NHỮNG ĐIỂM SÁNG TRONG TÍCH TỤ RUỘNG ĐẤT
HTX nông nghiệp Hợp Tiến (xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh) là đơn vị nhạy bén và đi đầu trong tích tụ ruộng đất ngay từ khi bắt đầu triển khai công tác dồn điền, đổi thửa. Năm 2012, qua rà soát, nắm bắt tình hình, HTX nông nghiệp Hợp Tiến đã thống kê và xây dựng đề án thuê lại diện tích đất nông nghiệp của bà con nông dân không có nhu cầu sản xuất với thời gian là 10 năm. Với giá 60 kg thóc/sào/năm, HTX đã thuê được 11,6 ha.
Thời điểm đó, HTX hình thành ý tưởng khi dồn điền, đổi thửa sẽ quy tụ hết diện tích thuê được vào một khu, xây dựng mô hình sản xuất lớn. Để tạo sự đồng thuận của nhân dân khi dồn điền, đổi thửa, HTX chọn khu vực xa nhất và đất xấu nhất triển khai đề án, do đó quá trình tích tụ rất thuận lợi.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Nhạc (khi ấy là Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Hợp Tiến), ngay từ những vụ đầu tiên sản xuất lúa đồng trà, cùng giống lúa chất lượng cao, áp dụng biện pháp thâm canh tiên tiến, việc điều tiết nước, bón phân, phòng trừ sâu bệnh được triển khai đồng bộ, hơn 11 ha tích tụ đã cho hiệu quả cao.
Điều đáng nói là HTX đã mạnh dạn đầu tư máy móc vào sản xuất như máy làm đất, máy gặt, máy phun thuốc trừ sâu, máy sấy nông sản để đáp ứng nhu cầu sản xuất quy mô lớn. Khâu tổ chức sản xuất cũng được triển khai bài bản, HTX giao cho mỗi thành viên phụ trách một khâu, như đến vụ thu hoạch thành viên phụ trách sẽ đưa máy gặt về và tính toán diện tích thu trước, thu sau sao cho phù hợp với công suất của máy sấy.
Trong 2 năm đầu, hơn 11 ha được HTX gieo cấy lúa chất lượng cao hoặc lúa nếp có giá trị và đều đạt tới ngưỡng năng suất. Để tìm ra hướng phát triển mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất nông nghiệp, từ năm 2014 HTX tách ra 2 ha xây dựng mô hình trồng rau màu. Hiện nay, diện tích này có số lần quay vòng đất từ 3-3,5 lần/năm và trồng các cây trồng hàng hóa như dưa lê, cà chua bi, dưa chuột, cải bó xôi, cải bắp muộn...
Trong đó nhiều sản phẩm đã được các doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định. Có thể khẳng định, sau hơn 4 năm thực hiện tích tụ ruộng đất, mô hình sản xuất ở HTX Hợp Tiến đều thành công với chi phí giảm, hiệu quả kinh tế cao. Ước tính diện tích trồng rau màu hàng hóa cho thu nhập 120 triệu đồng/ha/năm và phấn đấu những năm tới khi kỹ thuật đã hoàn thiện có thể đạt từ 250-300 triệu đồng/ha/năm.
Với diện tích trồng lúa, HTX chuyển hết sang sản xuất giống lúa nếp dài ngày có hiệu quả vượt trội so với các giống khác, doanh thu ước đạt 50 triệu đồng/ha/vụ, trừ chi phí có lãi 30 triệu đồng/ha/vụ.
Tại huyện Yên Mô, nhiều mô hình tích tụ ruộng đất đã cho hiệu quả cao, điển hình như mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với rau màu các loại của hộ ông Tống Viết Lư, xã Mai Sơn. Với mong muốn có diện tích lớn để sản xuất hàng hóa, năm 2013, gia đình ông Lư đã mượn và thuê lại 4 ha đất của bà con trong xã trồng các loại cây ăn quả như táo, ổi, dưa lê, dưa Kim Hoàng Hậu và các loại rau an toàn cung ứng ra thị trường. Hầu hết diện tích này trước đây bà con nông dân đều trồng ngô, lạc, đậu không hiệu quả do thiếu lao động hoặc thiếu sự đầu tư.
Để sản xuất lớn hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thị trường, ông Lư thực hiện đa dạng hóa các cây trồng, áp dụng đúng quy trình sản xuất rau, quả an toàn và được giám sát cẩn thận, do vậy toàn bộ rau thành phẩm của gia đình ông đều được Công ty cổ phần TPXK Đồng Giao và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ký hợp đồng bao tiêu.
Nói về hiệu quả kinh tế, ông Lư khẳng định: Tất cả các cây trồng của mô hình cho hiệu quả hơn hẳn so với sản xuất lúa truyền thống, ví dụ như chỉ cần trồng 3 cây táo cho hiệu quả bằng 1 sào lúa và năm nay 800 hốc táo đã bắt đầu cho thu hoạch.
Một năm 4 ha đất tích tụ được có số lần quay vòng từ 3-4 lần và doanh thu đạt trên 500 triệu đồng/ha, trừ chi phí thu lãi trên 70 triệu đồng/ha. Sau khi thuê đất, gia đình ông Lư ưu tiên chọn chính những lao động trong những hộ có đất ở đây để làm mô hình.
Với cách làm này, gia đình ông đảm bảo được lợi ích của cả hai bên, vừa có lao động, vừa giải quyết việc làm cho bà con nông dân đã chuyển nhượng đất.
Hiện gia đình ông Lư giải quyết việc làm cho 10 lao động thời vụ với mức thu nhập từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng, đây là mức thu nhập cao so với người dân trồng lúa, trồng màu truyền thống trước đây.
Ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết: Thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa, từ năm 2012 đến nay, tỉnh ta có 91 xã thực hiện xong, mỗi hộ có từ 1-2 thửa ruộng. Đây được coi là phương thức để giảm số thửa, đưa máy móc vào sản xuất, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả cho người nông dân.
Tuy nhiên, để sản xuất hàng hóa quy mô lớn cần tích tụ những mảnh ruộng nông dân không thiết tha sản xuất hoặc sản xuất kém hiệu quả thành mảnh ruộng lớn, tạo quỹ đất sạch thu hút doanh nghiệp, cá nhân vào đầu tư nông nghiệp theo hướng hiện đại.
Sau dồn điền, đổi thửa trên địa bàn tỉnh đã manh nha xuất hiện một số mô hình thuê, mượn ruộng, tích tụ ruộng đất cho hiệu quả kinh tế khá cao như ở Yên Khánh, Yên Mô, Nho Quan...
Có thể khẳng định rằng hình thức tích tụ ruộng đất ban đầu đã đem lại hiệu quả cao hơn so với sản xuất nông hộ. Việc tích tụ thông qua thuê, mượn, góp ruộng đã và đang từng bước làm thay đổi thói quen trong sản xuất nhỏ lẻ và gieo cấy truyền thống của người dân.
Các hộ, các doanh nghiệp tích tụ ruộng đất đã đầu tư khoa học kỹ thuật, đầu tư máy móc, thiết bị, làm giảm bớt chi phí sản xuất nên hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích đã tăng lên. Trong lĩnh vực trồng trọt đã có sự tăng trưởng đáng kể.
Đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi, trên cơ sở tích tụ ruộng đất nếu đầu tư quy mô trang trại lớn, áp dụng công nghệ khoa học vào sản xuất thì hiệu quả chăn nuôi cao hơn. Tích tụ ruộng đất cũng tạo nền tảng cho việc sản xuất theo hướng VietGAP đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, là tiền đề quan trọng thực hiện thành công các mục tiêu cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh.
ĐẢM BẢO LỢI ÍCH CỦA NGƯỜI NÔNG DÂN
Làm đất trồng rau thương phẩm tại HTX Hợp Tiến, xã Khánh Nhạc (Yên Khánh). Ảnh: Trường Giang
Tích tụ ruộng đất tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư mở rộng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng hàng hóa quy mô lớn nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường, nhờ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Các mô hình tích tụ ruộng đất tiêu biểu của các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã khẳng định được hiệu quả và là hướng đi đúng trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Tuy nhiên, tình hình tích tụ ruộng đất trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm và đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Theo số liệu thống kê của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 40.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 10-15% diện tích (4.000 - 6.000 ha) người dân không có nhu cầu sản xuất hoặc không mặn mà thiết tha với đồng ruộng.
Thực tế cho thấy kết quả tích tụ ruộng đất hiện nay trên địa bàn tỉnh còn quá ít, đó cũng đang là "rào cản" lớn nhất để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Vậy đâu là nguyên nhân?
Theo ông Phạm Trọng Nguyên, Trưởng phòng Nông nghiệp &PTNT huyện Yên Mô, cái khó trong tích tụ ruộng đất hiện nay là một bộ phận người dân không sản xuất hoặc sản xuất hiệu quả thấp nhưng vẫn có tư tưởng giữ ruộng, giữ đất, không cho thuê, mượn vì sợ khi có dự án sẽ không được nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Mặt khác, đất được coi là tài sản bảo đảm từ đời trước đến đời sau và họ muốn giữ lại cho con cháu.
Ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT, Chánh văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết: Cần có diện tích tới cả chục ha để doanh nghiệp vào đầu tư máy móc, phương tiện, nhân lực... để sản xuất với quy mô lớn.
Nhưng theo đánh giá thì trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều mô hình tích tụ được từ 5 đến 20 ha mà chủ yếu dưới 2 ha, dẫn đến không thu hút được doanh nghiệp vào đầu tư và hiệu quả đầu tư chưa cao. Cùng với đó, tư tưởng "phòng cơ" của người nông dân và quy định mức hạn điền của Nhà nước cũng là một khó khăn trong quá trình tích tụ ruộng đất cần sớm giải quyết.
Để thu hút các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn, sản phẩm an toàn, có giá trị và hiệu quả kinh tế cao theo mục tiêu Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh đề ra đòi hỏi phải tích tụ những diện tích lớn gắn liền với quy hoạch của địa phương. Nhà nước và tỉnh cần có những giải pháp cụ thể, tạo ra "cú hích" mới cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn và hiện đại.
Trong đó quy định hạn điền đang khiến doanh nghiệp, nông dân không thể đầu tư sản xuất lớn và vì vậy Quốc hội nên sửa đổi quy định về hạn điền cho phép tích tụ đất đai và làm thế nào để sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại toàn diện, nền sản xuất hàng hóa, giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, vừa tránh được những vấn đề phát sinh sau này. Tức là phải có cơ chế thuê ruộng đất cụ thể, ổn định lâu dài và mức hạn điền đủ lớn.
Bên cạnh đó, cần có chính sách về bảo hiểm nông nghiệp vì sản xuất nông nghiệp rủi ro thiên tai, dịch bệnh rất lớn, song song với đó là tạo môi trường liên kết giữa các hộ sản xuất, các doanh nghiệp và thị trường, hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nhà nước cần hỗ trợ nông dân trong quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để thúc đẩy phát triển trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp.
Những nơi Nhà nước thu hồi đất cho các dự án, nên hỗ trợ chi phí đào tạo nghề và chuyển đổi nghề cho người nông dân. Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển an sinh xã hội đối với nông dân, giúp nông dân có điều kiện sản xuất, sinh hoạt, đảm bảo chất lượng cuộc sống ngày càng đi lên.
Về phía tỉnh, trên cơ sở những mô hình tích tụ ruộng đất có hiệu quả, cùng với thực trạng ruộng đất trên địa bàn tỉnh, năm 2017 Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh sẽ tham mưu với tỉnh triển khai làm điểm, tập trung những hộ không có nhu cầu sản xuất và đất công ích của xã vào gọn một khu, tạo quỹ đất sạch thu hút doanh nghiệp vào sản xuất nông nghiệp.
Muốn làm được điều này phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng nghĩ, cùng bàn đưa ra các giải pháp và cùng làm với người nông dân. Các giải pháp đưa ra để thực hiện phải đặt xung quanh trục lợi ích của người nông dân.
Trước tiên, các địa phương cần tập trung vận động, giải thích để người dân hiểu và từ bỏ thói quen giữ ruộng đất, tức là làm cho người nông dân hiểu sản xuất quy mô lớn mới giảm nghèo bền vững và làm giàu.
Tiến tới chọn địa phương xây dựng những mô hình mẫu lớn, trong đó người dân được làm chủ, là người làm, người hưởng lợi và được doanh nghiệp, HTX hỗ trợ bao tiêu sản phẩm.
Hoặc xây dựng mô hình nông dân góp vốn bằng đất, cho thuê đất hoặc chính quyền đứng ra làm trung gian để mời gọi đầu tư thì người nông dân sẽ có nguồn vốn ban đầu để học nghề, chuyển nghề, tìm nghề, tạo việc làm mới mà không phải bỏ phí đất, vừa yên tâm với quyền sử dụng đất dài hạn. Trên cơ sở những mô hình điểm có hiệu quả, tổng kết đúc rút kinh nghiệm và nhân ra diện rộng.
Tích tụ ruộng đất đang là "nút thắt" lớn nhất cản trở sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa lớn và hiện đại, tiến tới thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.
Nếu chính sách về đất đai được hoàn thiện cùng những giải pháp tích cực được thực hiện trong những năm tới tỉnh ta sẽ thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đưa nền nông nghiệp tỉnh nhà phát triển toàn diện và bền vững n
Hồng Giang