P.V: Thưa ông, với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, ông đánh giá như thế nào về sự lớn mạnh của Hiệp hội trong nhiệm kỳ vừa qua?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Còn nhớ giai đoạn đầu thành lập Hiệp hội, toàn tỉnh mới có vài trăm doanh nghiệp (DN). Cùng với các chính sách khuyến khích của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương về phát triển DN, Hiệp hội DN tỉnh đã tích cực tổ chức đào tạo, lan tỏa tinh thần lập thân, lập nghiệp tới các tầng lớp nhân dân, số lượng các DN trên địa bàn tỉnh đã tăng lên nhanh chóng. Số hội viên đầu nhiệm kỳ II là 700 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các trang trại và các hộ kinh doanh... trên địa bàn tỉnh, tới nay Hiệp hội đã bổ sung và kết nạp thêm hơn 2.400 hội viên, nâng tổng số lên hơn 3.000 hội viên với 13 Hội trực thuộc. Điều đó thể hiện uy tín, vị thế của Hiệp hội trong cộng đồng các doanh nghiệp.
Với lực lượng hội viên hùng hậu, cộng đồng doanh nghiệp đã chung tay góp sức đưa nền kinh tế của tỉnh Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững, nhất là trong giai đoạn 2015-2020, kinh tế của tỉnh phát triển khá, tốc độ tăng GRDP bình quân đạt 8,71%/năm cao hơn mức chung cả nước, quy mô nền kinh tế được mở rộng, tăng gấp 1,7 lần năm 2015; GRDP bình quân đầu người đạt 66,9 triệu đồng, tăng 63% so với năm 2015. Doanh thu của các doanh nghiệp ước đạt trên 940 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9 lần so với giai đoạn 2010-2015; tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, thu nhập bình quân đạt 6,7-7 triệu đồng/người/tháng.
Hai năm trở lại đây, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kịp thời, hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp, ngành trong tỉnh, Ban Chấp hành, Ban Thường trực Hiệp hội đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hỗ trợ các DN trong sản xuất, kinh doanh, từng bước phát triển, bảo đảm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
P.V: Thưa ông, để có những đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã làm gì để kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên ngày càng lớn mạnh?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Hiệp hội và chương trình công tác hàng năm, những năm qua, Hiệp hội DN tỉnh đã nêu cao tinh thần đoàn kết, linh hoạt, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; chủ động nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của DN để kịp thời phản ánh, kiến nghị với các cấp, các ngành xem xét, giải quyết và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, tạo thuận lợi cho DN ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Hàng năm, Hiệp hội tổ chức các đoàn công tác bao gồm lãnh đạo Hội và các chủ doanh nghiệp, doanh nhân tham dự chuyến đi học tập, trao đổi kinh nghiệm tại các tỉnh, thành phố trong nước. Thông qua các chuyến đi đã mang lại những kinh nghiệm quý báu cho các doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh Ninh Bình. Cùng với đó, Hiệp hội đã nâng cao vai trò trong việc hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên thông qua các buổi giao lưu, tư vấn hướng nghiệp...
Để hỗ trợ nguồn nhân lực cho DN, Hiệp hội đã tổ chức và phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; các sở, ban, ngành trong tỉnh tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để DN tiếp cận nhanh về công nghệ thông tin, trình độ quản lý điều hành DN trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
P.V: Không chỉ là diễn đàn của doanh nghiệp, Hiệp hội đã thể hiện tiếng nói, vai trò quan trọng trong việc kết nối DN với các cấp chính quyền, góp phần cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng cởi mở, thân thiện. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Tỉnh Ninh Bình luôn khuyến khích DN tham gia ý kiến vào các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế và tạo thuận lợi giúp DN không ngừng đổi mới, phát triển. Từ năm 2021, Hiệp hội DN tỉnh được nhận trọng trách mới là cơ quan tư vấn xây dựng Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI). Đây được coi là công cụ đánh giá những ưu điểm, hạn chế của các sở, ngành, huyện, thành phố trong việc thực hiện, xây dựng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho DN và nâng cao chỉ số PCI của tỉnh. DDCI có 8 chỉ số thành phần, mặc dù một số chỉ số thành phần có cùng tên gọi như PCI nhưng DDCI có những tiêu chí đánh giá được xây dựng phù hợp với tỉnh và thêm chỉ số "vai trò người đứng đầu".
Bản thân tôi là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nên đã tích cực phát huy vai trò tham mưu, góp ý chính sách và phản biện xã hội, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Cùng với đó, Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh luôn giữ vai trò là cầu nối lắng nghe, tổng hợp, phản ánh các ý kiến, nguyện vọng chính đáng của hội viên với các cơ quan Nhà nước; tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo các luật có liên quan đến DN làm cơ sở để Quốc hội thông qua, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách của Nhà nước, tạo môi trường ngày càng thuận lợi cho việc phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Trên tinh thần dân chủ và bình đẳng, hàng năm Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổng hợp những kiến nghị của các doanh nghiệp hội viên trình UBND tỉnh tại hội nghị tháo gỡ khó khăn cho DN và các buổi tiếp xúc, gặp gỡ trực tiếp với doanh nghiệp theo định kỳ. Qua đó đã tạo niềm tin và thúc đẩy các DN tin vào đường lối, chính sách và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành và tỉnh Ninh Bình.
P.V: Bên cạnh những đóng góp về phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp tỉnh Ninh Bình đang là "cánh tay đắc lực" của tỉnh để làm tốt công tác an sinh xã hội. Xin ông cho biết cụ thể về nội dung này?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Với đặc thù là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, Ban lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã có những cách làm hay, phương pháp hoạt động phù hợp để thu hút các thành viên tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội, đền ơn đáp nghĩa…
Đặc biệt, hưởng ứng phong trào cả nước chung tay phòng, chống dịch COVID-19 do Chính phủ phát động, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các Hội trực thuộc và các doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh đã xung kích đi đầu trong việc thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch, vừa sản xuất, kinh doanh. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp là những tấm gương tiêu biểu tham gia công tác an sinh xã hội và phòng, chống đại dịch COVID-19 như: Tập đoàn Kinh tế Xuân Thành, Công ty TNHH Xây dựng Việt Thành; Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao; DN tư nhân Hoàng Sơn; Công ty xây dựng Hùng Oanh Ninh Bình; Công ty Minh Trí; Công ty Giấy vở Hồng Điệp và các ngân hàng trên địa bàn tỉnh...
Tiêu biểu trong đó phải kể đến Tập đoàn Kinh tế Xuân Thành, trong các năm 2020 - 2021 trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 bùng phát, Tập đoàn đã ký hợp đồng với các bệnh viện của Trung ương để tiêm phòng và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho hàng vạn cán bộ, công nhân viên. Thực hiện việc tiêm vắc xin cho tất cả các thành viên trong Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các cán bộ, công nhân viên, gia đình con em của các DN hội viên. Đồng thời Tập đoàn Kinh tế Xuân Thành đã ủng hộ hàng trăm tỷ đồng để mua vắc xin và trang thiết bị, vật tư y tế cho Bộ Y tế và 46 tỉnh, thành phố nhằm chung tay cùng cả nước phòng, chống đại dịch. Những nghĩa cử cao đẹp trên thực sự có ý nghĩa và mang lại hiệu quả thiết thực, được dư luận xã hội đồng tình, đánh giá cao.
P.V: Thưa ông, trong thời gian tới, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh sẽ có những giải pháp như thế nào để tiếp tục phát huy sức mạnh của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân của tỉnh Ninh Bình không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, được xem là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định nhằm thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, đẩy lùi nguy cơ tụt hậu, nâng cao vị thế của nền kinh tế Ninh Bình nói riêng, Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh xác định tập trung mở rộng, phát triển hội viên. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, tăng cường năng lực quản trị, điều hành cho các doanh nghiệp hội viên. Đặc biệt, quan tâm công tác lựa chọn cán bộ Hội nhiệt tình, tâm huyết, năng lực để lãnh đạo, điều hành công tác Hội đạt yêu cầu nhiệm vụ đề ra; tiếp tục nghiên cứu mô hình tổ chức Hội từ những kinh nghiệm do Trung ương hướng dẫn và tham khảo mô hình từ các tỉnh bạn để xây dựng tổ chức Hội vững mạnh hơn.
Tiếp tục làm tốt hơn nữa vai trò cầu nối giữa DN với chính quyền, giữa DN với DN. Xây dựng mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa các Hội ngành hàng để kết nối, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, liên kết kinh doanh, phát triển DN. Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện, đề xuất, hiến kế với lãnh đạo tỉnh, Trung ương nhằm xem xét điều chỉnh chính sách kịp thời, thúc đẩy cải cách hành chính, tạo hành lang thông thoáng, an toàn cho DN. Từ đó, khích lệ đội ngũ doanh nhân phát huy tài năng, trí tuệ, bản lĩnh, đóng góp tích cực và hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vì mục tiêu Ninh Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng.
Bên cạnh những nỗ lực của cộng đồng DN, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cũng đề xuất các cấp chính quyền cần có sự vận hành chính sách một cách linh hoạt hơn trên cơ sở quy định của pháp luật, tiếp tục xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh ngày càng thân thiện, thuận lợi cho các DN phát triển.
P.V: Trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Thơm (thực hiện)