Nhà giáo ưu tú Phạm Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết: Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Giáo dục - Đào tạo, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu bền bỉ của đội ngũ cán bộ quản lí, đội ngũ các thầy, cô giáo và các em học sinh, sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo của tỉnh không ngừng phát triển và đạt được những kết quả nổi bật, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chất lượng giáo dục toàn diện có nhiều chuyển biến tích cực, tỉ lệ học sinh có học lực yếu giảm, học lực khá, giỏi tăng đáng kể ở tất cả các cấp học. Kết quả thi THPT quốc gia và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, Ninh Bình luôn nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có kết quả cao trên toàn quốc. Năm 2017, ngành Giáo dục - Đào tạo Ninh Bình được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc, được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua tiêu biểu xuất sắc.
Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, với mục tiêu không ngừng nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, trong đó công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao được tỉnh và ngành Giáo dục quan tâm đặc biệt. Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh giáo dục mũi nhọn và đạt được những kết quả tương đối toàn diện, vững chắc. Kết quả kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT 2018, tỉnh Ninh Bình có 70 học sinh dự thi, giành được 43 giải, chiếm tỷ lệ 61,4%; trong đó có 4 giải nhì, 11 giải ba, 28 giải khuyến khích; các môn Toán, Vật lý, Tiếng Anh có 100% thí sinh dự thi đoạt giải, trong đó có 12 học sinh lớp 11 tham gia đội tuyển và đạt các giải khuyến khích.
Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học, ở cấp tỉnh, có 90 dự án (32 dự án cá nhân, 58 dự án tập thể) của học sinh 23 trường THPT và 8 phòng Giáo dục - Đào tạo tham gia dự thi. Kết quả có 55 dự án đoạt giải, trong đó có 9 giải nhất, 13 giải nhì, 15 giải ba, 18 giải khuyến khích; 6 dự án có kết quả cao nhất được chọn tham dự cuộc thi cấp quốc gia. Trong cuộc thi cấp quốc gia khu vực phía Bắc, Đoàn Ninh Bình có 3/6 dự án đoạt giải lĩnh vực. Dự án "Robot thí nghiệm hóa học" của học sinh Giang Quốc Hoàn và Đỗ Hữu Toàn, học sinh lớp 12, trường THPT Hoa Lư A đoạt giải nhất và được tham gia vòng thi chọn đội tuyển dự thi quốc tế. Đây là lần thứ hai tỉnh Ninh Bình có học sinh đạt giải nhất.
Cùng với tổ chức các cuộc thi theo định kỳ hàng năm như cuộc thi chọn học sinh giỏi lớp 9 THCS cấp tỉnh; thi chọn học sinh giỏi, học viên giỏi lớp 12 THPT cấp tỉnh… thu hút hàng nghìn học sinh tham gia dự thi, đoạt nhiều giải thưởng, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào giảng dạy và học tập trong các nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo còn khuyến khích, tạo điều kiện cho những học sinh đam mê tìm hiểu tri thức, khoa học tham gia cuộc thi khác tạo sân chơi trí tuệ, bổ ích, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tiêu biểu trong đó là các cuộc thi: Cuộc thi TOEFL Primary và TOEFL Junior cấp tỉnh; cuộc thi Vẽ tranh Quốc tế Toyota "Chiếc ô tô mơ ước"; thi giải Toán, Vật lý qua Internet cấp quốc gia; cuộc thi Trạng Nguyên Tiếng Việt qua Internet; cuộc thi Câu lạc bộ Toán Tuổi thơ toàn quốc… thu hút nhiều học sinh từ cấp tiểu học đến bậc THPT, đạt được những kết quả đáng phấn khởi, tạo thành phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong các nhà trường. Trong năm học 2017-2018, nhiều đơn vị thực hiện tốt công tác bồi dưỡng học sinh giỏi và đạt được những thành tích cao. Tiêu biểu là các phòng Giáo dục - Đào tạo: Thành phố Ninh Bình, Yên Mô, Yên Khánh, thành phố Tam Điệp; các trường THPT: Kim Sơn A, chuyên Lương Văn Tụy, Hoa Lư A, Nguyễn Huệ, Yên Khánh A, Yên Khánh B, Bình Minh và các Trung tâm GDNN-GDTX: Yên Mô, thành phố Tam Điệp, Yên Khánh.
Theo Nhà giáo ưu tú Phạm Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác bồi dưỡng học sinh giỏi trong các năm học tiếp theo, ngành Giáo dục - Đào tạo đã đề ra một số giải pháp trọng tâm. Trong đó tập trung làm tốt công tác tham mưu chủ trương, chính sách và giải pháp đúng đắn phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo nói chung, công tác bồi dưỡng nhân tài nói riêng, bằng việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu đổi mới trong tình hình hiện nay. Làm tốt công tác tuyển dụng, sắp xếp, bố trí đội ngũ giáo viên đủ số lượng, chủng loại theo quy định. Khuyến khích, tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giảng dạy, tạo nền tảng, cơ sở vững chắc cho nền giáo dục của tỉnh nói chung và việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi nói riêng.
Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án xây dựng trường THPT chuyên tỉnh Ninh Bình theo Quyết định số 1073/QĐ-UBND ngày 13/12/2010 của UBND tỉnh; chỉ đạo trường THPT chuyên Lương Văn Tụy củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, chất lượng tập huấn đội tuyển học sinh giỏi tỉnh tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Đồng thời có nhiều giải pháp thu hút học sinh có năng khiếu vào học tại trường THPT chuyên của tỉnh; tiếp tục đổi mới công tác thi chọn học sinh giỏi, công tác tuyển sinh vào trường THPT chuyên bảo đảm nghiêm túc, khách quan, đúng quy chế, phát hiện được năng khiếu học sinh; tiếp tục thực hiện tốt chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với học sinh giỏi và giáo viên có thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi.
Cùng với đó phối hợp chặt chẽ với Hội Khuyến học các cấp đẩy mạnh phong trào xây dựng địa phương, dòng họ khuyến học, gia đình hiếu học; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực từ các quỹ khuyến học, khuyến tài, các tổ chức, nhà hảo tâm để động viên về vật chất và tinh thần cho học sinh; tạo sự hưởng ứng đồng thuận của gia đình và xã hội cùng ngành Giáo dục - Đào tạo chăm lo cho công tác đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh.
Mỹ Hạnh