Thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tổ chức quán triệt và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, qua đó từng bước nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân về chính sách dân tộc, nâng cao trách nhiệm công dân trong thực hiện quan điểm xây dựng cộng đồng dân tộc theo nguyên tắc đoàn kết, bình đẳng, tương trợ, tạo sự đồng thuận, đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các chương trình, dự án, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả, trọng tâm là các Chương trình 134, Chương trình 135 của Chính phủ, dự án ổn định sản xuất, đời sống và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn, chính sách đối với người có uy tín vùng dân tộc thiểu số... Giai đoạn 2014-2019 đã huy động vốn đầu tư cho vùng dân tộc ước đạt 83,68 tỷ đồng (chủ yếu là nguồn vốn từ chương trình 135 của Chính phủ), xây dựng mới, nâng cấp 103 công trình gồm nhà văn hóa thôn, bản, cơ sở y tế, giáo dục, đường giao thông nông thôn...
Đến nay, 100% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đường giao thông cho xe cơ giới từ trung tâm đến các thôn, bản; 70% số xã, 75% số thôn có đường giao thông đạt chuẩn; 80% số xã có trạm y tế xã đạt chuẩn; 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 70% số hộ được dùng nước sạch; 90% số hộ được dùng nước hợp vệ sinh. Tại các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, dịch vụ tài chính, ngân hàng được phát triển đến 100% các xã; hạ tầng bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin được đầu tư, đã phủ sóng điện thoại di động đến tất cả các xã, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Công tác xóa đói, giảm nghèo được các cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, cộng đồng người dân tộc thiểu số trong tỉnh còn 499 hộ nghèo, chiếm 6,14% tổng số hộ người dân tộc thiểu số, giảm 5,24% so với năm 2014. Đặc biệt, với sự giúp đỡ của 6 cơ quan phụ trách, 6 doanh nghiệp kết nghĩa với 9 xã đặc thù có đông đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 140 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cùng với sự tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới của đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay, có 2/8 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung thuộc huyện Nho Quan, 1 xã thuộc thành phố Tam Điệp đã về đích nông thôn mới.
Việc thực hiện các chính sách về giáo dục, đào tạo, y tế được quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Đến nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học từng bước được đầu tư theo hướng hiện đại hóa, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học. 100% phòng học được kiên cố hóa, 100% trẻ em trong độ tuổi ở cả 3 cấp học đều được đến trường; các xã Thạch Bình, Kỳ Phú, Phú Long (huyện Nho Quan), xã Yên Sơn (thành phố Tam Điệp) đạt chuẩn quốc gia ở cả 3 cấp học. 80% xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 100% trạm y tế có bác sĩ; mạng lưới y tế tuyến cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được củng cố, mở rộng đến thôn, bản và ngày càng phát huy vai trò, hiệu quả thực tế.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường. Đến nay, toàn tỉnh có 1.106 đảng viên là người dân tộc thiểu số, trong đó có 853 đảng viên đang sinh hoạt tại 129 chi bộ thôn, bản tại 9 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung. Cùng với đó, việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số thường xuyên được coi trọng. Nhiệm kỳ 2016-2021, có 129 đại biểu HĐND các cấp là người dân tộc thiểu số, trong đó cấp tỉnh có 1 người, cấp huyện có 8 người, cấp xã có 120 người. Từ năm 2014 đến năm 2019, có 130 người được cử đi đào tạo chuyên môn, bồi dưỡng nghiệp vụ, 35 người học lý luận chính trị, 65 học sinh được cử đi học các trường từ trung cấp đến đại học; tổ chức 65 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ xã, thôn, bản với trên 5.050 học viên tham gia...
Cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số. UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách 58 người có uy tín tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2018-2022; quan tâm thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho người có uy tín. Các cấp ủy, chính quyền, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên tổ chức thăm, tặng quà già làng, trưởng bản nhân ngày Quốc tế Người cao tuổi, Tết Nguyên đán, thăm hỏi khi có người thân ốm đau; biểu dương người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng dân cư, trong đó có người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số.
Những việc làm và kết quả nêu trên đã khích lệ, động viên đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thêm phấn khởi, tin tưởng, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển.
Giai đoạn 2014-2019, đồng bào các dân tộc thiểu số đã vận dụng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, phát huy lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng để phát triển kinh tế, chú trọng phát triển những ngành nghề mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng năng suất, thu nhập, giảm nghèo. Tại các xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung, số khu dân cư văn hóa, làng văn hóa, số hộ được công nhận gia đình văn hóa ngày càng tăng. Đến năm 2018, số hộ vùng dân tộc thiểu số được công nhận gia đình văn hóa là 11.683/14.595 hộ, đạt 80,04%; có 84/86 thôn, bản được công nhận thôn, bản văn hóa, đạt 97,7%; có 6/8 xã vùng dân tộc thiểu số có 100% làng được công nhận làng văn hóa.
Đặc biệt, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao có bước phát triển sâu rộng. Đến nay, tại 7/8 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn huyện Nho Quan đã thành lập các câu lạc bộ văn hóa như: Câu lạc bộ múa sạp xã Yên Quang, Câu lạc bộ Cồng chiêng xã Quảng Lạc, Câu lạc bộ hát đúm xã Phú Long, Câu lạc bộ hát giao duyên tiếng Mường xã Cúc Phương... Hàng năm, vào dịp đầu năm mới đều tổ chức "Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc" với sự tham gia của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Nho Quan và xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp, thu hút hàng nghìn lượt người tham gia, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, đồng thời củng cố tình đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, trong giai đoạn 2019-2024, các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân cần thống nhất quan điểm: xây dựng cộng đồng dân tộc theo nguyên tắc đoàn kết, bình đẳng, tương trợ cùng phát triển; huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội phát triển nhanh và bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số, tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Trong đó tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về công tác dân tộc trong tình hình mới; tiếp tục phổ biến các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chú trọng tuyên truyền, động viên đồng bào các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, ý chí tự lực, tự cường, phấn đấu vươn lên trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, văn minh, hạnh phúc.
Tiếp tục triển khai đồng bộ các chính sách nhằm huy động mọi nguồn lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện và cơ hội phát triển; chú trọng chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đa dạng cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng; tăng cường khuyến nông, khuyến lâm, đưa tiến bộ khoa học kĩ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; thực hiện tốt chính sách dạy nghề; có chính sách thu hút, khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư phát triển sản xuất, sử dụng lao động địa phương, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách về giáo dục, y tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em là người dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", làm tốt việc giữ gìn, phát huy các giá trị, truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số.
Làm tốt hơn nữa việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý là người dân tộc; đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương pháp công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, khen thưởng, biểu dương, động viên những nhân tố tích cực, người có uy tín, già làng, trưởng bản vùng dân tộc thiểu số làm nòng cốt trong phong trào quần chúng.
Chủ động nắm chắc tình hình đồng bào dân tộc; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số; vận động nhân dân các dân tộc nêu cao tinh thần cảnh giác, không để các phần tử xấu lôi kéo, kích động, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Đồng thời xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng quê hương Ninh Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Đỗ Việt Anh
TVTU, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh