Phóng viên (P.V): Thưa ông, ngày Khuyến học Việt Nam 2-10 có ý nghĩa như thế nào đối với những người làm công tác khuyến học?
Ông Lê Văn Toại: Ngày 2/10/1996, Đại hội thành lập Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ I (nhiệm kỳ 1996-1999) được tổ chức tại Hà Nội sau đúng 110 năm thành lập Hội Đông Du và phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục với khẩu hiệu "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh", sau 78 năm phong trào Truyền bá Quốc ngữ với phương châm hoạt động "Chữ Quốc ngữ cho mọi người".
Từ đây, một tổ chức xã hội thời hiện đại đã ra mắt nhân dân để thực hiện ý tưởng "Giáo dục cho mọi người, mọi người vì giáo dục" nhằm mục tiêu "nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài", hướng đến một xã hội công bằng về giáo dục.
Tại Đại hội khuyến học Việt Nam lần thứ IV (2010-2015), với những kết quả đạt được, Chính phủ đã ban hành quyết định số 1217/QĐ-TTg, lấy ngày 2/10 hàng năm làm ngày Khuyến học Việt Nam, để động viên các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT; tôn vinh những gương sáng hiếu học, tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác khuyến học, khuyến tài.
Hai mươi năm là một chặng đường phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ, hội viên Hội Khuyến học các cấp, từ Trung ương đến cơ sở đã từng bước đưa phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập phát triển và trở thành một tổ chức xã hội có quy mô hoạt động khắp cả nước.
P.V: Đối với tỉnh Ninh Bình, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đang ngày càng phát triển sâu rộng, ông có thể cho biết một số kết quả nổi bật trong năm qua?
Ông Lê Văn Toại: Cùng với sự lớn mạnh của phong trào khuyến học, khuyến tài của cả nước, Hội Khuyến học Ninh Bình được thành lập vào ngày 24/4/1999. Năm 2000 bước vào Đại hội I, toàn tỉnh có 145/145 Hội xã, phường; 1.104 chi Hội khu phố, thôn, xóm; 706 Ban khuyến học dòng họ, với 83.850 hội viên, bằng 9% dân số toàn tỉnh. Đến tháng 4/2015, Đại hội IV toàn tỉnh đã có 2.863 chi hội với 260.689 hội viên, đạt tỷ lệ 28,9% dân số.
Các phong trào thi đua "Mùa xuân khuyến học" cho 6 tháng đầu năm , "Tháng 8 khuyến học" cho 6 tháng cuối năm được các cấp Hội tham mưu để lãnh đạo địa phương tổ chức động viên các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực.
Phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học ngày càng được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng nhiệt tình, tích cực. Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh đã có 1.934 cộng đồng được công nhận cộng đồng khuyến học, 123.396 gia đình và 1.792 dòng họ được công nhận gia đình, dòng họ hiếu học.
Quỹ khuyến học đã xây dựng từ gia đình, dòng họ, cộng đồng, thôn xóm, ở đâu có hoạt động khuyến học thì ở đó đều lập quỹ khuyến học. Đặc biệt từ năm 2012, khi Quỹ khuyến học, khuyến tài Đinh Bộ Lĩnh được thành lập thì ở các huyện có quỹ khuyến học Vũ Duy Thanh (Yên Khánh), Lương Văn Thăng (Nho Quan), Nguyễn Công Trứ ( Kim Sơn), Ngô Thì Nhậm (thành phố Tam Điệp), Tạ Uyên (Yên Mô)… Số dư quỹ khuyến học toàn tỉnh năm 2015 đạt trên 60 tỷ đồng, bình quân 65.000đ/người dân.
Quỹ khuyến học khuyến tài hàng năm đã khen thưởng cho hàng chục vạn học sinh giỏi các cấp học, cấp học bổng cho hàng chục nghìn học sinh gia đình nghèo, gia đình chính sách. Hội còn đóng góp hàng nghìn ngày công, hàng chục tỷ đồng xây dựng "Trường chuẩn Quốc gia", "Trường học thân thiện, học sinh tích cực"...
Từ năm 2015 đến nay, Hội đang tập trung triển khai Quyết định 281/TTg của Thủ tướng Chính phủ đã được UBND tỉnh giao cho Hội chủ trì liên kết phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng xã hội xây dựng phong trào học tập suốt đời trong các gia đình, dòng họ, cộng đồng đơn vị giai đoạn 2015 - 2020. Đây là nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước giao cho Hội, do đó các cấp Hội đã và đang nỗ lực triển khai ở khắp các địa bàn trong tỉnh.
P.V: Theo ông, những kinh nghiệm gì được rút ra từ kết quả phong trào khuyến học?
Ông Lê Văn Toại: Xác định khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, được Đảng và Nhà nước giao cho Hội làm nhiệm vụ liên kết, phối hợp các lực lượng xã hội cùng tham gia; vì vậy nơi nào, địa phương nào có đội ngũ cán bộ hội tâm huyết, trách nhiệm và làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương để quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời biết khơi dậy và tập hợp các tổ chức chính trị, các tổ chức xã hội, MTTQ các cấp tham gia thì ở nơi đó có phong trào khuyến học, khuyến tài đạt kết quả tốt.
Đặc biệt, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong quá trình phát triển, trên cơ sở những định hướng chung, các địa phương, các cơ sở luôn tìm ra cho mình một hướng đi mới phù hợp với địa phương mình mà mục tiêu hướng tới là xây dựng xã hội học tập.
Hàng năm, các cấp Hội xin ý kiến của cấp ủy, chính quyền trong công tác huy động quỹ, ngoài sự tài trợ bên ngoài, các cấp Hội huy động sự đóng góp của từng gia đình, từng cán bộ, công chức, viên chức, hoặc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT để gây quỹ…
Nói chung, mỗi nơi, mỗi địa phương, đơn vị đều có những cách làm riêng để gây quỹ hoạt động, tạo nên phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ngày càng sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.
P.V: Để phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ngày càng hiệu quả, thời gian tới, Hội Khuyến học tỉnh sẽ chú trọng vào những hoạt động nào, thưa ông?
Ông Lê Văn Toại: Để công tác khuyến học trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển bền vững, trong định hướng thi đua hằng năm, Hội khuyến học tỉnh chú trọng vào một số nhiệm vụ công tác trọng tâm.
Đó là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo nên sự biến chuyển trong nhận thức của toàn xã hội về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên các phương tiện thông tin đại chúng và những hoạt động khác.
Cùng với đó, cán bộ hội, hội viên và các tổ chức Hội liên quan tiếp tục quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Các tổ chức Hội phải ý thức được vai trò nòng cốt trong công tác liên kết, phối hợp với các tổ chức, lực lượng xã hội để làm khuyến học.
Song song với đó, mở rộng công tác đối ngoại, đa dạng các hình thức vận động để có nguồn quỹ bền vững, góp phần hỗ trợ, động viên phong trào học tập, phong trào khuyến học, khuyến tài trong và ngoài nhà trường.
Đồng thời, đặc biệt chú trọng công tác thi đua theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh, của Trung ương Hội về tất cả các mặt, kịp thời khen thưởng, biểu dương những tập thể, cá nhân xuất sắc, xây dựng và nhân rộng điển hình trong các phong trào thi đua và hoạt động Hội.
P.V: Nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Khuyến học tỉnh sẽ có những hoạt động gì nhằm động viên những người làm công tác khuyến học?
Ông Lê Văn Toại: Để động viên những người làm công tác khuyến học nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Khuyến học Việt Nam; tối 21/9, Trung ương Hội khuyến học Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm, ngày 30/9/2016, Hội khuyến học tỉnh sẽ tổ chức lễ kỷ niệm.
Theo đó, các huyện hội đều có kế hoạch tổ chức kỷ niệm để đánh giá những thành quả của Hội các cấp đạt được trong 20 năm qua; đồng thời tôn vinh, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
Với tỉnh Ninh Bình, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã có quyết định tặng Cờ đơn vị thi đua xuất sắc cho 5 đơn vị; bao gồm: Tỉnh hội Ninh Bình; huyện Hội Yên Mô; Hội xã Ninh An (huyện Hoa Lư); Dòng họ Nguyễn Xuân, xã Gia Trấn (huyện Gia Viễn) và Hội KH phường Ninh Sơn (thành phố Ninh Bình).
Đồng thời tặng 58 kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp khuyến học" cho các cá nhân có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài; tặng Bằng khen 38 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc.
UBND tỉnh cũng tặng Bằng khen cho 18 tập thể và cá nhân. Đặc biệt, Hội cũng đã đề nghị Hội đồng thi đua khen thưởng các cấp trình Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Hội khuyến học tỉnh Ninh Bình.
P.V: Xin cảm ơn ông
Mỹ Hạnh (thực hiện)