Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo, phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
P.V: Thưa đồng chí, vào những ngày này, đội ngũ những người làm công tác Tuyên giáo của tỉnh đang phấn khởi, tự hào ôn lại chặng đường 79 năm qua và những thành tựu nổi bật của ngành. Xin đồng chí cho biết khái quát về lịch sử truyền thống của ngành Tuyên giáo?
Đồng chí Đinh Chung Phụng: Cách đây 79 năm, ngày 1-8-1930, Ban Cổ động và tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xuất bản tài liệu "Ngày Quốc tế đỏ 1-8" nhân dịp kỷ niệm ngày đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô-viết, ủng hộ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc… Đây là tài liệu duy nhất, sớm nhất còn lưu lại cho đến ngày nay do Ban Cổ động và tuyên truyền của Đảng ấn hành. Từ mốc son lịch sử đó, ngày 17-2-2000, Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng (khóa VIII) đã quyết định lấy ngày 1-8 hàng năm là ngày truyền thống ngành Tư tưởng - Văn hóa của Đảng (nay là ngành Tuyên giáo). Trong suốt chặng đường 79 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội ngũ cán bộ làm công tác Tuyên giáo đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh, đội ngũ cán bộ làm công tác Tuyên giáo luôn tỏ rõ lòng trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, vững vàng về tư tưởng và bản lĩnh chính trị, giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng, vượt qua mọi gian khổ, khó khăn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng giao phó. Trong sự phát triển chung của công tác Tuyên giáo của cả nước, có sự đóng góp và cống hiến của lực lượng làm công tác Tuyên giáo của tỉnh Ninh Bình. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy, đội ngũ cán bộ làm công tác Tuyên giáo thường xuyên được củng cố, kiện toàn. Công tác Tuyên giáo luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của tỉnh.
P.V: Nhận thức rõ vai trò, vị trí của công tác Tuyên giáo nói chung, công tác tư tưởng nói riêng, ngày 30-8-2006, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về "Tăng cường công tác tư tưởng trong tình hình hiện nay". Xin đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật sau gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết ?
Đồng chí Đinh Chung Phụng: Nghị quyết 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đi vào cuộc sống đã góp phần làm cho công tác tư tưởng của Đảng bộ tỉnh không ngừng đổi mới và phát triển, ngày càng có hiệu quả cả diện rộng và chiều sâu. Đội ngũ cán bộ làm công tác Tuyên giáo có sự phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, tổ chức bộ máy ngày càng được củng cố và hoàn thiện. Công tác tư tưởng của Đảng bộ tỉnh được chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương thức hoạt động theo phương châm "Toàn Đảng làm công tác tư tưởng", "Cả hệ thống chính trị làm công tác tư tưởng" và "Hướng mạnh về cơ sở", công tác tư tưởng được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, thường xuyên trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Việc triển khai nhiệm vụ công tác Tuyên giáo đã theo hướng cụ thể hóa, chú trọng tính hiệu quả, tính chiến đấu, tính sắc bén và gắn với nhiệm vụ kinh tế - xã hội, gắn với phong trào thi đua trên các lĩnh vực. Trên từng mặt, từng lĩnh vực của công tác Tuyên giáo đều có những tiến bộ mới, hoạt động thiết thực và có hiệu quả hơn. Công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh, chất lượng từng bước được nâng lên, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của tỉnh, góp phần tích cực vào việc nâng cao nhận thức chính trị, thống nhất tư tưởng trong Đảng và sự đồng thuận trong nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp. Công tác giáo dục lý luận chính trị được tăng cường, công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng, địa chí Ninh Bình được tập trung chỉ đạo, triển khai, đạt kết quả tốt, công tác khoa giáo có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, trong hơn hai năm qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" sâu rộng trong toàn tỉnh, với nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể thể hiện tính sáng tạo, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình và tích cực tham gia. Cuộc vận động ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ trong mọi hoạt động của đời sống xã hội, trở thành động lực để cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.
P.V: Xin đồng chí cho biết những nhiệm vụ trọng tâm công tác Tuyên giáo của tỉnh trong thời gian tới?
Đồng chí Đinh Chung Phụng: Trong thời gian tới, trước bối cảnh đất nước đang ngày càng hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế, đặt ra nhiều thời cơ và thách thức, đòi hỏi công tác Tuyên giáo cần phải chủ động, tích cực, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cả nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao tính định hướng chính trị, tính thuyết phục, tính hiệu quả tuyên truyền sâu rộng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế. Công tác Tuyên giáo tham gia tích cực, có hiệu quả vào cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, giữ vững và mở rộng trận địa tư tưởng của Đảng. Trước mắt, công tác tuyên giáo phải tiếp tục góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 "Về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới". Tiếp tục đổi mới, nâng cao tính chiến đấu, tính khoa học, chất lượng và hiệu quả công tác Tuyên giáo. Chủ động, tích cực bám sát thực tiễn, phân tích, dự báo chính xác, kịp thời, nâng cao chất lượng tham mưu cho cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, có hiệu quả công tác tư tưởng. Giữ vững và phát huy thế chủ động, sáng tạo, tiến công; kết hợp chặt chẽ "xây" và "chống", lấy "xây" là chính, giữa biểu dương và phê bình; tăng tính thuyết phục, sự đồng thuận xã hội, làm cho toàn Đảng, toàn dân nắm vững, nhất trí cao với mục tiêu, nhiệm vụ của sự nghiệp đổi mới, kiên trì lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Gắn kết chặt chẽ công tác tuyên giáo với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, tăng cường công tác xây dựng Đảng. Đổi mới mạnh mẽ việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Coi trọng phát hiện, cổ vũ, nhân rộng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trên mọi lĩnh vực. Tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Coi trọng công tác chỉ đạo điểm, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc quá trình thực hiện; tập trung cao cho yêu cầu "làm theo"; nêu gương, cổ vũ những tập thể, cá nhân học tập Bác, làm theo Bác; kịp thời đúc rút bài học kinh nghiệm và bổ sung giải pháp cho các bước tiếp theo. Thông qua Cuộc vận động để xây dựng nền tảng đạo đức trong Đảng và trong toàn xã hội.
P.V: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác tư tưởng, xin đồng chí cho biết Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" có ý nghĩa như thế nào đối với những người làm công tác Tuyên giáo?
Đồng chí Đinh Chung Phụng: Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc ta, đồng thời là một nhà tư tưởng vĩ đại, Người đã để lại cho công tác tư tưởng của Đảng ta một di sản quý báu. Với vai trò là cầu nối chuyển tải, đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, hơn ai hết, những người làm công tác Tuyên giáo của Đảng càng phải thấm sâu tư tưởng, đạo đức của Bác Hồ. Người làm công tác Tuyên giáo không chỉ học Bác về tư tưởng, đạo đức, mà còn học tập Bác về tinh thần và phương pháp làm việc, về ý chí và nghị lực vượt khó. Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tâm huyết, tài năng, kinh nghiệm để làm công tác tư tưởng. Người đặc biệt coi trọng công tác tư tưởng, coi đây là mặt trận mà mọi cán bộ, đảng viên của Đảng phải là chiến sĩ xung kích trên mặt trận ấy. Người căn dặn những người làm công tác tư tưởng: "Muốn thành công phải biết cách tuyên truyền… Hai là phải biết cách nói. Nói thì phải đơn giản, rõ ràng, thiết thực. Phải có đầu, có đuôi, sao cho ai cũng hiểu được, nhớ được". Những lời dạy của Bác đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Ghi nhớ lời dạy của Bác, những người làm công tác Tuyên giáo phải luôn nỗ lực học tập, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp công tác. Cán bộ làm công tác Tuyên giáo phải luôn lăn lộn, bám sát cơ sở, bám sát thực tiễn, năng động, sáng tạo với lòng nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm cao để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững mặt trận tư tưởng của Đảng trong tình hình mới, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của đất nước.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Thu Thủy (Thực hiện)