Theo đó, vụ lúa đông xuân tỉnh Ninh Bình đang bị nhiễm nặng trên diện rộng sâu cuốn lá nhỏ với 33.665 ha bị nhiễm, chiếm trên 82% tổng diện tích lúa gieo cấy (tính đến ngày 4/5). Sâu non đang trong thời kỳ nở rộ với mật độ sâu rất cao, gấp hàng chục lần so với cùng lứa vụ đông xuân trước.Trong các ngày qua, cán bộ BVTV đã tích cực bám sát cơ sở, chỉ đạo, khuyến cáo, giúp đỡ nông dân tổ chức phun thuốc phòng trừ đồng loạt trên các khu đồng bị nhiễm. Đã có 27.132 ha lúa xuân được phun thuốc trừ sâu cuốn lá nhỏ (đạt 80,1% diện tích bị nhiễm).
Diện tích lúa đã được phun thuốc lần 1 là: Kim Sơn 7.700 ha, Yên Khánh 6.976 ha, Yên Mô 6.300 ha, Nho Quan 1.500 ha, Gia Viễn 1.200 ha, thành phố Ninh Bình 860 ha, thị xã Tam Điệp 821 ha, QDNN 335 ha. Qua kiểm tra thực tế trên đồng ruộng của cán bộ Chi cục BVTV, mật độ sâu non vẫn còn rất cao. Những ruộng đã phun trừ mật độ sâu phổ biến từ 60 - 70 con/m2, nơi cao từ 150 - 250 con/m2 (Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô, thị xã Tam Điệp). Ở những ruộng chưa phun trừ thuộc các huyện: Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư; mật độ sâu phổ biến từ 100 - 200 con/m2, nơi cao 150 - 200 con/m2. Theo khuyến cáo của Chi cục BVTV, trong giai đoạn lúa đang làm đòng và ôm đòng đối với sâu cuốn lá nhỏ, mật độ sâu non tới 20 con/m2 là "ngưỡng" phải tiến hành phun thuốc trừ diệt. Sâu non phá hoại bộ lá, nhất là lá đòng của lúa sẽ làm cho khả năng quang hợp kém, không tích tụ được chất về hạt làm cho lúa lép.
Hiện nay, sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 đang gây hại nặng và trên diện rộng không chỉ ở Ninh Bình mà trên toàn miền Bắc. Các địa phương đã tổ chức phun thuốc trừ diệt lần 1 nhưng mật độ sâu vẫn cao, thậm chí còn quá cao là do: Một số nơi phun trừ chưa đúng kỹ thuật (phun sớm, phun không đúng thuốc, phun không đúng liều lượng và nồng độ...), một số diện tích ở các huyện phía Bắc tỉnh còn chưa tổ chức phun thuốc phòng trừ.
Ngành Nông nghiệp và Chi cục BVTV Ninh Bình đề nghị các địa phương cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, nắm chắc diễn biến của sâu bệnh và tổ chức phun thuốc trừ diệt kịp thời. Chỉ đạo và khuyến cáo nông dân tiến hành phun thuốc lần 2 sâu cuốn lá nhỏ, nhất là ở các địa phương có mật độ sâu còn cao (Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô).
Các huyện phía Bắc tỉnh kiểm tra xem xét lại đồng ruộng và tổ chức cho nông dân phun thuốc kịp thời, đầy đủ khi mật độ sâu tới ngưỡng. Thanh tra BVTV phối hợp với các ngành có liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình kinh doanh thuốc BVTV ở các địa phương không để tăng giá, ép giá, bán thuốc giả, thuốc kém phẩm chất... đảm bảo đủ thuốc đặc hiệu phục vụ kịp thời cho công tác phòng trừ.
Ngoài đối tượng gây hại là sâu cuốn lá nhỏ, cần chú ý đề phòng sự phát sinh, phát triển gây hại của các đối tượng khác: rầy nâu, đạo ôn, sâu đục thân... để có biện pháp phòng, chống kịp thời, hiệu quả.
Đinh Chúc