Nhân dịp kỷ niệm 33 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2015), phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Vũ Văn Kiểm, TUV, Giám đốc Sở Giáo dục- đào tạo về những nỗ lực, quyết tâm cũng như các giải pháp của ngành giáo dục- đào tạo tỉnh nhà để thực hiện có hiệu quả nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI về lĩnh vực giáo dục- đào tạo.
PV: Xin đồng chí cho biết về nội dung phong trào thi đua đổi mới phương pháp dạy học của ngành giáo dục- đào tạo?
Đ/c Vũ Văn Kiểm: Phong trào thi đua đổi mới phương pháp dạy - học là phong trào lớn, được toàn ngành quan tâm chỉ đạo và được đông đảo cán bộ, giáo viên tích cực hưởng ứng. Các nhà trường đã tích cực thực hiện đổi mới phương pháp dạy học thông qua bồi dưỡng giáo viên, hội thảo chuyên môn, dự giờ thăm lớp, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác có hiệu quả các thiết bị dạy học, phương tiện nghe nhìn, phòng học bộ môn. Ngành đã chỉ đạo đưa vào thực hiện giảng dạy tài liệu giáo dục địa phương trong các bộ môn: Ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân và được giáo viên, học sinh đón nhận tích cực. Các nhà trường đã tăng cường đổi mới phương pháp giáo dục đạo đức, tư vấn tâm lý học sinh, ứng xử, giải quyết tình huống giáo dục. Bồi dưỡng giá trị sống, kỹ năng sống theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục- đào tạo, tổ chức có hiệu quả các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cho học sinh. Đã xuất hiện nhiều tấm gương giáo viên say mê nghiên cứu, sáng tạo, tâm huyết với nghề, tích cực tìm tòi, cải tiến, đổi mới phương pháp dạy học hướng về học sinh. Nhiều nhà giáo luôn vượt khó, không ngừng tu dưỡng để có được kiến thức và phương pháp dạy học hiệu quả cao nhất. Đối với các nhà trường, đổi mới phương pháp dạy và học đã trở thành một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá chuyên môn giáo viên. Hoạt động đổi mới phương pháp dạy học của ngành giáo dục còn được thông qua phong trào thi đua viết sáng kiến kinh nghiệm. Đây là một trong các tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua để xét chọn giáo viên giỏi, chiến sỹ thi đua các cấp. Nhiều năm nay, từ nhà trường cho đến các cơ quan quản lý giáo dục vào đầu năm học đều tổ chức đăng ký sáng kiến kinh nghiệm, tổ chức hội thảo để trao đổi, phổ biến sáng kiến kinh nghiệm. Từ năm 2010 đến 2015, toàn ngành có 4.671 sáng kiến được đánh giá, xếp loại toàn ngành. Trong đó đã tuyển chọn được 55 sáng kiến xuất sắc đề nghị Hội đồng khoa học cấp tỉnh thẩm định và công nhận sáng kiến cấp tỉnh.
Hàng năm, trong các đợt thi đua nhân các ngày lễ lớn, các nhà trường, các tổ chuyên môn, các khối lớp đã thường xuyên tổ chức hội học, hội giảng nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên được trau dồi, nâng cao kiến thức, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp. Bên cạnh đó, các hội thi giáo viên dạy giỏi ở các bậc học được ngành duy trì từ nhiều năm nay là dịp để các thầy, cô giáo thể hiện năng lực dạy học, trao đổi kinh nghiệm về giảng dạy, tổ chức lớp học, khai thác sử dụng sáng tạo, hiệu quả phương tiện, đồ dùng dạy học trong việc thực hiện chương trình giáo dục; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và giảng dạy, phát huy tính tích cực của học sinh. các hội thi giáo viên giỏi cũng là căn cứ để ngành đánh giá thực trạng đội ngũ, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên toàn ngành, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Hiệu quả từ phong trào thi đua đổi mới phương pháp dạy học đã góp phần quan trọng đưa chất lượng giáo dục toàn diện trong toàn ngành được nâng cao, tỉ lệ học sinh xếp loại học lực khá, giỏi tăng, học lực yếu giảm; tham gia các kỳ thi cấp quốc gia và khu vực, Ninh Bình có số lượng giải và tỷ lệ đạt giải cao với 256 giải. Ngành Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi và thực hiện các phong trào thi đua do tỉnh, ngành phát động; những kết quả trên tiếp tục khẳng định vị thế của Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình trong tốp các tỉnh có chất lượng giáo dục cao của cả nước. Kết thúc năm học 2014-2015, ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt 17/17 tiêu chí thi đua, trong đó có 13/17 tiêu chí hoàn thành xuất sắc, năm thứ 3 liên tiếp ngành giáo dục- đào tạo Ninh Bình được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng cờ thi đua xuất sắc.
PV: Đội ngũ giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Vậy hiện nay đội ngũ giáo viên trong toàn ngành đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ như thế nào, thưa đồng chí?
Đ/c Vũ Văn Kiểm: Có thể khẳng định, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong toàn ngành giáo dục- đào tạo Ninh Bình có trình độ chuyên môn đạt chuẩn và trên chuẩn tăng nhanh, phát triển đủ cả về số lượng, tương đối đồng bộ về cơ cấu. Phần lớn đội ngũ cán bộ, giáo viên trong ngành đều nhiệt tình, trách nhiệm và tâm huyết với nghề, tích cực, chủ động trong việc học tập, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu giảng dạy trong thời kỳ CNH- HĐH đất nước. Hàng năm, tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn ở các cấp học ngày càng tăng. Đến nay, toàn ngành có 372 thạc sỹ, tỷ lệ cán bộ, giáo viên có trình độ đạt chuẩn trở lên là 99,8% đối với bậc mầm non; 100% đối với bậc tiểu học; 99,4% đối với bậc THCS và 100% đối với bậc THPT. Trong đó, cán bộ, giáo viên có trình độ trên chuẩn mầm non là 86,8%; tiểu học là 97,1%; THCS là 85,2% và 17,9% THPT, tỷ lệ giáo viên trên chuẩn của toàn ngành đạt 81,6%.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt", cán bộ, giáo viên toàn ngành đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động. Trong đó, cuộc vận động "mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" đã tạo sự chuyển biến trong đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục về ý thức rèn luyện đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, lối sống lành mạnh, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí. Góp phần để mỗi cán bộ, giáo viên thường xuyên tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và sáng tạo, đổi mới trong hoạt động giáo dục và quản lý giáo dục. Trong phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua (2010-2015), toàn ngành có 5.530 lượt cán bộ, giáo viên được tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua, hơn 1.450 lượt cán bộ, giáo viên, công nhân viên được khen thưởng trong phong trào thi đua "giỏi việc nước- đảm việc nhà", nhân các hội thi giáo viên giỏi... Từ năm 2010 đến nay, ngành giáo dục Ninh Bình có thêm 6 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
PV: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đã xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển giáo dục và đào tạo Ninh Bình giai đoạn 2015-2020. Vậy ngành giáo dục- đào tạo đã có những giải pháp gì để đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh vào cuộc sống?
Đ/c Vũ Văn Kiểm: Ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2015-2020) thành công tốt đẹp, Sở Giáo dục- đào tạo đã cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các mục tiêu phát triển giáo dục đến năm 2020 do Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI thông qua bằng các chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của ngành Giáo dục và Đào tạo. Ngành đã xây dựng chương trình công tác toàn khóa thực hiện Nghị quyết với các nhiệm vụ, giải pháp: Tiếp tục tham mưu để xây dựng và tổ chức hoạt động có hiệu quả các trường trọng điểm chất lượng cao ở các cấp học. Từng bước thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Đề án được HĐND, UBND tỉnh phê duyệt; Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo", "Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm" và các phong trào thi đua "Hai tốt", "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực"; Tổ chức các kỳ thi, kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh đảm bảo an toàn, nghiêm túc; Tăng cường lãnh đạo công tác thanh tra, kiểm tra, giữ nghiêm kỷ cương, nề nếp trong giáo dục góp phần thực hiện có hiệu quả việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Đẩy mạnh hoạt động văn hóa, văn nghệ, rèn luyện thân thể và thể thao trong các nhà trường, các đơn vị giáo dục. Chú trọng bồi dưỡng năng khiếu thể thao để có thành tích cao trong các kỳ thi quốc gia; Xây dựng đội ngũ và các điều kiện phục vụ dạy và học. Thực hiện các mục tiêu xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, đạt chuẩn về đào tạo, có phẩm chất đạo đức trong sáng; Tham mưu có hiệu quả trong công tác xây dựng cơ sở vật chất trường học, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, phòng học cao tầng, kiên cố theo các chỉ tiêu đã đề ra… Toàn ngành phấn đấu hàng năm, hoàn thành tốt 100% tiêu chí thi đua của Bộ GD&ĐT, trong đó có 70% trở lên tiêu chí đạt xuất sắc, giữ vững, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nâng cao số lượng, chất lượng học sinh giỏi quốc gia. Phấn đấu đến năm 2020 có 95% trường mầm non, 70% trường tiểu học mức độ 2, 90% trường THCS, 56% trường THPT đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 88%. Phấn đấu mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 11 trường THCS chất lượng cao. Hoàn thành xây dựng trường THPT chuyên tỉnh Ninh Bình…
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Phan Hiếu (thực hiện)