Hàng năm, tỉnh đều có kế hoạch cụ thể rà soát, đánh giá toàn bộ số cán bộ, công chức hiện có, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho các đối tượng đang giữ các vị trí công tác khác nhau ở các cấp chính quyền trong tỉnh. Hiện nay, tỉnh Ninh Bình cơ bản đã đào tạo được đội ngũ cán bộ, công chức đủ về số lượng và từng bước nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tính đến năm 2008, toàn tỉnh có 19.245 cán bộ, công chức (trong đó cấp tỉnh có 5.905; cấp huyện có 10.508; cấp xã có 2.832). Về trình độ chuyên môn: Số cán bộ, công chức đạt trình độ trên đại học ở cấp tỉnh có 174 người, cấp huyện có 11 người. Số cán bộ, công chức có trình độ đại học, cao đẳng cấp tỉnh là 3.537 người, cấp huyện là 7.727 người, cấp xã là 2.832 người. Trình độ trung cấp cấp tỉnh có 1.573 người; cấp huyện có 2.377 người; cấp xã có 1.054 người. Về trình độ lý luận chính trị: Số cán bộ, công chức có bằng cao cấp và cử nhân chính trị cấp tỉnh là 348 người, cấp huyện 201 người, cấp xã là 14 người. Trình độ trung cấp lý luận chính trị cấp tỉnh có 782 người, cấp huyện có 844 người, cấp xã có 1.150 người.
Theo kế hoạch đào tạo năm 2009, sẽ đào tạo tại tỉnh cho cả hai khối (chính quyền; Đảng, đoàn thể) là 78 lớp với 3.607 học viên; bồi dưỡng trong tỉnh 86 lớp với 9.387 học viên; cử đi đào tạo ở Trung ương và tỉnh ngoài là 545 học viên; Đảng ủy khối doanh nghiệp và Đảng ủy khối cơ quan tỉnh tổ chức 18 lớp bồi dưỡng cho 1.640 học viên. Vì vậy, tỉ lệ cán bộ, công chức được đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu tiêu chuẩn ngạch và chức danh công tác không ngừng được nâng lên. Số lượng cán bộ, công chức được cử đi đào tạo sau đại học trong nước, nước ngoài ngày càng nhiều. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa trình độ về quản lý Nhà nước, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác ngày càng tăng.
Về chính sách, Ninh Bình là một trong những tỉnh đi đầu trong việc khuyến khích, thúc đẩy đội ngũ cán bộ, công chức say mê nghiên cứu học tập, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn đảm bảo chất lượng cán bộ, công chức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước. Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, nghị quyết về công tác đào tạo, bồi dưỡng, điển hình là Quyết định số 2645/2007/QĐ-UBND quy định về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh. Theo Quyết định này, tất cả cán bộ, công chức, công chức dự bị đang công tác tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp Nhà nước, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; viên chức đang công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; Cán bộ, công chức cấp xã, cán bộ không chuyên trách cấp xã đều được tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng.
Những cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng được hưởng nhiều ưu đãi về chế độ, chính sách của tỉnh như được hỗ trợ tiền giáo trình, viết luận văn, được hỗ trợ kinh phí đi học tập, nghiên cứu thực tế. Sau khi tốt nghiệp được hỗ trợ tiếp theo chính sách khuyến khích tài năng, đào tạo và thu hút cán bộ, công chức có trình độ cao của tỉnh. Riêng cán bộ, công chức nữ được cử đi đào tạo trung cấp, cao cấp, cử nhân lý luận chính trị; đại học chuyên môn; học sau đại học còn được hỗ trợ thêm một khoản kinh phí từ 2 đến 7 triệu đồng.
Việc đào tạo, bồi dưỡng đã có những cải tiến nhất định về nội dung, chương trình nhưng vẫn nặng về lý thuyết, chưa thật sự bám sát những đòi hỏi của cuộc sống và công việc hàng ngày của cán bộ, công chức. Đội ngũ giảng viên ở một số cơ sở đào tạo chất lượng chưa cao, chưa đồng đều, phần nhiều còn thiếu kiến thức thực tế, phương pháp giảng dạy chưa phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức chưa được xây dựng thành chương trình, kế hoạch dài hạn. Cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng đã được tỉnh tập trung đầu tư xây dựng nhưng chưa đồng bộ.
Để công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của tỉnh đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới cần tập trung vào một số vấn đề: Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định; thực hiện có hiệu quả các chương trình đào tạo phù hợp với chức danh, đào tạo phải theo nhu cầu sử dụng; tăng cường liên kết với các trường đại học trong và ngoài nước trong việc đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên sâu, đào tạo đội ngũ chuyên gia đầu ngành theo kế hoạch dài hạn và chỉ tiêu của tỉnh; đào tạo, bồi dưỡng có trọng tâm, trọng điểm, toàn diện: chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý Nhà nước, kỹ năng lãnh đạo... kết hợp đào tạo trong thực tiễn; Xây dựng quy chế đánh giá công chức trong quá trình đào tạo, quy chế kiểm tra việc sử dụng cán bộ, công chức sau đào tạo; chăm lo xây dựng đội ngũ giảng viên, tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo theo hướng hiện đại hóa. Xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành của các môn học.
Có chính sách thu hút sinh viên giỏi các trường đại học, các cán bộ đang công tác thực tiễn vào làm công tác giảng dạy ở hệ thống đào tạo cán bộ, công chức. Tăng cường đội ngũ giảng viên kiêm chức là cán bộ lãnh đạo sở, ngành, đoàn thể có kinh nghiệm thực tiễn, có năng lực sư phạm tham gia giảng dạy. Chú trọng nâng cao chất lượng toàn diện, trước hết là chất lượng chính trị, trình độ, bản lĩnh, lập trường của đội ngũ giảng viên Trường chính trị tỉnh, Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố, thị xã. Tiến hành tiêu chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, phấn đấu có trên 70% cán bộ giảng dạy ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong tỉnh có bằng thạc sỹ trở lên (hiện nay đạt gần 20%). Cần có chính sách đãi ngộ tốt đối với đội ngũ giảng viên trong các cơ sở đào tạo này. Coi đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là đầu tư cho "cái gốc" của tương lai.
Hương Lan