Là một trong 3 trường mầm non được chọn làm điểm của tỉnh trong thực hiện xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, đến nay, Trường Mầm non Quang Sơn (thành phố Tam Điệp) đã có một diện mạo mới, khang trang, sạch đẹp, với đầy đủ các khu vui chơi, học tập cho các em. Khuôn viên ngoài trời được quy hoạch lại, tận dụng tối đa diện tích để xây dựng thành các khu vực chơi, như: Khu vườn cổ tích, khu chơi với cát - nước - sỏi, khu chợ quê, các tiểu cảnh của từng lứa tuổi gắn với thiên nhiên... Cùng với đó là các góc khám phá khoa học, góc trò chơi dân gian, góc an toàn giao thông, góc thư viện xanh, góc phát triển các hình thức vận động tinh, khu vui chơi thể chất, vườn cây của bé, các góc trưng bày sản phẩm sáng tạo của cô và bé...
Với nhiều góc vui chơi, học tập như vậy, một buổi học ngoài trời của các cô và trò lớp 5 tuổi có khá nhiều hoạt động chơi và học, mang lại niềm vui và nhận thức mới mẻ cho các em. Bước vào đây, các em như được hòa mình vào thế giới cổ tích với những nhân vật gần gũi như: cô Tấm, Thánh Gióng, Nàng Bạch Tuyết và bẩy chú lùn, Chú dê đen... Cô giáo Đinh Thị Hạnh, giáo viên lớp 5 tuổi, Trường Mầm non Quang Sơn (thành phố Tam Điệp) cho biết, tại khu vườn cổ tích, các em không chỉ được nghe cô giáo kể chuyện, mà còn được được trực tiếp tiếp xúc với mô hình các nhân vật trong truyện cổ tích. Đây là những trải nghiệm đầu đời rất thú vị với các em, chắc chắn sẽ để lại những ấn tượng khó quên. Qua các câu chuyện cổ tích, các em hình dung và hiểu được các nhân vật tốt-xấu, giúp trẻ hướng tới cái đẹp, cái thiện, tránh xa những thói hư, tật xấu... Điều này góp phần rất lớn trong việc hình thành và phát triển nhân cách trẻ.
Cùng với việc quy hoạch xây dựng không gian ngoài trời, trong các lớp học, việc trang trí môi trường học tập cho trẻ hoạt động cũng được Trường Mầm non Quang Sơn quan tâm đầu tư. Tất cả các phòng học được sắp xếp, trang trí tạo cảm giác hứng thú, kích thích sự sáng tạo của các em, phù hợp với đặc điểm riêng của từng độ tuổi. Như đối với các bé lớp 2 tuổi được trang trí theo chủ đề: "Cây và những bông hoa đẹp". Trong không gian của lớp học, trẻ như được sống trong thế giới các loại hoa, quả, tên các góc ngộ nghĩnh, gần gũi với các bé, tạo thuận lợi cho giáo viên và gây hứng thú cho trẻ khi tham gia các hoạt động. Với trẻ ở lớp 3 tuổi lại được trang trí theo chủ đề "Những con vật đáng yêu"; đi sâu vào khai thác những con vật nuôi trong gia đình để giáo dục trẻ. Hình ảnh chủ đề được trang trí bắt mắt với những bức tranh con vật ngộ nghĩnh, thân quen do chính cô giáo và các bé vẽ và trang trí. Mỗi phòng học là sự sáng tạo, đầu tư của cô giáo, hướng đến sự thân thiện, an toàn cho trẻ.
Cô giáo Lê Thị Trâm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quang Sơn (thành phố Tam Điệp) cho biết, qua thực tế triển khai làm điểm xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Trong môi trường giáo dục cả ở sân trường và trong lớp học, với đa dạng các chủ đề, chủ điểm và loại hình tuyên truyền đã kích thích sự phát triển cả về thể chất và tư duy sáng tạo cho các em, giúp các em có sự phát triển toàn diện và đặc biệt thích thú khi được đến trường, đến lớp.
Theo nhà giáo Trịnh Thị Bản, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT, xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm là một trong nhiều hoạt động có hiệu quả mà ngành Giáo dục đã và đang triển khai thực hiện, nhằm đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục và đánh giá trẻ. Trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng, phát triển toàn diện tốt ngay từ lứa tuổi mầm non sẽ tạo nền tảng cho việc học tập, rèn luyện sau này.
Qua 2 năm triển khai thực hiện chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2016-2020" do Bộ GD&ĐT phát động, cho thấy đã đạt được những kết quả tích cực. Diện mạo của các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh có nhiều đổi mới. Từ 3 mô hình trường làm điểm, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và nhân rộng thêm được 31 trường. Trong đó có những trường ở khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng bằng sự nỗ lực của các nhà trường, sự quan tâm hỗ trợ của địa phương, các bậc phụ huynh, đã từng bước tạo cho con, em mình một môi trường học tập tốt nhất.
Từ khi triển khai chuyên đề đến nay, cơ sở vật chất được đổi mới, tăng cường và xây dựng theo hướng chuẩn. Tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh đã xây mới và đưa vào sử dụng trên 130 phòng học, trị giá hàng trăm tỷ đồng; có trên 17.000 bộ thiết bị đồ chơi được mua mới; trên 17.300 bộ đồ chơi được giáo viên và phụ huynh tự làm... Toàn tỉnh có trên 1.400 số nhóm lớp đủ thiết bị đồ dùng, đồ chơi, đạt tỷ lệ 69%; 115/153 số trường có đa dạng các khu, góc theo quy định, đạt tỷ lệ 75,2%...
Tuy đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng việc thực hiện chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm vẫn còn bộc lộ những khó khăn. Đó là do trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng thiếu phòng học mầm non, nên phải bố trí các phòng học tạm, học nhờ, không đảm bảo yêu cầu về diện tích nên khó khăn cho giáo viên trong việc bố trí, thiết kế môi trường cho trẻ hoạt động. Cùng với đó, các thiết bị, đồ dùng, đồ chơi của các nhóm, lớp còn thiếu và chưa đồng bộ...
Để triển khai thực hiện có hiệu quả chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm", thời gian tới, Ngành giáo dục và chính quyền các địa phương tiếp tục huy động từ nhiều nguồn lực khác nhau, làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục. Đặc biệt là phát động mạnh mẽ phong trào tự làm đồ dùng, đồ chơi từ các nguyên vật liệu sẵn có của địa phương; khuyến khích giáo viên thực hiện ý tưởng theo từng tổ, nhóm chuyên môn để phối hợp thiết kế những bộ sản phẩm có tính sáng tạo, sử dụng đa năng. Trong đó cần huy động tối đa sự ủng hộ của cha mẹ học sinh về ý tưởng thiết kế, về nhân lực và nguồn kinh phí, từ đó có thêm điều kiện để chế tạo, cải tiến đồ dùng, đồ chơi cho trẻ, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ mầm non.
Hạnh Chi