P.V: Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế 6 tháng đầu năm của tỉnh. Đ/c Nguyễn Chí Tình: Trong bối cảnh 6 tháng đầu năm có nhiều thuận lợi và khó khăn, song một số lĩnh vực kinh tế của tỉnh vẫn đạt được những kết quả tích cực: Tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì, GDP ước tăng 10,15%; sản xuất công nghiệp tăng khá; nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định theo hướng bền vững, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 2,01%; sản xuất thủy sản được quan tâm, diện tích nuôi trồng được mở rộng, đạt 8,3 nghìn ha, tăng 2,8% so với cùng kỳ và đạt 79,5% so với kế hoạch năm, sản lượng ước đạt 16,3 nghìn tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ, đạt 51% kế hoạch năm...
Đặc biệt, một số ngành kinh tế lớn của tỉnh đã có sự nỗ lực vượt bậc như: Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển khá. Tổng giá trị sản xuất ước đạt trên 7,513 nghìn tỷ đồng, tăng gần 17,6% so với cùng kỳ và đạt 46,2% kế hoạch năm; hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi, trong 6 tháng đầu năm, ước tính đã có trên 3,5 triệu lượt khách, đạt 89,9% kế hoạch của năm 2013; doanh thu đạt trên 667,6 tỷ đồng, bằng 95,4% so với kế hoạch năm. Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh. Tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 261,2 triệu USD, tăng 39,7% so với cùng kỳ năm trước và đạt 58% kế hoạch năm.Lĩnh vực ngân hàng, tín dụng sôi động trở lại do tình hình kinh tế của tỉnh có chuyển biến tích cực. Trong 6 tháng, tổng huy động vốn tại địa bàn tăng mạnh, đạt trên 18,8 nghìn tỷ đồng, tăng 28,9% so với cùng kỳ và tăng 8% so với đầu năm; tổng dư nợ cho vay đạt gần 36,2 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ và tăng 6% so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp với 0,8% tổng dư nợ.
P.V: Bên cạnh những kết quả đạt được xin đồng chí cho biết những khó khăn trong bức tranh kinh tế của tỉnh ta trong 6 tháng đầu năm?
Đ/c Nguyễn Chí Tình: Khó khăn đầu tiên chúng ta phải kể đến đó là công tác thu ngân sách. 6 tháng đầu năm thu ngân sách trên địa bàn mới chỉ đạt gần 1.189,4 tỷ đồng, bằng 45,1% dự toán. Nguyên nhân do tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa thực sự được khởi sắc, đa số các doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn bởi các chính sách nhằm tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát của Chính phủ.
Việc thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đã có chuyển biến nhưng còn chậm, tiến độ một số dự án trọng điểm chưa đạt yêu cầu chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng tuy được chỉ đạo tích cực nhưng còn tiềm ẩn nguy cơ khiếu kiện phức tạp.
Sản xuất công nghiệp mặc dù đã có nhiều tín hiệu khả quan song một số sản phẩm công nghiệp chủ lực mới như: ô tô, kính nổi, cần gạt nước... đã có hiện tượng giảm so với cùng kỳ năm 2012 và đều đạt mức thấp so với kế hoạch. Nhà máy sản xuất phân đạm đi vào hoạt động nhưng sản lượng mới đạt 32% kế hoạch năm.
P.V: Như vậy có thể thấy nền kinh tế trong tỉnh đã có sự phục hồi nhưng vẫn còn chậm, đặc biệt là các doanh nghiệp vẫn chưa có những bứt phá và tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Theo đồng chí đâu là nguyên nhân chính?
Đ/c Nguyễn Chí Tình: Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, Nhà nước đã ban hành các cơ chế, chính sách tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh; cải cách thủ tục hành hành chính; xúc tiến thương mại và đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp về tiếp cận thông tin, pháp lý, nguồn vốn tín dụng, miễn, giảm thuế, mặt bằng sản xuất, trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ bảo lãnh tín dụng; hỗ trợ lao động mất việc làm và các chính sách hỗ trợ khác nhằm tháo gỡ khó khăn, từng bước thúc đẩy doanh nghiệp phát triển
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, các doanh nghiệp cũng đang phải chịu nhiều sức ép. Mặc dù lãi suất ngân hàng đã giảm nhưng vẫn giữ ở mức cao. Số doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay không nhiều, hạn mức cho vay thấp thường chỉ bằng 50-60% giá trị tài sản thế chấp. Đến nay, doanh nghiệp vay vốn ngân hàng vẫn phải chịu lãi suất từ 13-16%/năm, rất ít doanh nghiệp vay được dưới 13%/năm. Lạm phát tăng cao vượt xa mức dự báo ban đầu của cả nước, giá cả vật tư đầu vào tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến khả năng hoàn thành kế hoạch sản xuất. Việc xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ gặp nhiều khó khăn. Tình hình lạm phát tăng cao nên sức mua trên thị trường còn yếu; các mặt hàng sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp tiêu thụ chậm, khó tìm được thị trường tiêu thụ, như: Các doanh nghiệp sản xuất chế biến cói xuất khẩu, doanh nghiệp làm nghề đá...
Các doanh nghiệp xây dựng thiếu việc làm do các công trình xây dựng giảm so với trước; các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tiêu thụ chậm; việc chiếm dụng vốn khiến nhiều doanh nghiệp nợ dây chuyền lẫn nhau lâu ngày trở nên thua lỗ và khó khăn, đình trệ sản xuất. Bên cạnh đó, năng lực tài chính và năng lực quản trị của nhiều doanh nghiệp nhìn chung còn hạn chế; chưa có chiến lược kinh doanh phù hợp, chưa tiếp cận được với các thông tin về thị trường và tài chính, đầu tư dàn trải và chi tiêu mua sắm tài sản, thiết bị nhiều trong khi vốn tự có hạn hẹp; chất lượng nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu.
P.V: Trước những khó khăn đó, tỉnh đã có những giải pháp chủ yếu gì để thực hiện phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm?
Đ/c Nguyễn Chí Tình: Trong 6 tháng cuối năm, các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ, của tỉnh về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế bền vững.
Đẩy mạnh sản xuất vụ mùa năm 2013 theo đúng kế hoạch và tiến độ; tăng cường chất lượng cung ứng dịch vụ vật tư nông nghiệp và chất lượng giống lúa. Quan tâm phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản; chuẩn bị sẵn sàng công tác chống hạn, chống lụt theo kế hoạch; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình thủy lợi; tăng cường triển khai, lồng ghép xây dựng nông thôn mới, nhất là công tác dồn điền, đổi thửa.
Đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, tăng cường theo dõi, kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ cho các doanh nghiệp sản xuất, nhất là các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh và các nhà máy công nghiệp mới. Tiếp tục triển khai, đẩy mạnh phát triển trồng, chế biến cói, thêu ren, chế tác đá mỹ nghệ theo Kế hoạch số 53-KH-UBND ngày 8-10-2012 của UBND tỉnh. Tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Khánh Phú, Gián Khẩu, Tam Điệp, Phúc Sơn. Tăng cường và thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư; thực hiện cải cách mạnh mẽ thủ tục đầu tư "Một cửa liên thông" cho các doanh nghiệp. Thực hiện rà soát, đánh giá hoạt động của các dự án chậm tiến độ, hiệu quả kém trên địa bàn và nghiêm túc xử lý các sai phạm.
Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng các mặt hàng, nhất là hàng nông sản, thực phẩm, hàng công nghiệp, thủ công mỹ nghệ của địa phương, tăng tỷ trọng xuất khẩu trực tiếp để đạt giá trị cao. Triển khai thực hiện việc chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ, nâng cao nhận thức và mở rộng hình thức thương mại điện tử, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp chống thất thu, tăng cường thu thuế, thu đấu giá quyền sử dụng đất đảm bảo kế hoạch đặt ra.
Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định về quản lý đầu tư xây dựng; thực hiện thanh quyết toán khối lượng hoàn thành, hoàn ứng thực hiện, nghiệm thu, thanh toán theo quy định. Triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng, thi công các công trình, dự án sử dụng ngân sách nhà nước nhằm đảm bảo tiến độ thi công, trả nợ xây dựng cơ bản, kiên quyết xử lý các sai phạm trong đầu tư xây dựng cơ bản.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Thơm (Thực hiện)