thôi.
Bên cạnh đó, công tác ghi chép, theo dõi hoạt động gửi, rút tiết kiệm giữa Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn với tổ viên luôn được Ngân hàng quán triệt, để đảm bảo an toàn vốn, tránh tiêu cực xảy ra.
Nhờ đó, hiện tại, 456 Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn huyện đã huy động được 7 tỷ 125 triệu đồng tiền tiết kiệm. Từ nguồn tiết kiệm này, Ngân hàng đã bổ sung vào nguồn vốn cho vay, giúp cho nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có thêm cơ hội được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Hà Phương