Đến 31-12-2014, bình quân các xã đã đạt được 11 tiêu chí về nông thôn mới (toàn tỉnh có 119 xã tham gia thực hiện chương trình), tăng 6 tiêu chí so với năm 2010; có 16 xã đạt 19 tiêu chí, 4 xã đạt 15-18 tiêu chí, 47 xã đạt 10-14 tiêu chí, 52 xã đạt 5-9 tiêu chí. Nhìn theo các tiêu chí thì: Tiêu chí quy hoạch có 119 xã đã đạt, tiêu chí giao thông có 20 xã đạt; thủy lợi có 21 xã đạt, điện 92 xã đạt, trường học 51 xã đạt, cơ sở vật chất văn hóa 21 xã đạt, chợ nông thôn 46 xã đạt, bưu điện 116 xã đạt, nhà ở dân cư 60 xã đạt, thu nhập 29 xã đạt, hộ nghèo 25 xã đạt, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên 75 xã đạt, hình thức tổ chức sản xuất 115 xã đạt, y tế 69 xã đạt, giáo dục 87 xã đạt, văn hóa 79 xã đạt, môi trường 67 xã đạt, hệ thống tổ chức chính trị xã hội 102 xã đạt, an ninh trật tự 119 xã đạt. Năm 2014 có thêm 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 16 đơn vị, gồm: Yên Khánh 6 xã (Khánh Thành, Khánh Phú, Khánh Nhạc, Khánh Thiện, Khánh Cường, Khánh Hải); Nho Quan 3 xã (Lạng Phong, Đồng Phong, Phú Lộc); Kim Sơn 2 xã (Thượng Kiệm, Kim Đông); Gia Viễn 2 xã (Gia Sinh, Gia Lập); Yên Mô 1 xã (Yên Thắng); Hoa Lư 1 xã (Ninh Giang); thị xã Tam Điệp 1 xã (Yên Bình). Tại thời điểm các xã đề nghị công nhận là xã nông thôn mới, qua thẩm định, kiểm tra của các tổ công tác vẫn còn những tiêu chí còn chưa hoàn chỉnh, dở dang, khiếm khuyết: Đường giao thông một số đoạn chưa hoàn chỉnh; nhà văn hóa thôn đang hoàn thiện; chợ chưa có phương tiện, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy, thiếu cân đối chứng, nội quy, quy định; trạm xá xã còn thiếu vườn thuốc nam; đội ngũ cán bộ, công chức xã còn chưa đạt chuẩn, thiếu, bố trí chưa phù hợp; có xã tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chưa có nhà máy nước sạch…
Tuy nhiên, để kịp thời cổ vũ, động viên các xã khác phấn đấu vươn lên hoàn thành các tiêu chí thì những dở dang, khiếm khuyết đó tạm thời chấp nhận và các xã cần phải tiếp tục phấn đấu để hoàn thiện tiêu chí. Mặt khác, các xã khi được công nhận là xã nông thôn mới rồi không phải là đã hoàn thành chương trình… mà công tác xây dựng nông thôn mới vẫn phải được tiếp tục đẩy mạnh, duy trì, củng cố nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt; hoàn thiện, hoàn chỉnh các tiêu chí còn dở dang, bất cập.
Chỉ tính riêng ở 6 xã mới được xét, công nhận gần đây, theo ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT, Chánh Văn phòng điều phối XDNTM tỉnh thì có xã cần phải hoàn chỉnh tiêu chí số 2 (đường giao thông nông thôn), xã thì tiêu chí số 4 (điện), xã lại tiêu chí số 6 (cơ sở vật chất văn hóa), có xã ở tiêu chí số 8 (bưu điện), có xã ở tiêu chí 15 (y tế), xã tiêu chí 17 (môi trường)…
Hơn nữa, các tiêu chí về cơ sở vật chất (đường giao thông, kênh mương, trụ sở, nhà văn hóa…) tưởng chừng như vĩnh cửu, nhưng qua năm tháng, dưới tác động của điều kiện ngoại cảnh, môi trường vẫn bị bào mòn, hư hỏng; đấy là chưa kể đến sự tác động của con người khi sử dụng không hợp lý. Với tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo (nhóm tiêu chí quan trọng bậc nhất trong XDNTM) thì lại quá rõ; chỉ cần một vụ mất mùa do dịch bệnh và thiên tai là có thể phá vỡ kết quả đạt được; đấy là chưa kể hướng phát triển với yêu cầu của tiêu chí này ngày càng tăng lên...
Như vậy, trong bộ tiêu chí về XDNTM các tiêu chí đã đạt đều có thể bị tụt hậu nếu các xã không thường xuyên chăm lo, có giải pháp duy trì tốt. Đạt được xã chuẩn nông thôn mới đã khó, giữ vững tiêu chí đạt chuẩn lại càng khó hơn. Điều này đòi hỏi các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh phong trào XDNTM: duy trì, củng cố, tăng cường cơ sở vật chất; phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; củng cố y tế, giáo dục, hệ thống chính trị, an ninh trật tự… không ngừng nâng cao đời sống cả về vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Đinh Chúc