Hiện nay trên 7.400 ha lúa của huyện Yên Khánh đang sinh trưởng và phát triển tốt. Tình hình sâu bệnh hại lúa có xu hướng ít hơn năm trước nhưng phức tạp hơn vì sâu bệnh xuất hiện, không tập trung. Bà Phạm Thị Thanh Dung, Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Yên Khánh cho biết: Qua kết quả kiểm tra, đầu tháng 5 trên đồng ruộng xuất hiện rầy các loại gây hại trên diện tích hơn 1.000 ha với mật độ trung bình 1.500 -2.000 con/m2, nơi cao 3.000 con/m2, có ổ lên đến 4.000 - 5.000 con/m2. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, huyện Yên Khánh đã chỉ đạo bà con nông tổ chức phun phòng, trừ sâu bệnh theo đúng thông báo của ngành nông nghiệp. Đồng thời tích cực theo dõi điều kiện thời tiết, dự thính dự báo để kịp thời có biện pháp phun trừ khi tới ngưỡng. Cùng với công tác dự thính, dự báo, Trạm BVTV và phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cũng cử cán bộ xuống cơ sở nắm bắt tình hình, hướng dẫn bà con nông dân kỹ thuật phun trừ sâu bệnh, tránh phun lãng phí, tràn lan gây ô nhiễm môi trường. Đến nay toàn huyện đã xử lý xong những diện tích có ổ gối lứa 2 khoảng hơn 400ha; còn lại gần 600ha tiếp tục phun trừ từ ngày 9 đến 13-5. Bên cạnh đó, bà con đã kết hợp phun trừ với bệnh đạo ôn lá trên những giống nhiễm. Bà Đỗ Thị Thao, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Qua kết quả kiểm tra tình hình dịch hại trên đồng ruộng cho thấy một số đối tượng dịch hại đang phát sinh cục bộ và có khả năng gây hại trên các trà lúa nếu không phòng trừ kịp thời. Bệnh đạo ôn lá gây hại cục bộ trên các trà lúa xuân muộn, đặc biệt trên diện tích lúa gieo sạ, diện tích xanh tốt giống nhiễm như QR1, Nếp, Q5, BC15, Bắc thơm số 7, LT2,…với diện tích trên 6.560 ha, trong đó trên 76% nhiễm nặng, 21% diện tích bị lùn lụi. Bệnh đạo ôn cổ bông gây hại trên những diện tích bị bệnh đạo ôn lá, tập trung ở các huyện Yên Khánh, Yên Mô, Nho Quan. Tổng diện tích lúa nhiễm bệnh gần 70ha, trong đó nhiễm nặng gần 30ha, diện tích giảm 70% năng suất là 3,5ha. Rầy lứa 2 đang gây hại cục bộ trên các trà lúa có mật độ trung bình 160 con/m2, nơi cao 700 - 1.000 con/m2, ổ lên đến 2.000 - 3.000 con/m2 với diện tích nhiễm rầy trong toàn tỉnh là 7.460ha (bằng 44,6% diện tích nhiễm cùng lứa với vụ Đông Xuân năm 2014), trong đó có 460ha nhiễm nặng. Bệnh khô vằn cũng phát sinh gây hại trên 11.740ha, trong đó có 610ha nhiễm nặng. Ngoài ra, sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 gây hại rải rác trên các trà lúa xuân muộn với tổng diện tích nhiễm trên 7.600ha, trong đó diện tích nhiễm nặng 350ha. Cùng với đó, có trên 180ha bị chuột phát sinh gây hại trên những ruộng cạn nước, ven làng ven gò; sâu đục thân lúa 2 chấm hại cục bộ trên trà xuân sớm, nhện, bọ xít dài hại rải rác.
Trước tình hình trên, Chi cục BVTV tỉnh đã gửi thông báo cho các địa phương, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra tình hình dịch hại, công tác diệt trừ khi tới ngưỡng. Theo báo cáo của Chi cục BVTV, tính đến nay toàn tỉnh đã phun trừ trên 6.700ha diện tích lúa bị bệnh đạo ôn lá (trong đó trên 920ha phun phòng trừ 2 lần), trên 6.400ha lúa bị rầy các loại; gần 4.000ha lúa bị sâu cuốn lá nhỏ; trên 10.000ha lúa bị nhiễm bệnh khô vằn;…
Dự báo trong thời gian tới, các loại sâu bệnh hại sẽ vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến diện tích lúa xuân như: Rầy cám lứa 3 tiếp tục nở rộ, gây hại cục bộ trên các trà lúa nếu không phát hiện và phun trừ kịp thời những diện tích bị nặng sẽ gây cháy ổ và quy mô, mức độ gây hại cao hơn so với cùng lứa vụ xuân năm 2014; bệnh đạo ôn cổ bông tiếp tục hại tăng trên các trà lúa, đặc biệt ở trà lúa xuân muộn, ruộng đã bị bệnh đạo ôn lá, gần nguồn bệnh với quy mô, mức độ gây hại tương đương năm trước; sâu đục thân lúa 2 chấm lứa 2 tiếp tục ra rộ, gây hại trên một số diện tích; bệnh khô vằn sẽ gia tăng cả về mức độ và phạm vi gây hại trên các trà lúa, nhất là trên những chân ruộng cấy dày, bón nhiều đạm,...Ngoài ra, chuột, bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh lùn sọc đen, bệnh lép đen hại cục bộ; nhện gié hại rải rác.
Theo lãnh đạo Chi cục BVTV, từ đầu vụ xuân đến nay sâu bệnh ít hơn trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, không vì thế mà bà con nông dân lơ là công tác phòng trừ sâu bệnh cho lúa. Để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh, các địa phương cần thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo cụ thể của ngành nông nghiệp đối với từng loại sâu bệnh hại. Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, diễn biến cây trồng, diễn biến các đối tượng dịch hại để phòng trừ kịp thời khi tới ngưỡng. Tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ dịch hại trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là kỹ thuật phun trừ rầy các loại, sâu đục thân hai chấm, bệnh đạo ôn cổ bông. Cùng với đó tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và quản lý thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo bà con nông dân không mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Hồng Giang