Chúng tôi được trực tiếp dự một buổi dạy TV1-CGD do cô giáo Nguyễn Thị Chinh, lớp 1E, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (thị xã Tam Điệp) đứng lớp. Buổi học hôm đó, cũng là những chữ cái, từ hết sức quen thuộc như: ba, bà, bá… Nhưng không theo cách dạy truyền thống, học sinh được học theo sơ đồ, đọc và sử dụng những động tác bằng tay rất vui nhộn. Không khí lớp học khá sôi nổi, phù hợp với lứa tuổi bắt đầu chập chững với con chữ khi giáo viên không phải nói nhiều mà học sinh được hoạt động nhiều, cô và trò giao tiếp với nhau chủ yếu bằng các kỹ năng…
Cô giáo Nguyễn Thị Chinh cho biết: Là năm học đầu tiên triển khai dạy TV1-CGD nên cả giáo viên và học sinh còn nhiều bỡ ngỡ. Tuy nhiên, do được tập huấn kỹ, có sự chuẩn bị, thiết kế bài giảng nên qua các tiết dạy đầu tiên các em học sinh tiếp thu bài khá tốt. Tuy nhiên, vì là chương trình dạy hoàn toàn mới, khác hẳn với cách giảng dạy truyền thống nên nếu về nhà, phụ huynh rất khó để dạy con học nếu chưa hiểu và nắm bắt được nội dung chương trình. Đối với giáo viên phải nghiên cứu, học tập thường xuyên, rút kinh nghiệm từng tiết dạy để có phương pháp truyền đạt phù hợp.
Tại trường Tiểu học Ninh Vân (Hoa Lư), cô giáo Bùi Thị Kim Nga, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học này, nhà trường có 5 lớp 1 đều triển khai học TV1-CGD nên đội ngũ giáo viên lớp 1 chuẩn bị tập huấn khá kỹ. Ngay từ "tuần làm quen", cô và trò đã phải học và làm quen với những kỹ năng cơ bản của môn học. Trước năm học mới, các giáo viên còn tổ chức dạy thử với nhau để thống nhất cách truyền đạt trên cơ sở nắm chắc kiến thức, phương pháp. Ban đầu, phụ huynh còn hết sức lo lắng vì chưa hiểu TV1-CGD là gì, hiệu quả như thế nào? Tuy nhiên, qua mấy tuần học, thấy con em đi học vui vẻ, phấn khởi, đều nói thích học Tiếng Việt thì nhiều phụ huynh đã dành sự quan tâm hơn cho môn học.
Gặp chị Đào Thị Thảo (thôn Thượng- xã Ninh Vân) đến đón con vào giờ tan học, chị cho biết: Tôi có 2 con đều học tại trường, 1 cháu lớp 4 và 1 cháu lớp 1. So với cách học của cháu lớn thì cách học TV1-CGD của cháu bé khác hẳn, phụ huynh chúng tôi muốn kèm thêm con ở nhà cũng khó. Tuy nhiên, vì lo lắng và quan tâm đến việc học của con nên tôi đã dành thời gian tìm hiểu về môn TV1-CGD và nhận thấy, đây là phương pháp mới nhằm giúp học sinh hình thành các kỹ năng cần thiết trong giao tiếp, hợp tác, học tập…
Trao đổi với đồng chí Dương Quốc Nam, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo) được biết thêm: Bản chất của công nghệ giáo dục là tổ chức và kiểm soát quá trình dạy học bằng một quy trình kỹ thuật được xử lý bằng giải pháp nghiệp vụ sư phạm. Theo đó, bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 theo CNGD của Giáo sư Hồ Ngọc Đại là chương trình rất ấn tượng với phương pháp dạy khoa học. Điểm nổi bật trước hết của chương trình này là tính vững chắc. Sự vững chắc đạt được nhờ hai yếu tố: giải quyết dứt điểm (từng đơn vị học) và nhắc lại thường xuyên, nhắc lại khi có cơ hội.
Thứ hai là, chương trình phù hợp với mọi đối tượng dù là học sinh người Kinh hay người dân tộc thiểu số, học sinh ở vùng thuận lợi hay vùng khó khăn, học sinh có được chuẩn bị tiếng Việt trước khi vào lớp 1 hay chưa. Với quan điểm dạy ngữ âm nên chương trình không đặt nặng về nghĩa mà tập trung vào cấu tạo ngữ âm của tiếng, giúp học sinh nắm được tiếng Việt trong mối quan hệ ngữ âm của nó. Chính vì tuân thủ quan điểm này mà chương trình đảm bảo dạy học sinh lớp 1 nắm chắc về nguyên âm, phụ âm, biết chắc chắn một vần, một tiếng cụ thể có thể ghép với bao nhiêu thanh và đặc biệt các em nắm rất chắc luật chính tả.Bên cạnh đó, qua các buổi học đầu tiên cho thấy các em học sinh lớp 1 tiếp thu bài học với thái độ mạnh dạn, tự tin, được hoạt động nhiều…
Để triển khai dạy TV1-CDG trong năm học 2014- 2015, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có quyết định triển khai dạy học Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ Giáo dục, chỉ đạo các phòng giáo dục huyện, thành phố, thị xã, các trường tiểu học đăng ký học TV1-CGD, tổ chức tập huấn kỹ càng từ tư tưởng, quan điểm, phương pháp, nghiệp vụ dạy TV1-CGD; thực hành kỹ quy trình của từng dạng bài, mẫu bài, kiến thức ngữ âm, luật chính tả... Sở còn mời trực tiếp giáo sư Hồ Ngọc Đại cùng các cộng sự về giảng dạy và giải đáp những thắc mắc của giáo viên.
Tại 31 trường tiểu học dạy TV1-CGD, các nhà trường cũng tổ chức tập huấn toàn trường, cho giáo viên dạy lớp 1 dạy thử để cùng trao đổi, rút kinh nghiệm trong các bài giảng. Mặc dù mới triển khai từ đầu năm học đến nay, qua kiểm tra, đánh giá của phòng Giáo dục tiểu học, các lớp học đều diễn ra sôi nổi, học sinh tích cực hoạt động. Theo nhận xét của nhiều giáo viên, phương pháp dạy học TV 1 - CGD giúp cho giáo viên nắm vững kỹ thuật dạy học theo hướng tích cực, tiến trình giờ dạy nhẹ nhàng, dễ thực hiện. Giáo viên không phải soạn bài nhiều nên có thời gian nghiên cứu thiết kế bài giảng.
Một điểm khác với phương pháp dạy học truyền thống nữa là giáo viên không phải cầm tay giúp học sinh tập viết mà các em tự tư duy bài giảng dưới hình thức nghe, hiểu và viết lại. Như vậy chương trình TV1 - CGD đã tích hợp được rất nhiều kỹ năng cho học sinh.Qua các lớp học này kiến thức và năng lực giáo viên cũng được nâng cao rất nhiều, các thầy cô hiểu cặn kẽ về ngữ âm, luật chính tả...
Theo giáo sư Hồ Ngọc Đại, "cha đẻ" của chương trình TV1-CGD, để dạy tốt TV1- CGD phải mất một vài năm vì so với chương trình cũ, chương trình mới khác hoàn toàn từ nội dung, phương pháp, cách thức…Tuy nhiên, nếu áp dụng thành công, sẽ góp phần quan trọng trong việc đổi mới giáo dục tiểu học theo tinh thần Nghị quyết số 29- NQ/TƯ của BCH Trung ương Đảng khóa XI về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo".
Bài, ảnh: Bùi Diệu